CTCK Bảo Việt (BVSC)
Trên phương diện so sánh ngang, mức P/E 2019 lên đến 33,2 lần cho thấy cổ phiếu Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (mã SAB) có vẻ đắt so với các công ty cùng ngành hàng tiêu như MSN và VNM.
Tuy nhiên, BVSC ấn tượng bởi sự chuyển mình của SAB trở thành một doanh nghiệp tươi trẻ, đầy năng lượng, chuyên nghiệp và có tính cạnh tranh cao hơn kể từ khi có sự tham gia của ThaiBev, dù rằng chỉ chưa đến 1 năm.
Do đó, chúng tôi đánh giá SAB là một câu chuyện thú vị và sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư với nhiều tâm điểm.
Cụ thể, SAB là thương hiệu hàng đầu Việt Nam – một trong những thị trường tiêu thụ bia lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, kỳ vọng việc tái cơ cấu toàn diện của ThaiBev tại SAB sẽ giúp hiệu quả hoạt động của công ty được cải thiện đáng kể trong thời gian tới.
Một điểm nhấn khác đối với SAB là không loại trừ khả năng 36% phần vốn Nhà nước còn lại sẽ được thoái trong tương lai.
Ngoài ra, SAB là cổ phiếu có vốn hoá lớn, đóng góp quan trọng vào rổ cổ phiếu VN30 – là điểm đến của dòng tiền ngoại.
2. FPT sẽ hồi phục về ngưỡng giá 50
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu CTCP FPT (mã FPT) đang nằm trong xu hướng tăng giá trung hạn từ vùng đáy 42. Đà tăng ngắn hạn vẫn khá mạnh khi phiên giao dịch hôm nay đã vượt ngưỡng kháng cự 48 với lượng thanh khoản lớn (trên mức trung bình 20 phiên).
Chỉ báo RSI báo hiệu xu hướng điều chỉnh nhẹ khi cổ phiếu sắp chạm vùng mua quá. Chỉ báo MACD ủng hộ xu hướng tăng giá ngắn hạn tuy nhiên khoảng cách giữa đường MACD và đường tín hiệu khá sát cho thấy xu hướng điều chỉnh vẫn có thể.
Vận động 3 đường MA cũng ủng hộ xu hướng tăng giá khi cả 3 đường đều năm trong xu hướng tăng và khoảng cách giữa mức giá giao dịch và MA20 là khá ngắn.
Như vậy, FPT sẽ hồi phục về ngưỡng giá 50 rồi điều chỉnh xuống và tích lũy tại vùng giá 47-48.
3. Khuyến nghị khả quan và giá mục tiêu 100.300 đồng/CP dành cho MSN
CTCK Bản Việt (VCSC)
Masan dự kiến sẽ tạm dừng hoạt động nhà máy chế biến thịt và các cửa hàng Meat Deli trong vòng một tháng với lý do cẩn trọng sau khi một số trang trại heo của nông dân cách nhà máy chế biến thịt Hà Nam của Masan khoảng 1.5-2km đã phát hiện có lây nhiễm ASF. Trang trại heo của Masan ở tỉnh Nghệ An không bị lây nhiễm.
Theo công ty, việc tạm dừng hoạt động một tháng này dự kiến sẽ gây lỗ khoảng 20 tỷ đồng, chủ yếu là do chi phí cố định. Con số này là khá nhỏ so với tổng quy mô của Masan.
Hiện tại VCSC đang dự phóng tổng lợi nhuận ròng cho MSN năm 2019 là gần 5,1 ngàn tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 46% so với lợi nhuận ròng cốt lõi năm 2018. Tuy nhiên, động thái này sẽ làm gián đoạn tạm thời quá trình triển khai mở rộng mảng thịt mát của Masan, vốn đang có đà tăng trưởng tốt trong những tháng gần đây khi nhu cầu cho thịt có chất lượng và an toàn đang tăng mạnh sau khi ASF bùng phát.
Ngoại trừ trường hợp việc tạm dừng hoạt động kể trên kéo dài hơn nhiều so với một tháng như kế hoạch hiện tại của ban lãnh đạo, chúng tôi vẫn duy trì dự phóng hiện tại cho doanh thu thịt mát của MSN năm 2019 là 770 tỷ đồng.
Hiện tại chúng tôi đang có khuyến nghị khả quan và giá mục tiêu 100.300 đồng/CP dành cho MSN, tương đương tỷ lệ tăng 14.2% tính theo giá đóng cửa ngày 12/4.
4. Khuyến nghị khả quan và giá mục tiêu 64.800 đồng/CP dành cho PLX
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) công bố tài liệu ĐHCĐ 2019 với kế hoạch doanh thu đạt 195 nghìn tỷ đồng (tăng 1,6% so với năm trước) và lợi nhuận trước thuế đạt 5,3 nghìn tỷ đồng (tăng 3,1%).
Đáng chú ý, PLX đặt kể hoạch tổng sản lượng bán thấp hơn 5%, chủ yếu do sản lượng bán thấp hơn của Petrolimex Singapore (công ty con PLX sở hữu 100%), trong bối cảnh xăng dầu từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn mới sẽ thay thế xăng dầu nhập khẩu thông qua Petrolimex Singapore.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2019 là thấp hơn 5,2% dự báo hiện tại của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng điều này là do giả định sản lượng bán xăng dầu nội địa của PLX thấp hơn giả định hiện tại chúng tôi là 5,6%.
Chúng tôi lưu ý rằng lợi nhuận trước thuế thực tế của PLX thường cao hơn 2% kế hoạch. Do đó, kế hoạch này là nằm trong kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tham dự ĐHCĐ thường niên của PLX vào ngày 26/04/2019 và tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này.
Đáng chú ý, trong năm 2019, PLX đặt mục tiêu hoàn tất thương vụ sáp nhập giữa PGBank (PLX sở hữu 40% cổ phần) và HDBank; tiếp tục thực hiện kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại PLX từ 75,9% còn 51% trong giai đoạn 2019-2020; giảm cổ phần của PLX tại công ty bảo hiểm liên kết – Pjico (HSX: PGI) từ mức 40,95% hiện tại còn 35,1%.
PLX đặt kế hoạch đầu tư cho năm 2019 là 1,9 nghìn tỷ đồng (tăng 22% so với kết quả năm 2018).
Ban lãnh đạo cũng đề xuất cổ tức tiền mặt 2018 đạt 2.600 đồng/CP (lợi suất cổ tức 4,3%), thấp hơn 13,3% dự báo của chúng tôi. Chúng tôi trước đi dự báo mức cổ tức tiền mặt cao hơn so với kế hoạch 2018 ban đầu (1.200 đồng/CP, lợi suất cổ tức 2,0%), trong bối cảnh khả năng tài chính mạnh của PLX. Trong năm 2019, chúng tôi hiện đang dự báo cổ tức tiền mặt 3.000 đồng/CP (lợi suất cổ tức 4,9%) so với kế hoạch chia cổ tức tiền mặt ít nhất 1.200 đồng/CP của PLX.
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị khả quan và giá mục tiêu 64.800 đồng/CP dành cho PLX (tổng mức sinh lời 11,1% bao gồm lợi suất cổ tức 4,9%). Theo giá đóng cửa hôm nay, PLX hiện đang giao dịch với P/E 2019 17,3 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
5. Khuyến nghị mua dành cho PPC với giá mục tiêu 27.500 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Theo tài liệu ĐHCĐ thường niêm CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), công ty đặt kế hoạch sản lượng điện thương phẩm và doanh thu đạt lần lượt 5,3 tỷ kWh (tăng 3,6% so với năm trước) và 7,5 nghìn tỷ đồng (tăng 5,8%), phù hợp với dự báo của chúng tôi.
Tuy nhiên, PPC đặt kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận trước thuế 2019 thận trọng đạt lần lượt 555 tỷ đồng (giảm 47,6%) và 781 tỷ đồng (giảm 44,5%), thấp hơn đáng kể so với dự báo hiện tại của chúng tôi.
Chúng tôi lưu ý rằng kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2019 của PPC chưa bao gồm khoản ghi nhận hồi tố tỷ giá trong khi chung tôi hiện đang giả định khoản thu nhập bất thường này đạt 120 tỷ đồng trong năm 2019. Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu ý rằng PPC thường đặt kế hoạch cực kỳ thận trọng với lợi nhuận trước thuế báo cáo thực tế thường vượt kế hoạch 39-97% trong 2 năm qua.
PPC cũng xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 2.700 đồng/CP (lợi suất cổ tức 11%) cho năm 2018, cao hơn 8% dự báo của chúng tôi. Ngoài ra, công ty cũng đề xuất cổ tức 2019 là 20% theo mệnh giá (nhiều khả năng trả bằng tiền mặt) trong khi chúng tôi hiện đang dự báo cổ tức tiền mặt 2.500 đồng/CP (lợi suất cổ tức 10,1%).
Chúng tôi cho rằng đây là kế hoạch tích cực khi mức chi trả cổ tức thực tế của PPC thường cao hơn 45% so với kế hoạch trong 5 năm qua, trong khi kế hoạch cổ tức 2019 là cao hơn 33,3% kế hoạch năm 2018.
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho PPC với giá mục tiêu 27.500 đồng/CP (tổng mức sinh lời 21,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 10,1%).
6. Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu PHR
CTCK FPT (FPTS)
Năm 2019, mảng khai thác và chế biến mủ cao su dự báo mang lại hiệu quả không cao do sản lượng tiêu thụ dự kiến giảm mặc dù giá bán kỳ vọng sẽ tăng nhẹ so với năm 2018. Mảng cho thuê đất & phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp tuy chỉ chiếm 6,7% doanh thu năm 2018 nhưng diện tích đất khu công nghiệp tiếp tục được mở rộng mỗi năm sẽ mang lại hiệu quả cao.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR) dự kiến ghi nhận lợi nhuận tài chính lớn từ việc thoái 32,85% vốn tại NTC. Lợi nhuận khác từ thanh lý gỗ cao su, bàn giao đất cho NTC và VSIP III2 cũng sẽ được ghi nhận đều đặn mỗi năm.
Với mức giá tại ngày 04/04/2019 là 53.300 đồng/cp, PHR đang được giao dịch tại mức P/E trailing là 13,27 lần, cao hơn P/E trung vị của các doanh nghiệp cùng ngành là 8,61 lần. Nhà đầu tư có thể xem xét mua vào cổ phiếu PHR tại mức giá 48.000 đồng/cp, tương ứng với mức P/E fwd của PHR là 8,1 lần.
Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu PHR.