Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 01 năm 2025,
Chuyện ông Tây làm du lịch miền Tây
Phú Khởi - 21/02/2015 21:04
 
Từ Pháp đến Việt Nam, làm việc tại Hà Nội, lấy vợ Hải Phòng, nhưng lại bị sông nước miền Tây “níu chân”, ông Benoit Perdu quyết định chọn Cần Thơ làm quê hương thứ hai của mình.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Gợi ý để có những bức ảnh du xuân tuyệt đẹp
Hối thúc triển khai dự án casino và sân bay Vân Đồn
Làng Văn hóa ế khách vì đầu tư dở dang
Đề xuất cơ chế đặc thù xây Cảng Phú Quốc

Những người bán hàng ở nhà lồng chợ cổ tại Bến Ninh Kiều, TP. Cần Thơ hầu như ai cũng biết ông Tây nói tiếng Việt như người bản xứ. Ông sinh trưởng ở vùng Normandie (Pháp), tên tiếng Pháp là Benoit Perdu, bà con thường gọi tắt chữ đầu là Ben. Ông cũng thích được gọi như vậy vì dễ gọi, dễ nhớ và nghe giống người Việt hơn.

Chuyện ông Tây làm du lịch miền Tây
Ông Benoit Perdu 

Với ông, Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai vì thời gian ông sống ở đây đã xấp xỉ thời gian ở nơi sinh ra. Sinh năm 1968, từ năm 1992, Ben đã đến Việt Nam, làm việc tại Hà Nội. Với chuyên môn là kỹ sư cơ khí - điện tử, lúc mới sang, Ben làm cho nhà thầu cung cấp thép cho một số công trình xây dựng lớn ở miền Trung, sau đó chuyển sang làm Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm nông nghiệp Groupama (Pháp) tại Việt Nam, rồi làm Giám đốc Công ty liên doanh Total Gaz.

Trong thời gian đầu ở Việt Nam, ông thường tới Cần Thơ làm việc. Những khi rảnh việc, ông rất thích thuê thuyền len lỏi khám phá miền sông nước. Tình yêu với vẻ đẹp sông nước miền Tây không biết tự bao giờ đã thấm sâu vào “máu” của Ben.

Năm 2001, ông quyết định đưa cả gia đình về Cần Thơ sinh sống và cùng với “bà xã” mở một công ty du lịch nhỏ mang tên Xuyên Mekong, chuyên tổ chức các tour du lịch sông nước và ẩm thực dân gian cho Tây ba-lô, với hy vọng mang “cái duyên sông nước miệt vườn Việt Nam” giới thiệu với du khách phương Tây.

Theo Ben, cảnh đẹp miền Tây rất đẹp, sông nước hiền hòa, người dân thân thiện. Nhưng một trong những nguyên nhân khiến du lịch vùng này chưa phát triển là do dịch vụ, địa điểm ăn nghỉ chưa đáp ứng được nhu cầu của khách. Đa phần, du khách chỉ thuê xuồng máy đi loanh quanh ven các đô thị lớn rồi về thành phố để nghỉ ngơi, không khám phá hết vẻ đẹp của các vùng quê, nhất là về đêm.

Vẻ đẹp sông nước miền Tây đã níu chân ông Benoit Pedru và thôi thúc ông làm du lịch, giới thiệu vẻ đẹp ấy tới du khách

Xuất phát từ phân tích đó, Ben đã chọn cách làm du lịch theo kiểu “khách sạn 5 sao di động”. Năm 2002, con tàu do Ben thiết kế toàn bằng gỗ mang dáng dấp ghe bầu, nhưng phong cách cổ kính Tây Âu đã hạ thủy với tên gọi Bassac - tên một nhánh sông nhỏ của dòng Mekong. Tàu gồm 3 tầng, có cả phòng đọc sách, phòng xem phim, nhà hàng và 6 phòng ngủ, đủ sức phục vụ 12 khách, tầng thượng có thiết kế boong mở - nơi dành cho du khách tắm nắng ban mai và ngắm hoàng hôn vào ban chiều. Tàu cũng được trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đáp ứng các nhu cầu cao cấp cho du khách.

Trong điều kiện tàu trôi bồng bềnh giữa sông nước, mọi thiết bị trên tàu đều phải đạt sự an toàn tuyệt đối, đặc biệt là hệ thống điện, máy nước nóng, máy lạnh, Internet…, với đội ngũ phục vụ, thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ chuyên nghiệp.

Ngoài ra, các hoạt động vui chơi giải trí đi kèm cũng đa dạng và sẵn sàng cho nhu cầu khám phá vẻ đẹp địa phương, như canô, thuyền Kayak hay xe đạp, giúp du khách khám phá những sông lạch nhỏ hay thôn xóm miệt vườn.

Trong 3 năm đầu, Xuyên Mekong gần như hoạt động không lãi vì lượng khách không đủ chi phí cho mỗi chuyến đi. Nhưng Ben xác định, nếu không chịu lỗ thì không thể làm nên thương hiệu và không thể kéo khách về với mình. Vì vậy, với cam kết uy tín, chất lượng phục vụ làm nên thương hiệu, tàu của Ben luôn phục vụ chu đáo từng vị khách, cho dù đó là doanh nhân sang trọng hay Tây ba-lô giản dị.

Trải qua thời gian khó khăn, du khách đến với Xuyên Mekong càng lúc càng đông. Ben tiếp tục thiết kế đóng mới thêm 2 chiếc tàu lớn hơn. Có lúc đông khách, cả hai vợ chồng xuống tàu trực tiếp làm hướng dẫn viên cho du khách.

Không chỉ đóng tàu làm du lịch, Ben còn mở 2 quán ăn mang tên Nam Bộ và Sao Hôm để giới thiệu các món đặc sản miệt vườn Nam Bộ. Xét về quy mô, Xuyên Mekong không lớn nhưng thu hút rất đông khách nước ngoài đặt tour, nhất là du khách Tây Âu.

“Xuyên Mekong không có công ty “đỡ đầu” nào từ nước ngoài, toàn bộ khách đến với chúng tôi là do du khách đến trước giới thiệu lại cho du khách đến sau”, Ben cho biết.

Hiện ông Ben đã có dự định làm ăn cho 5 năm tới nhưng chưa muốn tiết lộ. Chỉ có điều chắc chắn là, ông vẫn gắn bó với Việt Nam.

“Ở đây, cuộc sống rất ý vị và tôi còn có cả gia đình nhỏ của mình. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đó cũng là cơ hội để doanh nghiệp cùng phát triển”, Ben chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư