Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Cổ đông phân tán thách thức kế hoạch gọi vốn mới
Duy Bắc - 19/04/2024 09:13
 
Kịch bản cũ có thể lặp lại trong năm nay, khi cơ cấu cổ đông phân tán, nhà đầu tư lớn không chi phối khiến nhiều doanh nghiệp khó tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên thành công.

Kế hoạch gọi vốn dang dở

Bước vào cao điểm mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, bắt đầu xuất hiện một số đại hội bất thành do cổ đông không tham dự.

Ngày 6/4, Công ty cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, mã HDC) tổ chức Đại hội đồng cổ đông, nhưng chỉ có đại diện 47,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, doanh nghiệp lên kế hoạch tổ chức lần 2 vào ngày 2/5 tới. Được biết, tại thời điểm ngày 31/12/2023, Hodeco chỉ có một cổ đông lớn là Chủ tịch Đoàn Hữu Thuận sở hữu 9,84% vốn điều lệ, còn lại tới 90,16% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Trước đó, ngày 5/4, Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O (mã CEO) cũng tổ chức Đại hội đồng cổ đông, nhưng chỉ có đại diện 33,98% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Vì vậy, Đại hội bất thành, doanh nghiệp phải lên kế hoạch tổ chức lần 2 vào ngày 3/5 tới. Trong lần cập nhật danh sách cổ đông lớn sau đợt chào bán tháng 10/2023, C.E.O có hai cổ đông lớn gồm Chủ tịch Đoàn Văn Bình sở hữu 18,9% vốn điều lệ, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Trường Thuận sở hữu 8,26% vốn điều lệ, còn lại 72,84% vốn điều lệ thuộc về cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Theo kế hoạch gọi vốn mới, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình muốn kéo dài thời gian thực hiện chào bán triển khai trong năm 2024 đến năm 2025, thay vì kết thúc đợt chào bán quý I/2024.

Ngoài ra, Tập đoàn giảm khối lượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ từ 220 triệu về 200 triệu cổ phiếu, tăng số lượng cổ phiếu hoán đổi nợ thêm 41,5 triệu, lên 74 triệu cổ phiếu.

Việc Hodeco và Tập đoàn C.E.O không tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần 1 khi tỷ lệ cổ đông tham dự thấp hơn quy định tối thiểu đồng nghĩa với kế hoạch kinh doanh, huy động vốn có thể chưa được thực hiện cho tới ít nhất là khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông thành công.

Tính tới cuối năm 2023, Hodeco có quỹ tiền mặt 17,5 tỷ đồng (chiếm 0,37% tổng tài sản), tổng nợ vay lên tới 1.704,7 tỷ đồng, bằng 89,4% vốn chủ sở hữu (trung bình ngành ghi nhận tổng nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 69%). Riêng trong năm 2023, Công ty lên kế hoạch đầu tư tới 2.856 tỷ đồng.

Để phục vụ kế hoạch đầu tư, trong năm 2024, Hodeco lên kế hoạch huy động 1.000 tỷ đồng thông qua vay vốn ngân hàng, huy động nguồn vốn phát hành. Trong đó, đối với kế hoạch phát hành trái phiếu, Công ty dự kiến phát hành tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.

Những sáng kiến tiếp cận cổ đông

Từng chung cảnh ngộ cổ đông phân tán, đại hội đồng cổ đông liên tục không thể tổ chức do cổ đông tham dự không đủ tỷ lệ tối thiểu, một số doanh nghiệp dù chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông năm nay, nhưng đã đưa ra sáng kiến tiếp cận cổ đông mới.

Tại Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG), mọi năm, Đại hội đồng cổ đông chỉ được tổ chức tại TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Điều này cản trở các cổ đông nhỏ và vừa tham dự khi cơ cấu cổ đông của Công ty phân tán sau khi gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn liên tục giảm sở hữu cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Năm nay, DIC Corp đưa ra sáng kiến tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến để giúp nhà đầu tư cá nhân ở mọi nơi có thể tham gia Đại hội, tăng cơ hội tổ chức thành công so với năm trước. Được biết, ngày 31/12/2020, DIC Corp có 4 cổ đông lớn, tỷ lệ cổ phiếu bên ngoài của cổ đông nhỏ là 39,73% vốn điều lệ, nhưng tới ngày 31/12/2023, tỷ lệ đã lên tới 82,16% vốn điều lệ.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG), Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) đồng loạt tổ chức Đại hội đồng cổ đông trực tuyến trong năm 2024. Trong đó, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là một trường hợp khá thú vị.

Cụ thể, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 18/10/2023, Đại hội phải lần 2 mới đủ điều kiện tiến hành để thông qua kế hoạch huy động vốn mới, kế hoạch hoán đổi nợ. Nhưng trong tờ trình Đại hội đồng cổ đông sắp tới vào ngày 25/4, Tập đoàn lại hủy kế hoạch gọi vốn vừa thông qua, đồng thời muốn thông qua kế hoạch gọi vốn mới.

Thực tế, tại thời điểm cuối năm 2023, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có lỗ lũy kế 3.240,3 tỷ đồng, bằng 118,2% vốn điều lệ, bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục liên quan tới lỗ lũy kế và một số khoản nợ quá hạn thanh toán. Việc tiếp tục không thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông đang tạo ra khó khăn về dòng tiền mới để tái cấu trúc, cũng như nguy cơ cổ phiếu nhận thêm các hình thức xử phạt của HoSE.

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII) cũng có cơ cấu cổ đông phân tán, liên tục không tổ chức Đại hội đồng cổ đông thành công. Năm 2023 còn chứng kiến hàng loạt lãnh đạo bán cổ phiếu để lấy tiền mua trái phiếu chuyển đổi, càng gia tăng tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài.

Tính tới ngày 25/12/2023, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM ghi nhận gần như thành viên HĐQT và Ban điều hành không sở hữu cổ phiếu, ngoại trừ Chủ tịch Lê Vũ Hoàng sở hữu 0,13% vốn điều lệ, thành viên HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc Nguyễn Mai Bảo Trâm sở hữu 0,25% vốn điều lệ…

Trong những lần tổ chức Đại hội đồng cổ đông gần đây, Công ty đưa ra sáng kiến tặng tiền mặt để khuyến khích nhà đầu tư tham dự hoặc ủy quyền cho đại diện Công ty. Tuy nhiên, các hình thức khuyến khích cũng không phát huy nhiều tác dụng, nên Đại hội đồng cổ đông bất thường cuối tháng 2/2024 cũng phải lần 2 mới thành công. 

Trước thềm đại hội đồng cổ đông của “làng địa ốc”: Kỳ vọng thay đổi cục diện
Cổ đông đang mong chờ các doanh nghiệp địa ốc nhanh chóng “hồi sức”, đưa ra chiến lược cụ thể nhằm thay đổi cục diện, sau một năm 2023...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư