Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cô chủ Nấm Tươi Cười : "Tôi muốn dẫn hướng thị trường"
Hải Yến - 09/12/2017 15:18
 
Trong bộn bề công việc cuối năm, trước giờ lên đường tới Phần Lan để tham gia sự kiện khởi nghiệp lớn nhất thế giới, kể lại hành trình khởi nghiệp của mình, Phạm Hồng Vân, CEO Công ty cổ phần D.H.A và các cộng sự vẫn nhắc đi nhắc lại: “Từ khi khởi nghiệp, tôi luôn xác định mình sẽ là người dẫn hướng thị trường…”.
doanh nhân trẻ Phạm Hồng Vân.
Doanh nhân trẻ Phạm Hồng Vân.

Một triệu sản phẩm được thương mại hóa

Không phải chờ đến lúc này, khi vừa giành ngôi quán quân của Cuộc bình chọn Start-up Việt 2017, Phạm Hồng Vân mới “nói to” về dự án khởi nghiệp với thương hiệu Nấm Tươi Cười của Công ty cổ phần D.H.A và các cộng sự. Sau 7 năm, số sản phẩm mang thương hiệu Nấm Tươi Cười được bán ra thị trường đã chạm con số 1 triệu sản phẩm.

Cùng với đó, Nấm Tươi Cười đã xây dựng được 230 điểm bán lẻ và 7 nhà phân phối. “Nếu cộng gộp tất cả các địa điểm chấp thuận bán sản phẩm của chúng tôi tại khắp các tỉnh, thành phố, thì con số này đã lên tới hàng ngàn rồi”, Vân tự hào kể.

Mày mò khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, từ chối không ít cơ hội tham gia “gia công” cho những đơn hàng giò nấm, ruốc nấm từ đối tác trong và ngoài nước, giờ thì cô chủ của thương hiệu Nấm Tươi Cười đã có được nhà xưởng sản xuất khang trang, được xây dựng trên 330 m2 đất tại Gia Lâm (Hà Nội).

Nói là nhà máy sản xuất, nhưng dây chuyền sản xuất mà Vân xây dựng đặc biệt tinh gọn, chỉ có chưa đầy chục nhân công. “Để tồn tại được đến hôm nay, trong muôn vàn sóng gió của thị trường và của chính thương hiệu Nấm Tươi Cười, không thể không nói đến yếu tố sản xuất và quản lý tinh gọn. Tôi ý thức rất rõ mình là doanh nghiệp khởi nghiệp, nếu ôm đồm quá nhiều ban bệ, tầng nấc thì e là không hợp lý”, Vân lý giải.

Tuy nhiên, mô hình quản lý sản xuất sẽ phải thay đổi khi thị trường mở rộng hơn với sản phẩm Nấm Tươi Cười. Tương lai gần, Vân đã nghĩ đến giải pháp lựa chọn các đơn vị gia công cho Nấm Tươi Cười ở thị trường phía Nam. Các doanh nghiệp lớn, có đơn hàng xuất khẩu trị giá cả vài chục triệu USD cũng chọn cách đi này.

Đau đáu với vùng nguyên liệu nội địa

Sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng từ nấm, nhưng sau ngần ấy năm, nguyên liệu để chế biến vẫn đang được Nấm Tươi Cười mua từ nhiều nguồn, trong đó một phần được nhập khẩu từ Myanmar, Đài Loan, Trung Quốc. Đây cũng là điều khiến Vân trăn trở nhiều nhất.

Hiện giờ, không một nhà cung cấp nào ở Việt Nam có thể đáp ứng đủ lượng nguyên liệu cho Nấm Tươi Cười. Quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, khó có thể làm lớn như những tập đoàn, doanh nghiệp khác, nên Công ty đang phải tổ chức thu mua lẻ. Vân và các cộng sự đang khởi động dự án tạo vùng nguyên liệu trong nước, hoàn tất chuỗi giá trị sản xuất thực phẩm từ nấm nguyên liệu.

“Thời gian đầu khởi nghiệp, tôi muốn tập trung vào khâu sản xuất và tiêu thụ. Giờ thì việc phát triển thương hiệu và xây dựng thị trường đã tạm ổn, cũng là lúc để Nấm Tươi Cười nghĩ khác, phải tạo ra được chuỗi giá trị của chính mình”, Vân nói.

Ý tưởng khởi tạo vùng nguyên liệu bản địa của Vân và các cộng sự đã lọt vào tầm ngắm của quỹ đầu tư đến từ Australia và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dành cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực sông Mê Kông.

Vân chia sẻ, đích đến của Nấm Tươi Cười là năm  2020 phải ổn định được vùng nguyên liệu. Vùng nguyên liệu này không chỉ dừng ở quy mô cung cấp cho thị trường nội địa, mà phải có sản lượng lớn để có thể cung cấp những đơn hàng nấm đã qua chế biến xuất khẩu tới những thị trường khác trên thế giới.

“Tôi quan niệm rằng, làm gì thì làm, nhất là trong ngành thực phẩm liên quan đến sức khỏe con người, nhất định phải có tâm. Tôi ý thức rõ, dù làm quy mô nhỏ tại nhà, hay quy mô lớn tại nhà máy đều có sự tác động của con người, mà nói đến con người thì phải đề cao cái tâm và thái độ của người lao động”, Vân nói và cho biết, đó cũng là cách mà Nấm Tươi Cười tuyển dụng lao động, trước hết chú trọng thái độ sống và làm việc của họ, thứ đến mới là bằng cấp.

Thông thường, một số doanh nghiệp dành thời gian tìm hiểu đối thủ của mình là ai, làm gì và bán sản phẩm nào, nhưng Vân không làm vậy. “Tôi gần như không nghĩ đến việc phải nhận diện đối thủ cạnh trạnh của mình. Có thể ai đó cho rằng tôi bảo thủ, là dở, nhưng tôi luôn nghĩ, mình cứ tập trung làm tốt những cái mình đang có và khi đã làm tốt rồi thì sẽ cải tiến cho tốt hơn. Tóm lại, nên tập trung vào phát triển cái mà mình theo đuổi thì hơn là để ý xem người khác làm gì”, Vân nói.

Dẫn hướng thị trường

Trong câu chuyện khởi nghiệp với thương hiệu Nấm Tươi Cười, Vân luôn nhắc đi nhắc lại rằng: “Ngay từ đầu khởi nghiệp, tôi đã xác định mình phải đi theo hướng là người dẫn dắt thị trường, chứ không phải chọn cách đi theo xu hướng từ những người khác tạo ra”.

Đôi nét về doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Nấm Tươi Cười:

Doanh nghiệp chuyên tạo ra các sản phẩm thực phẩm như chà bông nấm, giò nấm và nước uống thảo dược từ nấm dược liệu và nấm ăn.

Đối tượng khách hàng là dân thành thị, có thu nhập cao, trong đó 85% là nữ giới trong độ tuổi 25-55. Ngoài ra, còn có người ăn chay, ăn kiêng, người quan tâm sức khỏe, người có cuộc sống bận rộn, người có nhu cầu mua quà biếu.

Sau một số năm miệt mài làm thương hiệu và thị trường, đến thời điểm này, Nấm Tươi Cười gần như chưa có đối thủ cạnh tranh trực diện. Khi được hỏi “Trong chặng đường 7 năm qua, những bước sải chân ra thị trường của Nấm Tươi Cười đã đi đúng kế hoạch của cô chủ hay chưa?”, Vân bộc bạch: “Nấm Tươi Cười đang đi chậm hơn so với tiềm lực của mình. Tất nhiên, sự chậm chạp này chấp nhận được trong giai đoạn đầu, nhưng nếu cứ chậm mãi, tôi e là không ổn”.

Vân giải thích thêm, thời gian đầu mới ra thị trường, người tiêu dùng chưa biết nhiều về sản phẩm từ nấm, nên Nấm Tươi Cười mất nhiều thời gian cho công tác tiếp thị với chi phí không nhỏ. Dù gặp nhiều khó khăn, Vân và các cộng sự chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ ý định. Họ hiểu rằng, mình đang xây móng cho Nấm Tươi Cười, chờ thời điểm “vàng” để bứt lên.

Vân cho biết, ngoài việc sử dụng nấm làm thực phẩm và dược liệu, thì ngành công nghiệp nấm thế giới đã đi rất xa. Từ nấm, người ta có thể tạo ra thuốc trừ sâu tự nhiên không xâm lấn, mà Tổ chức Nông - Lương Liên hiệp quốc (FAO) đã triển khai trên diện rộng ở Nigeria và các nước châu Phi nhằm diệt các loại côn trùng có hại cho mùa màng.

“Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở Việt Nam, tại sao ta không tận dụng và liên kết lại để xây dựng các vùng nguyên liệu nấm quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn organic hoặc GlobalGap?”, Vân trăn trở.

Thời điểm này, CEO của Nấm Tươi Cười và cộng sự đang có mặt tại Helsinki (Phần Lan) tham gia Slush 2017 - một trong những sự kiện khởi nghiệp quy mô lớn nhất thế giới. Slush là một hội nghị công nghệ nhằm giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, các tài năng công nghệ kết nối với các nhà đầu tư quốc tế, các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới. Đối với những doanh nhân trẻ tuổi như Vân, thì đây là dịp tốt để tìm kiếm cơ hội, ý tưởng kinh doanh.

“Tôi cho rằng, đây là bước đệm quan trọng để thương hiệu Nấm Tươi Cười có cơ hội vươn xa ra ngoài lãnh thổ Việt Nam trong những năm tới”, Vân chia sẻ mục tiêu của mình và các cộng sự.

Nấm Tươi Cười lên ngôi quán quân Startup Việt 2017
Hôm nay (24/10), Cuộc thi Startup Việt 2017 đã chính thức tìm ra quán quân sau phần thi thuyết trình, trả lời chất vấn và bình chọn từ ban giám khảo....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư