Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
CII: Áp lực 3.161 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong một năm tới
Duy Bắc - 26/10/2022 07:37
 
9 tháng từ đầu năm 2022, hoạt động tài chính tiếp tục giúp CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã CII - sàn HoSE) thoát lỗ và ghi nhận tăng 577% lên 852,4 tỷ đồng.

Lợi nhuận cốt lõi tiếp tục lỗ 100,27 tỷ đồng trong quý III

Trong quý III/2022, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM ghi nhận doanh thu đạt 2.183,83 tỷ đồng, tăng 744% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 51,68 tỷ đồng, tăng 385,3% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 26,9% về còn 15,1%.

Được biết, từ năm 2015 tới năm 2021, biên lợi nhuận gộp của Công ty thấp nhất là 19,51% (năm 2017). Như vậy, biên lợi nhuận gộp trong quý III bất ngờ giảm về mức thấp trong nhiều năm.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 373,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 259,71 tỷ đồng lên 329,21 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 52,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 196,53 tỷ đồng về 177,43 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 16,1%, tương ứng tăng thêm 44,88 tỷ đồng lên 322,91 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 10,9%, tương ứng giảm 13,08 tỷ đồng về 106,57 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Công ty ghi nhận lỗ 100,27 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 328,18 tỷ đồng.

Như vậy, lợi nhuận tạo ra trong quý III không đủ trả lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Công ty chỉ thoát lỗ nhờ vào doanh thu tài chính (mặc dù doanh thu tài chính giảm mạnh so với cùng kỳ).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 75% lên 3.890,52 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 577% lên 852,4 tỷ đồng.

Cơ cấu doanh thu trong 9 tháng đầu năm của CII (Nguồn: BCTC).
Cơ cấu doanh thu trong 9 tháng đầu năm của CII (Nguồn: BCTC).

Thực tế, Công ty có lãi trong 9 tháng đầu năm chủ yếu đến từ hoạt động tài chính, chủ yếu ghi nhận 805,96 tỷ đồng lãi thoái vốn công ty con và chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính; 440,96 tỷ đồng lãi từ các khoản hợp tác đầu tư, hỗ trợ vốn, tiền gửi và trái phiếu…

Trong năm 2022, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đặt kế hoạch doanh thu 8.010,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 756,8 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 726,93 tỷ đồng, Công ty hoàn thành 96,1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Dòng tiền tiếp tục âm

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm thêm 10,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 1.083,8 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 340,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 605,5 tỷ đồng.

Được biết, từ năm 2014 tới 2021, Công ty liên tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm và thâm hụt vốn. Trong đó, riêng năm 2018 dòng tiền bất ngờ dương trở lại 715,62 tỷ đồng và năm 2019 dương 135,18 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, dòng tiền tiếp âm mạnh khi năm 2020 ghi nhận âm 1.393,92 tỷ đồng và năm 2021 tiếp tục ghi nhận âm 881,66 tỷ đồng.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM giảm 5,1% so với đầu năm về 29.295,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định đạt 8.747,9 tỷ đồng, chiếm 29,9% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 6.750,7 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.571,1 tỷ đồng, chiếm 12,2% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác đạt 2.809,2 tỷ đồng, chiếm 9,6% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.667,3 tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, tài sản biến động mạnh chủ yếu tồn kho đã giảm 41,4% so với đầu năm, tương  ứng giảm 1.882,1 tỷ đồng về 2.667,3 tỷ đồng; các khoản phải thu dài hạn tăng 47,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.184,3 tỷ đồng lên 6.750,7 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn giảm 75,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.598,8 tỷ đồng về 519,6 tỷ đồng và biến động các khoản mục khác.

Cơ cấu phải thu dài hạn của CII tính tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC).
Cơ cấu phải thu dài hạn của CII tính tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC).

Công ty thuyết minh phải thu dài hạn bất ngờ tăng chủ yếu do phải thu các bên liên quan từ 1.735,4 tỷ đồng lên 3.206,9 tỷ đồng, tức tăng thêm 1.471,5 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu 1.845,9 tỷ đồng là CTCP BOT Trung Lương Mỹ Thuận; và 1.361 tỷ đồng đối với CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB – sàn HoSE).

Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM cho biết khoản mục phải thu dài hạn với Năm Bảy Bảy lần đầu tiên xuất hiện do đây là số dư cuối kỳ là các khoản hỗ trợ vốn với thời gian từ 3 năm đến 20 năm, lãi suất từ 7%/năm đến 11%/năm.

Cơ cấu tồn kho tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC).
Cơ cấu tồn kho tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC).

Đối với tồn kho, bất động sản dở dang giảm từ 3.821,4 tỷ đồng về 752,2 tỷ đồng, tức giảm 3.069,2 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu dự án khu nhà ở chung cư tại lô 3.15 giảm từ 2.371,8 tỷ đồng về 0 tỷ đồng; dự án khu dân cư Sơn Tịnh – Quảng Nghĩa giảm từ 488,9 tỷ đồng về 0 tỷ đồng so với đầu năm; dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư Delagi giảm từ 325,1 tỷ đồng về 0 tỷ đồng so với đầu năm.

Đối với bất động sản hoàn thành chờ bán, trong 9 tháng đầu năm, dự án khu nhà ở chung cư tại lô 3.15 tăng từ 0 lên 1.262,2 tỷ đồng và các biến động không đáng kể.

Như vậy, tồn kho ngoài dự án khu nhà ở chung cư tại lô 3.15 chuyển từ xây dựng dở dang sang bất động sản hoàn thành chờ bán (dự án chưa bán được), còn lại dự án khu dân cư Sơn Tịnh – Quảng Nghĩa và dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư Delagi bất ngờ giảm về 0 tỷ đồng so với đầu năm.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC).
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC).

Đối với chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn cũng giảm từ 2.118,4 tỷ đồng về 519,6 tỷ đồng, tức giảm 1.598,8 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu hai dự án bất động sản NBB Garden II và dự án bất động sản NBB II bất ngờ giảm lần lượt từ 814,9 tỷ đồng và 771 tỷ đồng về 0 tỷ đồng.

Khối nợ 15.529,3 tỷ đồng và áp lực 3.161 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong 1 năm tới 

Ngoài ra, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 15.529,3 tỷ đồng, bằng 1,83 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, có tới 5.875,1 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và 9.454,2 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.

Lịch trả nợ của CII tính tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC)
Lịch trả nợ của CII tính tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC)

Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM cho biết lịch thanh toán nợ vay và trả trái phiếu đáo hạn. Trong đó, trong vòng 1 năm tới, Công ty sẽ phải trả 554,75 tỷ đồng nợ vay và 3.161 tỷ đồng trái phiếu; trong năm thứ hai, Công ty phải trả 1.073,1 tỷ đồng nợ vay và 1.090 tỷ đồng trái phiếu; trong thời gian từ năm ba đến năm năm, Công ty sẽ phải trả 2.601,9 tỷ đồng nợ vay và 872,5 tỷ đồng trái phiếu.

Điểm đáng lưu ý, từ đầu năm tới nay, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM đã thực hiện một số đợt mua lại trái phiếu trước hạn. Trong đó, từ ngày 10/1 đến 12/4/2022, Công ty mua lại 39 tỷ đồng trái phiếu phát hành ngày 27/8/2020, kỳ hạn 36 tháng; và ngày 25/5/2022, thực hiện mua lại 150 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, đây là trái phiếu phát hành ngày 13/3/2020 với kỳ hạn 36 tháng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/10, cổ phiếu CII đóng cửa giá tham chiếu 15.300 đồng/cổ phiếu.

Sau CII giảm sở hữu, Năm Bảy Bảy muốn chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu
CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB - sàn HoSE) thông qua kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2022 để thông qua kế hoạch chào bán cổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư