Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
CMSC muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Bảo Như - 28/11/2022 19:53
 
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ có đóng góp về kinh tế quan trọng không chỉ cho riêng TP. HCM mà cả khu vực phía Nam và các vùng lân cận.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại buổi làm việc.

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo chủ chốt TP.HCM vào chiều ngày 27/11.

Phó chủ tịch CMSC cho rằng, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ có đóng góp quan trọng với vai trò cảng trung chuyển quốc tế không chỉ cho riêng TP.HCM mà cả khu vực phía Nam và các vùng lân cận; đóng góp đáng kể vào thu ngân sách của TP. HCM và cả nước.

Để tạo điều kiện cho Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có đầy đủ căn cứ pháp lý về quy hoạch, CMSC kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sớm trình Thủ tướng phủ sửa đổi, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lãnh đạo CMSC cũng kiến nghị UBND TP.HCM tạo điều kiện cho Dự án được triển khai trên địa bàn sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt quy hoạch.

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có quy mô khoảng 7,2 km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 Teus), công suất khoảng 18 triệu Teus/năm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD.

Đây sẽ là công trình hạ tầng giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn FDI lớn nhất từng được triển khai tại Việt Nam.

Mặc dù vẫn phải đợi Bộ GTVT xem xét bổ sung vào Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhưng ngay từ lúc này, “siêu dự án” Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – TP.HCM gần như xác định xong nhà đầu tư. Dự án sẽ mang theo khối lượng hàng trung chuyển quốc tế từ các quốc gia trong khu vực về cảng trung chuyển quốc tế tại Việt Nam - yếu tố cực kỳ quan trọng đảm bảo cho Dự án được triển khai thành công.

Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ GTVT và UBND Tp.HCM, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) đã kiến nghị với lãnh đạo CMSC, Bộ GTVT và UBND TP.HCM về kế hoạch di dời khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội (Q.4), khu cảng Tân Thuận (Q.7).

Trong thời gian chưa thực hiện di dời, Cảng Sài Gòn kiến nghị cấp có thẩm quyền "cho phép đơn vị tiếp tục khai thác, đơn vị sẽ không thực hiện đầu tư mới".

Dự kiến giai đoạn 2023-2025, Cảng Sài Gòn sẽ duy trì khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội thành cảng du lịch; kết hợp với các đại lý, công ty lữ hành, đổi mới dịch vụ, tạo sản phẩm du lịch dấn dẫn.

Đối với cảng Tân Thuận, từ nay đến năm 2025 sẽ hoạt động ổn định. Từ 2025 trở đi sẽ bàn giao 1 phần diện tích cảng Tân Thuận (dự kiến 40%) để xây cầu Thủ Thiêm 4. Chiều dài cầu cảng dự kiến giảm còn 550m.

Bên cạnh đó, đại diện Cảng Sài Gòn còn kiến nghị các đơn vị liên quan cho phép giữ lại trụ sở làm việc tại số 3 đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) để làm trụ sở làm việc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư