Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Cơ hội cho các động lực tăng trưởng
Nguyễn Hương - 04/09/2023 08:59
 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đang được thực hiện tốt và trong thời gian tới, có nhiều cơ hội cho các động lực tăng trưởng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thưa Thứ trưởng, từ đầu năm đến nay, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn, thách thức và đã tác động không nhỏ tới nước ta. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và chỉ đạo thực thi rất quyết liệt. Thứ trưởng đánh giá thế nào về tác động của những chính sách này đối với mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát?

Ngay từ đầu năm, các cơ quan đã tham mưu, kiến nghị rất nhiều giải pháp, chính sách và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, bao gồm các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, nhất là đầu tư, trong đó có đầu tư công, tạo sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là các giải pháp trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội…

Nói chung, hiệu quả về chính sách rất tích cực. Kết quả những tháng vừa qua cho thấy, những con số đạt được trong bối cảnh khó khăn như hiện nay là rất đáng khích lệ. Trong đó, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đang được thực hiện tốt.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 8 tháng tiếp tục tăng so với cùng kỳ, đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt 103.658 - cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước tới nay. Sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước, tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hàng hóa tháng 8 tăng 7,7% so với tháng trước.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới, dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng có nhiều cơ hội cho các động lực tăng trưởng, gồm xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư công, thu hút FDI.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy, tạo động lực đột phá để tăng trưởng kinh tế. Một số động lực chính, đặc biệt là đầu tư công, được tập trung đẩy mạnh nhằm giải phóng nguồn lực, tạo cơ hội cho sản xuất phát triển, bên cạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, hỗ trợ gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất...

Giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này, nhiều giải pháp đã được đưa ra và các ngành, địa phương, đơn vị đang khẩn trương triển khai. Chúng ta có thể kỳ vọng như thế nào ở kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023, thưa Thứ trưởng?

Đầu tư công không chỉ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP, mà còn có vai trò vô cùng lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt trong việc định hình mô hình phát triển cũng như những tác động trong tương lai, khi góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của cả nước và nền kinh tế. Một cách trực tiếp, giải ngân đầu tư công đang tác động tới các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất, cung ứng vật tư, nguyên liệu, phụ kiện…; một cách gián tiếp, nó lan tỏa tới hoạt động kinh tế của cả một khu vực, hay nhiều khu vực xung quanh, các doanh nghiệp và người dân đều được hưởng lợi từ sự phát triển hệ thống hạ tầng, giao thông…

Sau 7 tháng, giải ngân vốn đầu tư công đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (34,47%). Nếu tính về con số tuyệt đối, thì mức giải ngân của 7 tháng năm nay cao hơn so với 7 tháng năm ngoái tới gần 81.000 tỷ đồng.

Bởi vậy, chúng ta có thể tin tưởng vào khả năng giải ngân đầu tư công năm nay đạt kết quả tốt, phấn đấu đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra (95%).

Trước đây, tốc độ giải ngân đầu tư công thường chậm vào đầu năm, rồi tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Nhưng những năm gần đây, chúng ta đã chủ động tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ ngay từ đầu năm để đạt kết quả tốt nhất.

Có ý kiến cho rằng, những chính sách và giải pháp được ban hành thời gian qua khá quyết liệt, nhưng thời điểm ban hành còn hơi chậm. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào? Theo Thứ trưởng, cần làm gì để tăng cường hiệu quả thực thi của các chính sách?

Về nhận thức và đề ra giải pháp, chúng ta đã làm từ rất sớm. Đơn cử, ngay từ giai đoạn dịch Covid-19, chúng tôi đã nhìn thấy tác động sẽ rất lớn và nghĩ đến giải pháp dài hơi hơn là hậu Covid-19 sẽ phải làm gì.

Tuy nhiên, để ban hành được một chính sách, một văn bản pháp quy, cần cả một quá trình. Mỗi chính sách không chỉ có một cơ quan xây dựng, mà cần sự phối hợp, thống nhất của nhiều cơ quan, đơn vị, chưa kể phải có thời gian để phân tích, đánh giá về mọi mặt tác động, nguồn lực…, nên có thể nhiều người cảm thấy chính sách đưa ra hơi chậm trễ.

Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh, những chính sách được ban hành trong thời gian qua đã mang lại những tác động tích cực và hiệu quả nhất định.

Để tăng cường thực thi và phát huy hiệu quả của các chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm thiết kế, xây dựng chính sách khả thi và phải tính đến nguồn lực để thực thi. Cùng với đó, cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành trong triển khai thực hiện, cùng sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Ngoài ra, công tác tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá cũng có vai trò rất quan trọng.

“Thúc” động lực tăng trưởng mới
Cùng với các động lực tăng trưởng “truyền thống” là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư