Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Cổ đông ngoại miệt mài đăng ký thoái vốn tại Vinasun
Minh Khôi - 05/03/2024 22:44
 
Tael Two Partners, cổ đông nước ngoài có trụ sở liên hệ tại Singapore, vừa đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã chứng khoán: VNS) sau nhiều lần thực hiện giao dịch bất thành vì thanh khoản thấp.

Theo thông báo gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Tael Two Partners đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu bằng phương thức thoả thuận lẫn khớp lệnh để cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 8/3 đến 5/4. Nếu thành công, tổ chức này sẽ giảm sở hữu tại Vinasun từ 12,41 triệu cổ phiếu (tương ứng 18,3% vốn) xuống 11,41 triệu cổ phiếu (tương ứng 16,82% vốn). 

Trước đó, liên tục từ tháng 10/2023, cổ đông này đã liên tục đăng ký bán cổ phiếu với khối lượng và mục đích tương tự nhưng đều không thành công. Theo lý giải của cổ đông này, nguyên nhân giao dịch bất thành là thanh khoản thị trường thấp. 

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VNS của Vinasun đang duy trì trạng thái tương đối hứng khởi khi tăng 4 trong số 6 phiên gần nhất nhưng biên độ tăng giá mỗi phiên không lớn. Cổ phiếu này chốt phiên 5/3 tại 13.300 đồng, tích luỹ 1,9% so với tham chiếu. Đây là vùng giá cao nhất kể từ cuối tháng 1 đến nay của cổ phiếu VNS. 

Dù vậy, thanh khoản cổ phiếu vẫn không có dấu hiệu cải thiện. Khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên trong 10 phiên gần nhất chỉ đạt 17.210 cổ phiếu, riêng phiên 5/3 có 29.400 cổ phiếu được sang tay thành công. Vốn hoá thị trường của công ty tính theo thị giá hiện tại đạt 902 tỷ đồng.

Tael Two Partners là tổ chức có quốc tịch ở Quần đảo Cayman và trụ sở liên hệ tại Singapore. Đây là cổ đông ngoại lớn nhất của Vinasun. Bà Huỳnh Thanh Bình Minh - người đại diện uỷ quyền vốn cổ phần của Tael Two Partners Ltd đang giữ một “ghế” trong hội đồng quản trị của Vinasun.

Năm 2023, Vinasun ghi nhận doanh thu 1.218 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ. Doanh thu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi đóng góp 1.021 tỷ đồng, phần còn lại là vận tải theo hợp đồng và cung cấp dịch vụ khác. Giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp của Vinasun giảm 14%, chỉ đạt xấp xỉ 256 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 2,5 lần so với cùng kỳ, cộng thêm chi phí bán hàng nhảy vọt cũng tác động đáng kể đến kết quả kinh doanh cả năm. Theo đó, công ty báo lãi sau thuế đạt 150 tỷ đồng, giảm 18% so với năm trước.

Kết quả này không hoàn thành mục tiêu 1.345 tỷ đồng doanh thu và hơn 209 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế được ban lãnh đạo đề ra trước đó. Khi đề ra mục tiêu, ban lãnh đạo cho biết các chỉ tiêu dù là mức cao nhất kể từ năm 2017, nhưng được đưa ra ở mức thận trọng khi xem xét sức tiêu dùng suy giảm từ cuối năm 2022.

Công ty xác định cạnh tranh với các loại hình taxi công nghệ là điều thường xuyên và liên tục. Song, hãng tự tin khi ghi nhận lượng khách hàng sử dụng ứng dụng Vinasun tăng gấp 5-6 lần và họ "đều hài lòng trên mọi phương diện". Công ty đảm bảo ứng dụng gọi xe sẽ luôn được cập nhật và cải tiến liên tục. 

Tính đến cuối năm, công ty có tổng tài sản 1.653 tỷ đồng, giảm 183 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tài sản dài hạn chiếm hơn 1.100 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty hơn 485 tỷ đồng, tăng khoảng 30 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty hiện có gần 290 tỷ đồng dư nợ vay ngắn và dài hạn. 

Hồi tháng 12/2023, Vinasun đã trải qua đợt biến động ở dàn nhân sự cấp cao. Cụ thể, Hội đồng quản trị công ty thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị của ông Đặng Phước Thành với lý do cá nhân. Ông Thành đã giữ cương vị này suốt 23 năm. Người thay ông Thành giữ chức chủ tịch là ông Tạ Long Hỷ, người gia nhập công ty từ năm 2005 và chính thức trở thành Tổng giám đốc vào tháng 5/2022. Còn con trai ông Thanh là Đặng Thành Duy được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc thay cho ông Hỷ. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư