Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cơ hội không chia đều cho các lĩnh vực tiêu dùng
Nam Phương - 06/03/2017 11:52
 
Năm 2017, ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Thế nhưng, các nhà đầu tư tinh ý sẽ nhận ra rằng, cơ hội không chia đều cho tất cả các lĩnh vực tiêu dùng.
TIN LIÊN QUAN

Tại Hội nghị Vietnam Access Day 2017, do Công ty Chứng khoán Bản Việt tổ chức tại TP.HCM từ ngày 28/2 đến 2/3/2017, 350 đại diện đến từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, tổ chức tài chính và doanh nghiệp niêm yết đã thảo luận về tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam 2017, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực tiêu dùng.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi

Các diễn giả tại hội nghị cho biết, xã hội Việt Nam và thói quen tiêu dùng đang chuyển biến mạnh mẽ nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Chỉ trong mười năm qua, GDP Việt Nam đã tăng trưởng gấp ba lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi và 1/3 dân số hiện đang sinh sống tại thành thị. Dân số Việt Nam đa phần là người trẻ, với độ tuổi trung bình là 31. Theo các diễn giả, đây chính là nền tảng quan trọng để phát triển ngành tiêu dùng.

“Nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước đều quan tâm đặc biệt đến ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Nổi bật nhất phải kể đến nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan – những quốc gia với tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại và dân số ngày càng già hóa. Trong những năm vừa qua, những nhà đầu tư như Central Group, Aeon hay Berli Jucker đã tăng cường mua bán và sáp nhập với các doanh nghiệp tiêu dùng tại Việt Nam để hi vọng tái lập câu chuyện thành công cách đây hai, ba thập niên ở đất nước họ,” ông Ngô Vĩnh Tuấn, Giám đốc ngân hàng Đầu tư của CTCK Bản Việt cho biết.

Cơ hội cho lĩnh vực tiêu dùng sẽ ngày càng lớn, nhưng không chia đều cho các ngành hàng
Cơ hội cho lĩnh vực tiêu dùng sẽ ngày càng lớn, nhưng không chia đều cho các ngành hàng

Ông Tuấn dự báo, các giao dịch mua bán, sáp nhập trong ngành tiêu dùng sẽ tiếp tục diễn ra nhộn nhịp trong thời gian tới, với giá trị mỗi thương vụ ngày càng lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng sẽ có sự phân hóa rõ ràng giữa các ngành tiêu dùng, khi bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, điện tử ngày càng thu hút vốn đầu tư trong khi phương tiện đi lại và y tế lại phát triển chậm lại.

“Khác với thế hệ trước, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay rất coi trọng việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân vì họ có mức thu nhập cao hơn. Ví dụ cụ thể là họ sẵn sàng “lên đời” smartphone hàng năm và chi tiền đi du lịch, ăn nhà hàng. Giáo dục vẫn được xem trọng vì các bậc phụ huynh Việt Nam mong muốn con mình sẽ có cuộc sống tốt hơn. Về sức khỏe và chăm sóc y tế, điều khá bất ngờ là người tiêu dùng sẵn sàng bỏ hầu bao cho việc tập gym, ăn uống điều độ và các sản phẩm thuốc cổ truyền hơn là sử dụng thuốc Tây,” ông Richard Burrage, Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo Việt Nam cho biết.

Ông Burrage gợi ý nhà đầu tư nên quan tâm đến các doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực điện tử (digital). Theo ông, 48% dân số Việt Nam đang sở hữu smartphone, 54% sử dụng Internet và cả nước có 46 triệu tài khoản Facebook. Nhờ mạng xã hội và email, người tiêu dùng Việt Nam lần đầu tiên có thể giao tiếp nhanh chóng với toàn thế giới, thể hiện bản thân và bày tỏ quan điểm công khai. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp điện tử tăng trưởng nhanh trong những năm tới.

Còn kênh bán lẻ hiện đại, bao gồm 2.000 cửa hàng tiện lợi và 1.000 siêu thị, sẽ tiếp tục cạnh tranh khốc liệt với tiệm tạp hóa và chợ. Theo ông Burrage, kênh bán lẻ truyền thống tại Việt Nam có ưu điểm là nhanh gọn, có thể trả giá, người bán thân thiết và hiểu rõ nhu cầu của người mua. Tuy nhiên, kênh bán lẻ hiện đại thắng thế nhờ sự sạch sẽ, mức giá niêm yết cụ thể và người mua hàng có thể thoải mái lựa chọn mà không bị làm phiền. Vị giám đốc Cimigo lưu ý nhà đầu tư rằng bán lẻ hiện đại tại Việt Nam là kênh đầu tư lâu dài, cần ít nhất mười năm để hiện thực hóa lợi nhuận.

Bùng nổ tài chính tiêu dùng

Các diễn giả tại hội nghị Vietnam Access Day cho biết, ngày nay người Việt Nam sẵn sàng vay tiền và mua trả góp để đáp ứng nhu cầu mua sắm cá nhân. Theo ông Ralf Mattheas, Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Infocus, trong vòng một thập niên vừa qua, Việt Nam đang chuyển hướng dần từ nền kinh tế tiền mặt sang tín dụng và vay nợ.

“Trước năm 2007, Việt Nam chưa gia nhập WTO và tín dụng tiêu dùng không tồn tại. Khi ấy, nếu muốn vay một khoản tiền lớn, người dân không còn cách nào khác là đi vay nặng lãi. Ngày nay, người Việt có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đồng thời mức thu nhập ổn định hơn nên họ không ngại tìm đến các công ty tài chính để vay mua nhà, phương tiện đi lại hay điện thoại. Vì thế, tôi tin rằng tài chính tiêu dùng sẽ sớm bùng nổ trong thời gian tới,” ông Mattheas cho biết.

Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã đạt mức 16 tỷ USD vào năm 2015, với sự xuất hiện của hàng loạt công ty tài chính lớn nhỏ. Theo các chuyên gia, cho vay mua smartphone chính là sản phẩm hút khách nhất của công ty tài chính, khi mà 82% người Việt sở hữu smartphone cho biết họ dự định sẽ “lên đời” điện thoại trong vòng một, hai năm khi có các mẫu mã mới xuất hiện trên thị trường.

“Các nhà đầu tư nên chú ý rằng, người tiêu dùng Việt Nam ngày nay xem chiếc smartphone đời mới là biểu tượng cho mức độ “chịu chi” của họ, thay vì là chiếc xe máy như mười năm trước. So với laptop hay máy tính bảng, smartphone bây giờ là thiết bị điện tử gần gũi với người tiêu dùng nhất. Vì vậy, để theo kịp xu hướng, người Việt sẵn sàng vay các công ty tài chính tiêu dùng để mua trả góp,” ông Mattheas trình bày.

Điều thú vị là khi người tiêu dùng Việt ngày càng tập trung chi tiêu mua điện thoại, đi du lịch, ăn uống và tập gym, họ lại sẽ thắt chặt hầu bao với các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Điều này cho thấy, mặt hàng FMCG sẽ tăng trưởng chậm lại trong những năm tới và người tiêu dùng sẽ tập trung mua các sản phẩm có mức giá vừa phải và tốt cho sức khỏe.

Kết thúc phần thảo luận, các chuyên gia khuyên nhà đầu tư trong năm 2017 nên rót vốn vào các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng nhanh trong ngành bán lẻ, điện tử, giáo dục, thực phẩm, du lịch và công nghệ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư