Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cổ phiếu "vua" dội hàng
Thùy Vinh - 16/06/2021 12:01
 
Tăng vốn cải thiện năng lực của ngân hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về quản trị rủi ro, nhưng điều này cũng tạo nên rủi ro pha loãng các chỉ số định giá cổ phiếu.

Ồ ạt tăng vốn

Hôm nay, ngày 16/6, 175 triệu cổ phiếu SHB của Ngân hàng SHB (sàn HNX) chính thức được giao dịch bổ sung.

Đây là số cổ phiếu đã được SHB phát hành để chi trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10% để tăng vốn điều lệ lên 19.260 tỷ đồng. Số cổ phiếu này đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) lưu ký từ ngày 1/6.

Như vậy, tổng số cổ phiếu của SHB niêm yết trên sàn HNX kể từ ngày 16/6 là hơn 2,1 tỷ cổ phiếu.

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa chấp thuận cho OCB tăng vốn thêm 1.740 tỷ đồng từ chia cổ tức. Năm 2021, OCB có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 14.449 tỷ đồng, tương đương tăng 32% thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu ESOP và phát hành riêng lẻ.

Trong đó, OCB chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, tương đương phát hành gần 274 triệu cổ phiếu cho cổ đông.

Tương tự, Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho VietinBank tăng vốn từ hơn 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng theo phương án phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức 2017-2018, tỷ lệ hơn 29%.

Trước đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) VietinBank thông qua phương án phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức 2017-2018, tỷ lệ hơn 29%.

Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế trích lập các quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và IV/2021.

Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của VietinBank dự kiến tăng thêm 10.824 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng.

MB cũng triển khai kế hoạch tăng tới 40% vốn điều lệ trong năm nay, với 3 phương án phát hành chia thành 3 lần.

Lần một, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 35% để nâng vốn điều lệ từ 28.000 tỷ đồng lên 38.600 tỷ đồng và đã được NHNN chấp thuận vào đầu tháng 6/2021. Hiện MB đang hoàn tất thủ tục.

Lần hai, ngân hàng sẽ tăng vốn thêm 700 tỷ đồng thông qua bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác, đáp ứng tiêu chí lựa chọn của ngân hàng.

Lần ba, ngân hàng sẽ phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên. Theo MB, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của MB.

BacA Bank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 7.500 tỷ đồng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc BacA Bank tăng vốn điều lệ tối đa thêm 446.355 tỷ đồng từ mức vốn điều lệ 7.085 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế còn lại của Ngân hàng năm 2020 sau khi trích lập các quỹ…

Ngoài ra, các nhà băng khác: TPBank, BIDV, ACB Vietcombank, Nam A Bank, Vietbank, Bản Việt... cũng triển khai kế hoạch tăng vốn thông qua việc chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ.

Pha loãng cổ phiếu

Việc phát hành tăng vốn có thể tạo nên rủi ro pha loãng các chỉ số định giá, khiến cổ phiếu nhóm này kém hấp dẫn hơn so với thời gian qua và thực tế giá cổ phiếu “vua” đã bắt đầu điều chỉnh.

Diễn biến trong 2 phiên gần đây cho thấy, dòng tiền suy yếu ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhà đầu tư chuyển hướng.

Một số mã cổ phiếu ngân hàng tăng nóng trong thời gian qua như: LPB, SHB, VIB, KLB, VPB, CTG... đã quay đầu giảm và hầu hết các mã cổ phiếu “vua” đều có mức giảm từ 1-2% so với đầu tháng 6/2021.

Trong phiên giao dịch sáng ngày 16/6, giá cổ phiếu LPB giảm về 28.600 đồng/cổ phiếu so với mức đỉnh 33.850 đồng/cổ phiếu lập được trong ngày 3/6.

Khối lượng giao dịch của cổ phiếu LPB cũng giảm xuống còn 9 -16 triệu đơn vị/phiên, trong khi đầu tháng 6 khối lượng giao dịch trong ngày có khi lên trên 20 triệu đơn vị/phiên.

Mã SHB cũng giảm về 28.600 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch sáng nay (16/6) thay vì đạt mức cao 32.500 đồng/cổ phiếu trong ngày 4/6. Khối lượng giao dịch cũng giảm khoảng 1/3 so với các phiên đầu tháng 6.

Cổ phiếu VPB của VPBank cũng giảm về 66.000 đồng/cổ phiếu từ mức trên 70.000 đồng/cổ phiếu đầu tháng 6. Tương tự, KLB của Kienlongbank giảm xuống 26.800 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý hơn, với các cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn UpCom như: NAB của Nam A Bank, BVB của Ngân hàng Bản Việt cũng về sát 20.000 đồng/cổ phiếu trong phiên sáng nay, thay vì tăng đến 26.000 đồng/cổ phiếu đầu tháng này.

Thậm chí, mã VBB của VietBank và SGB của Saigonbank lùi về dưới 20.000 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù các dự báo đưa ra, lợi nhuận của ngành vẫn lạc quan trong quý 2 và cả năm 2021, dù phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư.

Theo dự báo của FiinGroup, năm 2021, lợi nhuận kế toán của 12/26 ngân hàng niêm yết (chiếm 86,3% vốn hóa của khối ngân hàng) sẽ tăng cao hơn so với năm 2020 (18,2% so với 14,9%).

Triển vọng tích cực này được dự báo đến từ cả hoạt động tín dụng cũng như tiếp tục câu chuyện về doanh thu dịch vụ; trong đó, bán chéo bảo hiểm của nhiều ngân hàng gồm: VCB, CTG, ACB, MSB và HDB được kỳ vọng cao.

Thế nhưng, giới phân tích tài chính cho rằng, chỉ số giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng 34,4% tính từ đầu năm 2021 và tăng “nóng” suốt một tháng trở lại đây.

Thậm chí, có mã tăng gấp đôi trong vòng một tháng kỳ vọng từ việc phát hành tăng vốn và lợi nhuận tăng trưởng năm 2021.

Tuy nhiên, triển vọng tích cực trên gần như đã phản ánh gần hết vào giá. Còn thời điểm hiện tại chính là những lo ngại của nhà đầu tư về rủi ro pha loãng các chỉ số định giá sau khi ngân hàng phát hành tăng vốn thành công.

Trong khi đó, TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư tại Dragon Capital đưa ra nhận định, trên thực tế, nếu nói cổ phiếu ngành ngân hàng tăng mạnh thời gian qua thì cũng chưa hẳn đã tăng đột biến và nóng, song giá cổ phiếu lĩnh vực này cũng không còn quá rẻ. Nhưng cũng tùy vào góc nhìn của từng người.

Còn trên thực tế, nếu nhìn vào kết quả tăng trưởng của các ngân hàng trong năm qua có thể thấy được triển vọng cổ phiếu “vua” khi kết quả kinh doanh của hầu hết ngân hàng đề đạt lợi nhuận tốt trên dưới 20%.

Đồng thời, kết quả kinh doanh quý đầu năm của các nhà băng lớn (Vietcobmank, Vietinbank, ACB, MB...) vừa công bố cũng cho thấy rất khó tìm được ngân hàng tăng trưởng dưới 20% so cùng kỳ năm rồi. Các ngân hàng quy mô nhỏ hơn lợi nhuận cũng tăng trưởng khá tích cực.

Rủi ro khi giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh
Lợi nhuận tăng, tỷ lệ chia cổ tức hấp dẫn, hàng loạt ngân hàng đang hút dòng tiền hướng vào cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, giá cổ phiếu ngân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư