Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Có nên mua smartphone, laptop trả góp ưu đãi lãi suất 0%?
Phan Minh (ICTnews) - 30/08/2015 11:07
 
Trước các chương trình mời chào mua hàng trả góp, thậm chí là ưu đãi 0% lãi suất đang nở rộ trong mùa khai trường, người mua cần lưu ý so sánh giá, tìm hiểu kỹ các điều khoản ràng buộc, tính toán số tiền chênh lệch và mức trả góp hàng tháng để lường trước khả năng chi trả…
 Hình thức bán hàng trả góp mang lại nhiều cơ hội sở hữu cho học sinh, sinh viên. Ảnh: P.M
Hình thức bán hàng trả góp mang lại nhiều cơ hội sở hữu cho học sinh, sinh viên. Ảnh: P.M

Rầm rộ bán trả góp 0% lãi suất

Theo khảo sát của ICTnews, tại thời điểm ngày khai trường đang đến gần, các hệ thống bán lẻ thiết bị số như FPT Shop, Thế Giới Di Động, Lazada… cho đến những hệ thống siêu thị điện máy như Trần Anh, Media Mart, HC, Nguyễn Kim, Điện máy Xanh… đang rầm rộ tung ra các chương trình trả góp lãi suất thấp, trả góp không lãi suất, mua trả góp không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh nhân dân, bằng lái xe… hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên.

Thậm chí là trả trước từ 0 đồng trong chương trình liên kết với hàng chục công ty tài chính, ngân hàng như ACS, Home Credit, HSBC, ANZ, Sea Bank, HD Saison, FE Credit…

Trong đó, đáng chú ý là các thông tin mời chào tham gia chương trình trả góp không lãi suất kỳ hạn 6, 9 tháng hoặc 12 tháng áp dụng cho các mặt hàng máy tính, mobile… và hầu hết được áp dụng cho các sản phẩm có giá trị thanh toán từ 3 triệu đồng trở lên, trả trước thông thường từ 10-20%.

Ví dụ tại siêu thị HC cho vay mua trả góp thông qua công ty tài chính PPF và ACS; Trần Anh áp dụng chương trình trả góp 0% trong vòng 6 tháng nếu thanh toán qua thẻ Sacombank; Media Mart hợp tác với HSBC, ANZ, Vietinbank, FE Credit, ACS, HomeCredit... bán sản phẩm lãi suất 0% và có thể trả trước từ 0 đồng…

Thậm chí, tại một số nơi hiện còn cho khách hàng mua hàng trả góp online. Như tại FPT Shop, Trần Anh, Nguyễn Kim…, người tiêu dùng được duyệt hồ sơ trả góp từ xa mà không cần đến cửa hàng, chỉ cần truy cập website các doanh nghiệp, điền thông tin theo yêu cầu. Sau khi có thông báo hồ sơ mua hàng được duyệt từ phía siêu thị, hệ thống bán lẻ, người tiêu dùng đến điểm giao dịch bổ sung giấy tờ để hoàn tất việc giải ngân mua sản phẩm.

Dè chừng kẻo mắc "bẫy"

Việc các hệ thống siêu thị mở rộng chương trình bán hàng trả góp, thậm chí cho trả góp 0% đang mở ra nhiều cơ hội cho các gia đình, đối tượng học sinh, sinh viên có thể sở hữu một chiếc smartphone, laptop hay tablet để phục vụ học tập, công việc hàng ngày.

Tuy nhiên trong thực tế, đi kèm với thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân khoản vay nhanh chóng, tiện lợi, giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn so với đi vay ngân hàng thông thường thì hình thức cho vay tiêu dùng thông qua nhiều công ty tài chính liên kết với các hệ thống siêu thị điện tử, điện máy cũng đang phát sinh nhiều vấn đề bất cập.

Do phần lớn là hình thức vay mua tín chấp nên lãi suất luôn cao hơn lãi suất ngân hàng và lãi suất thẻ tín dụng của các ngân hàng (thông thường lên tới khoảng 38 - 40% nếu vay 6 tháng, 12 tháng khoảng 30 - 35%...). Ngoài ra, nhiều nơi để giá niêm yết cao hoặc thậm chí nâng lên cao hơn so với mặt bằng chung thị trường, chính sách cung cấp thông tin cho người dùng về số tiền thực trả không rõ ràng…

 Cần tìm hiểu kỹ lưỡng, lựa chọn doanh nghiệp uy tín. Ảnh: P.M
Cần tìm hiểu kỹ lưỡng, lựa chọn doanh nghiệp uy tín. Ảnh: P.M

Liên quan đến vấn đề này, mới đây Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương cũng đã lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng khi mua hàng trả góp.

Đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh khuyến cáo, trong thời gian qua có nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động thực hiện hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng có hành vi mập mờ, không cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng về khoản vay, về tình hình thực hiện hợp đồng, số tiền phạt khi chậm thanh toán theo hạn…, khiến khách hàng “mù mờ” trước thông tin về thực tế tổng số tiền của sản phẩm khi trả bằng hình thức trả góp để so sánh với số tiền nếu trả thẳng.

Trước thực tế trên, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu ý để tránh mắc phải tình trạng "bút sa gà chết", đặt bút ký vào hợp đồng vay tiền nhưng không đọc kỹ các điều khoản, hoặc không được bên cho vay giải thích kỹ. Đến khi thực tế diễn ra, phải trả số tiền lớn thì người tiêu dùng mới "ngã ngửa" với những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng, cho rằng các doanh nghiệp “bẫy” trả góp, áp dụng lãi suất “cắt cổ” lên tới 58 – 70%/năm.

Chính vì thế, khi vay mua trả góp cũng cần lựa chọn doanh nghiệp bán hàng, tổ chức cho vay trả góp uy tín, cần tìm hiểu kỹ lưỡng các điều khoản, quy định ràng buộc, các mục về quyền hạn và nghĩa vụ trước khi ký hợp đồng, đặc biệt là cần hỏi kỹ các loại phí phát sinh như phí phạt khi trả góp chậm, cách tính lãi suất sẽ áp dụng cho toàn bộ số tiền vay từ ban đầu cho suốt thời hạn vay hay sẽ được tính theo dư nợ giảm dần sau khi người vay đã trả nợ hàng tháng...

Vay tiêu dùng lãi cao phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ?
Trong lúc lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay chỉ 5% - 7%/năm thì các tổ chức tín dụng cho vay tín chấp tiêu dùng với mức lãi đến gần 100%/năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư