Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
CII có biểu hiện khát vốn
Duy Bắc - 04/06/2023 08:33
 
Khi cổ phiếu giảm sâu, ban lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII, mã CII, sàn HoSE) không mua vào để đỡ giá, mà quyết định cắt lỗ cổ phiếu quỹ. Động thái này cho thấy CII đang “khát vốn”, nhất là khi các kế hoạch gọi vốn mới vẫn chưa triển khai.

Không đỡ giá khi cổ phiếu giảm sâu

Thông thường, khi cổ phiếu của một doanh nghiệp giảm giá mạnh, nhà đầu tư bên ngoài luôn hy vọng, ban lãnh đạo và cổ đông lớn, với lợi thế nắm rõ thông tin, hiểu doanh nghiệp tường tận, sẽ có động thái đỡ giá, hỗ trợ tâm lý cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra tại CII, khi cổ phiếu của công ty này giảm sâu.

Cụ thể, số liệu thống kê từ ngày 7/1/2022 đến ngày 26/5/2023 cho thấy, cổ phiếu CII giảm 70,1%, từ mức giá 57.900 đồng/cổ phiếu, về 17.300 đồng/cổ phiếu (thấp hơn giá sổ sách tại thời điểm ngày 31/3/2023 là 21.376 đồng/cổ phiếu). Trong đó, giai đoạn từ 7/1/2022 đến 15/11/2022, cổ phiếu CII giảm 81,4%, chỉ còn 10.750 đồng/cổ phiếu.

Tại thời điểm ngày 31/3/2023, CII ghi nhận giá trị cổ phiếu quỹ là 737,02 tỷ đồng, tương ứng sở hữu 31.797.370 cổ phiếu quỹ. Giá trị sổ sách ghi nhận của cổ phiếu quỹ là 23.179 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, nếu tính theo giá thị trường ngày 26/5/2023 (17.300 đồng/cổ phiếu), CII có thể “lỗ” tới 186,9 tỷ đồng thông qua việc thoái ra toàn bộ cổ phiếu quỹ dưới giá ghi sổ sách.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) lần thứ 2 năm 2023 vào ngày 24/5/2023 (ĐHĐCĐ lần thứ nhất không tổ chức do tỷ lệ cổ đông tham dự không đủ theo quy định của Điều lệ), Tổng giám đốc CII, ông Lê Quốc Bình cho biết, cá nhân ông không có tiền để mua cổ phiếu CII; ban lãnh đạo muốn mua thêm thì cũng “lực bất tòng tâm”.

Có thể thấy, ban lãnh đạo CII gần như không có bất cứ động thái đỡ giá nào khi cổ phiếu của Công ty liên tục “tìm đáy”. Hành động này hoàn trái ngược với giai đoạn năm 2021. Thời điểm đó, khi cổ phiếu CII bùng nổ, các thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) và ban lãnh đạo CII  đã ồ ạt bán cổ phiếu.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, trong năm 2021, ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII đã bán ra hơn 2 triệu cổ phiếu; Giám đốc Tài chính bán ra 557.000 cổ phiếu; Giám đốc Phát triển dự án bán ra toàn bộ 71.000 cổ phiếu; Giám đốc Quản lý vốn bán ra 250.000 cổ phiếu; Giám đốc Phòng Quản lý dự án hạ tầng bán toàn bộ 180.000 cổ phiếu; Trưởng ban Kiểm toán nội bộ bán toàn bộ 290.000 cổ phiếu…

Trước khi diễn ra “cơn sốt” cổ phiếu CII vào cuối năm 2021, tại thời điểm 30/3/2021, CII có 3 cổ đông lớn, gồm: Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước  TP.HCM, sở hữu 10,07% vốn điều l); Amersham Industries Limited, sở hữu 6,34% vốn điều lệ; VIAC (NO.1) Limited Partnership, sở hữu 10,55% vốn điều lệ; 73,04% còn lại thuộc về cổ đông nhỏ.

Tuy nhiên, một năm sau đó, vào cuối tháng 3/2022, CII chỉ còn 1 cổ đông lớn là Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM, sở hữu 8,49% vốn điều lệ. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của cổ đông nhỏ tăng từ 73,04% lên 91,51%, các lãnh đạo chủ chốt của CII liên tục bán ra. Sau khi cổ phiếu giảm sâu, động thái mua lại cũng không xuất hiện.

Tính tới cuối năm 2022, Chủ tịch HĐQT Lê Vũ Hoàng chỉ sở hữu 0,16% vốn điều lệ; Tổng giám đốc Lê Quốc Bình sở hữu 2,4% vốn điều lệ; các thành viên khác trong HĐQT và Ban Điều hành sở hữu không đáng kể.

Tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi ngày một tăng, lãnh đạo và cổ đông lớn không mua vào cũng là một trong những nguyên nhân khiến các cuộc ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 và lần 1 năm 2023 không tổ chức được, do thiếu cổ đông tham dự.

Đảo nợ vay, tăng phát hành trái phiếu

Được biết, CII đang đàm phán nhận khoản tín dụng 450 triệu USD để trả nợ dự án BOT, đồng thời đàm phán để được cấp thêm tín dụng nhằm giảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu của CII trong dự án BOT (từ mức 50/50, về mức 30/70). Điều kiện đàm phán là bên cho vay mới đồng ý để CII thu hồi vốn song song với hoàn trả vốn vay.

Tại ĐHĐCĐ ngày 24/5, ông Lê Quốc Bình thông tin, CII đã nhận được quyết định tài trợ chính thức của gói 2.400 tỷ đồng; còn gói 6.950 tỷ đồng cũng kỳ vọng sẽ được phê duyệt. Mục đích sử dụng vốn là tái cấu trúc vốn cho 2 dự án quy mô lớn.

Đồng thời, CII cũng thông qua kế hoạch phát hành 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông sở hữu (trái phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền). Trong đó, năm 2023, Công ty dự kiến phát hành gói 2.522 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông, với mục đích đầu tư góp vốn/hoặc mua trái phiếu của đơn vị liên quan.

Dù vậy, việc gọi vốn thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi của CII và khoản tín dụng chỉ mới nằm trong kế hoạch. Trong khi đó, tính tới cuối quý I/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của CII tăng 4,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 650,2 tỷ đồng, lên 15.232,5 tỷ đồng, bằng 183% vốn chủ sở hữu; còn tổng tiền mặt là 836,3 tỷ đồng, chiếm 2,9% tổng tài sản.

Mặc dù CII có dòng tiền từ 7 dự án BOT có thể đảm bảo trả lãi vay, nhưng việc thực hiện các nghĩa vụ thanh toán liên quan tới trái phiếu và nợ vay ngân hàng đến hạn còn phụ thuộc vào quá trình huy động vốn mới và đáo hạn nợ trong thời gian tới.

Cổ đông CII lo ngại về kế hoạch huy động vốn

Trước động thái đẩy mạnh huy động vốn từ tổ chức tài chính và phát hành trái phiếu cho cổ đông hiện hữu, các cổ đông của CII lo ngại, dư nợ của Công ty có thể tăng lên mức 35.000 tỷ đồng, tiền trả lãi sẽ ăn mòn lợi nhuận và ảnh hưởng tới khả tăng trả cổ tức.

Hồi đáp ý kiến của cổ đông, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết, Công ty phát hành trái phiếu để cấu trúc nợ, nên tổng nợ vẫn dưới 20.000 tỷ đồng. Tổng giám đốc CII khẳng định: “Công ty dư sức trả lãi và trả thêm nợ gốc ngân hàng”. Ngoài ra, CII kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu từ thu phí giao thông (dự án BOT).
Người của CII được bổ nhiệm vào Ban điều hành Năm Bảy Bảy từ ngày 9/5
Trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 2, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB - sàn HoSE) bổ nhiệm thêm lãnh đạo vào Ban điều hành.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư