Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cơ hội đầu tư phát triển nông nghiệp tại Kiên Giang
Trung Chánh - 28/07/2019 08:08
 
Kiên Giang là tỉnh có nhiều thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản và cây lúa. Những năm qua, tỉnh đã tích cực cải tạo kết cấu hạ tầng, tái cơ cấu, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chất lượng cao.
Kiên Giang luôn dẫn đầu cả nước về diện tích gieo trồng lúa với gần 190.000 ha, sản lượng lúa đạt từ 4,3 - 4,5 triệu tấn/năm.
Kiên Giang luôn dẫn đầu cả nước về diện tích gieo trồng lúa với gần 190.000 ha, sản lượng lúa đạt từ 4,3 - 4,5 triệu tấn/năm.

Trung tâm nuôi trồng thủy sản

Nằm trải dài bên bờ vịnh Thái Lan, Kiên Giang sở hữu vùng biển rộng tới hơn 63.000 km2, với trên 140 hòn đảo lớn, nhỏ, bờ biển dài hơn 200 km, trải dài từ Mũi Nai (thị xã Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (huyện An Minh, tiếp giáp với tỉnh Cà Mau). Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi để Kiên Giang phát huy lợi thế, làm giàu từ kinh tế biển.

Ngoài khai thác, đánh bắt hải sản từ biển khơi, nuôi trồng thủy sản ven biển ngày càng khẳng định vị thế của mình khi nguồn lợi tự nhiên đang dần cạn kiệt. Các đối tượng thủy hải sản nuôi mặn lợ hiện nay rất phong phú, cho giá trị kinh tế cao như tôm, cá, cua, sò... Trong 4 tiểu vùng sinh thái của tỉnh Kiên Giang thì Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng được xác định nghề nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành kinh tế chủ lực và là mũi nhọn để đột phá. Bên cạnh nuôi ven biển thì nuôi trong đất liền ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, việc dẫn nước biển “nhập điền” để mở rộng vùng nuôi mặn lợ là lựa chọn tất yếu.  

Ông Quảng Trọng Thao, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt gần 123.067 ha, trong khi kế hoạch cả năm là 130.555 ha. Trong đó, riêng nuôi theo mô hình lúa - tôm nước lợ đã đạt hơn 92.000 ha. Nhiều địa phương thuộc vùng U Minh Thượng hiện có diện tích thả nuôi đạt khá cao như huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận… Sản lượng thu hoạch ước đạt 23.770 tấn/năm.

Còn tại vùng Tứ giác Long Xuyên, ngoài được quy hoạch là “mỏ” tôm công nghiệp của tỉnh, tập trung tại các huyện Kiên Lương, Giang Thành, TP. Hà Tiên với diện tích lên đến cả ngàn héc-ta, thì nơi đây đang được tiếp tục mở rộng thêm nuôi tôm quảng canh.

Trong Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang, cũng như đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đều chuyển đổi quy hoạch toàn bộ diện tích đất lúa từ Quốc lộ 80 ra biển, thuộc huyện Hòn Đất và huyện Kiên Lương, sang mô hình lúa - tôm. Theo quy hoạch của tỉnh, toàn bộ diện tích này khi chuyển đổi sẽ mở rộng thêm hơn 20.000 ha mặn lợ, phục vụ nuôi trồng. Trước mắt, các xã đang chuyển đổi được hơn 4.000 ha sang nuôi tôm nước lợ, trong đó có 400 ha nuôi thâm canh công nghiệp, còn lại là tôm - lúa. Kết quả chuyển đổi cho thấy hiệu quả của mô hình mặn lợ cao hơn hẳn so với chuyên lúa.

Đối với những vùng nuôi tôm thâm canh, để đối phó với thời tiết bất lợi, người nuôi đã đầu tư nhà lưới (che lưới lan), nhà màng, làm ao lót bạt, làm hồ nổi… Thậm chí là nuôi siêu thâm canh công nghệ cao. Trong năm 2019, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi 3.100 ha tôm nuôi công nghiệp, sản lượng thu hoạch 23.000 tấn. Đến nay, nông dân đã thả nuôi được khoảng 2.100 ha, sản lượng thu hoạch gần 10.000 tấn tôm nguyên liệu.

Tại Kiên Giang, Công ty cổ phần Thủy sản Trung Sơn đã được tỉnh cấp chứng nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với diện tích nuôi tôm công nghiệp tại huyện Kiên Lương. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng đang triển khai đầu tư khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao phát triển chuỗi giá trị tôm với quy mô 10.000 ha tại vào vùng Tứ giác Long Xuyên.

Theo ước tính, khi hoàn thành, mỗi năm khu phức hợp này sẽ tạo ra khoảng 12 tỷ con tôm giống, 300.000 tấn thức ăn, 250.000 tấn tôm thương phẩm, tương ứng với 200.000 tấn tôm thành phẩm và 50.000 tấn phụ phẩm, với giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, tạo việc làm cho 10.000 công nhân kỹ thuật và 30.000 công nhân chế biến tôm.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thì với dự án này, Minh Phú sẽ đóng vai trò là trung tâm hạt nhân để kết nối các doanh nghiệp, người nuôi tôm nhỏ lẻ thành khu phức hợp với tổng diện tích lên đến 10.000 ha (trên địa bàn TP. Hà Tiên, huyện Kiên Lương, huyện Giang Thành), khép kín từ sản xuất thức ăn, con giống, thả nuôi, thu mua, chế biến, xuất khẩu…

Tại đây sẽ quy tụ tất cả các công nghệ mới và tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực nuôi tôm hiện nay, gồm: sản xuất con giống kháng bệnh, nuôi trồng theo công nghệ 3 sạch, Bio-floc, Semi-Biofloc, Syn-Biotics, POM, chế biến chuyên sâu... Kể cả hệ thống phụ trợ vận hành và quản lý như cơ chế tự động hóa, robot, công nghệ cao IoT - kết nối Inernet và trí tuệ nhân tạo (AI). Đặc biệt, trong từng mắt xích sẽ được đồng bộ về công suất để đảm bảo cân bằng cung - cầu. Với hệ thống này, ước tính giá thành sản xuất tôm nguyên liệu sẽ giảm trên 20% so với bên ngoài.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Tâm khẳng định, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, xác định thủy sản là thế mạnh của địa phương. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất thủy sản chiếm 48,4% cơ cấu ngành. Giá trị bình quân trên 1 ha sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 122 triệu đồng. Trong đó, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 755.000 tấn, riêng tôm nuôi đạt 80.000 tấn. Đến năm 2030, nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt từ 170 - 200 triệu đồng. Lĩnh vực thủy sản sẽ chiếm 58,4% cơ cấu giá trị toàn ngành. Khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng 800.000 - 840.000 tấn, riêng tôm nuôi nước lợ đạt từ 90.000 - 100.000 tấn, góp phần cùng ngành tôm cả nước sớm chinh phục mục tiêu 10 tỷ USD từ chế biến xuất khẩu.  

Sản lượng lúa dẫn đầu cả nước

Liên tục nhiều năm qua, Kiên Giang luôn dẫn đầu cả nước về diện tích gieo trồng lúa với gần 190.000 ha và sản lượng lúa đạt từ 4,3 - 4,5 triệu tấn/năm.

Song song với việc đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, tỉnh Kiên Giang đang từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển giao, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng đồng bộ các biện kỹ thuật vào sản xuất nhằm hạ giá thành, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế, theo ông Nguyễn Văn Tâm, trong nhiều năm liền, Kiên Giang đã duy trì các chính sách hỗ trợ nông dân như hỗ trợ giá giống cho các vùng bị nhiễm mặn, hạn hán, hỗ trợ bơm tát cho các vùng ngập sâu. Hỗ trợ nông dân đầu tư mua máy phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp Kiên Giang còn phối hợp cùng với các công ty, doanh nghiệp thực hiện 28 cánh đồng lớn, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 23.154 ha ở các huyện trọng điểm về sản xuất lúa và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Kiên Giang cũng là tỉnh được lựa chọn để thực hiện dự án cạnh tranh nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, với mô hình canh tác lúa thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu - VnSAT.

Song song với việc đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, tỉnh Kiên Giang đang từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, hiện tỉnh đã công nhận vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, với diện tích hàng trăm ha tại huyện Hòn Đất, làm lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Riêng vùng U Minh Thượng, có khoảng 80.000 ha luân canh lúa - tôm, đang được chuyển sang đầu tư làm lúa hữu cơ, cho chất lượng và giá trị kinh tế cao. Hiện tại đây đã có mô hình sản xuất lúa hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế USDA (tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ) tại Hợp tác xã tôm - lúa hữu cơ Thạnh An, xã Đông Thạnh, huyện An Minh.

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh lĩnh vực nông nghiệp của địa phương, tỉnh Kiên Giang đang mời gọi đầu tư nhiều dự án như các dự án nuôi trồng thủy sản trên biển tại TP. Hà Tiên, huyện Kiên Hải, huyện Kiên Lương, huyện Phú Quốc; các dự án nuôi tôm nhà kính, nuôi tôm và sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Hòn Đất; các dự án nuôi tôm công nghiệp tại huyện Kiên Lương và TP. Hà Tiên; dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh gắn với vùng quy hoạch nông nghiệp; nhà máy chế biến, đánh bóng gạo xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh...

Năm 2030 có 80.000 đến 100.000 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nông nghiệp
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư