Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cơ chế mở để đầu tư Cảng hàng không Lai Châu
Anh Minh - 23/10/2022 13:09
 
UBND tỉnh Lai Châu được trao quyền chủ động nghiên cứu, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn đầu tư Cảng hàng không Lai Châu.
Ảnh minh họa

Ủng hộ đầu tư PPP

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong Công văn số 7006/VPCP-CN vừa được Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Lai Châu truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về việc đầu tư Cảng hàng không Lai Châu. Theo đó, Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Lai Châu chủ động nghiên cứu, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn đầu tư dự án.

“Sau khi Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu được phê duyệt, UBND tỉnh Lai Châu thống nhất với Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao tỉnh là cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án theo phương thức PPP theo đúng quy định”, Công văn số 7006 nêu rõ.

Trước đó, tại Công văn số 10316/BGTVT-KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 10/2022, Bộ GTVT khẳng định, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng còn khó khăn, Bộ GTVT ủng hộ chủ trương giao UBND tỉnh Lai Châu là cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu phương án huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng mới Cảng hàng không Lai Châu theo phương thức PPP.

“Sau khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện về quy hoạch, UBND tỉnh Lai Châu chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục tiếp theo, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai đầu tư theo quy định”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đề xuất.

Cảng hàng không Lai Châu được đưa vào quy hoạch từ năm 2010. Thời điểm đó, Cảng hàng không Lai Châu được quy hoạch là sân bay dịch vụ nội địa trong giai đoạn đến năm 2020; định hướng đến năm 2030 là cảng hàng không nội địa, cấp sân bay 3C (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Vì nhiều lý do, Cảng hàng không Lai Châu đã không thể triển khai theo lộ trình đã định. Theo Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT trình Chính phủ, Cảng hàng không Lai Châu tiếp tục được quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 với công suất khoảng 0,5 triệu lượt hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 với công suất khoảng 1,5 triệu lượt hành khách/năm.

Các điều kiện cần

Sở dĩ UBND tỉnh Lai Châu mới chỉ được giao quyền chủ động nghiên cứu, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn là bởi những quy định ràng buộc về pháp lý được đề cập tại Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 của Chính phủ về đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay.

Cụ thể, khoản 1, Điều 46 quy định: Việc đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay mới hoặc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trong cảng hàng không, sân bay hiện có phải phù hợp với quy hoạch cảng hàng không, sân bay được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Như vậy, sau khi Quy hoạch hệ thống cảng hàng không được Thủ tướng phê duyệt, cần triển khai lập Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở nghiên cứu đầu tư, phát triển Cảng hàng không Lai Châu”, lãnh đạo Bộ GTVT giải thích.

Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ GTVT cho biết, theo Luật Đầu tư, điểm b, khoản 1, Điều 31 quy định: Trường hợp các dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng gồm: dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay.

Do Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu có mục tiêu xây dựng mới toàn hoàn, nên thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là của Thủ tướng.

Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao một số UBND các tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền đối với dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không theo phương thức PPP. Trên cơ sở những tiền lệ này, tháng 12/2021, Bộ GTVT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Tại Đề án, Bộ GTVT kiến nghị đưa Cảng hàng không Lai Châu thuộc nhóm các cảng hàng không xây dựng mới và đề xuất giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo hình thức PPP.

“Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn chế, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng mới Cảng hàng không Lai Châu theo phương thức PPP là phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”, ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP
Dự án cảng hàng không Lai Châu được xác định là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư