Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cổ phiếu “vua” hạ nhiệt, ngân hàng chùn bước lên sàn
Thùy Vinh - 02/08/2018 09:03
 
Khá nhiều ngân hàng đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung từ đầu năm, nhưng đến nay, không ít đơn vị chưa triển khai thực hiện.
TIN LIÊN QUAN

Nhiều ngân hàng chưa lên sàn

Ngoài các cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết trên các sàn HoSE, HNX và UPCoM (CTG, BID, ACB, VCB, EIB, STB, SHB, MB, TPB, VPB, HDB, NVB, TCB, VIB, KLB, LPB, BAB), hiện còn khá nhiều ngân hàng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung theo quy định.

.
.

Sau làn sóng lên sàn trong 2 quý đầu năm (HDB, TPB, TCB), thị trường im ắng hơn khi giá cổ phiếu “vua” hạ nhiệt trong tháng 7/2018, khiến một số nhà băng chùn bước trước kế hoạch niêm yết cũng như đưa cổ phiếu lên giao dịch sàn UPCoM (OCB, VietABank, VietBank, NamA Bank...).

Một lãnh đạo OCB cho hay, Ngân hàng đang quá trình đàm phán với đối tác ngoại để chốt room ngoại trước khi niêm yết, dự kiến trong 2 quý cuối năm, nếu thị trường thuận lợi.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra trong tháng 4/2018, HĐQT VietBank cho biết, nhà băng này sẽ tăng vốn điều lệ đợt 1 khoảng 500 tỷ đồng và lên sàn UPCoM trong năm nay. Năm 2020, ngân hàng này dự kiến niêm yết trên sàn HoSE.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Nam A Bank, năm 2018, HĐQT trình cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu, đồng thời giao HĐQT lựa chọn thời điểm thích hợp để niêm yết theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

Việc lên sàn của một số ngân hàng từ đầu năm 2018 và dự báo sẽ còn nhiều nhà băng niêm yết trong thời gian tới đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại. Nhưng với diễn biến giá cổ phiếu “vua” hạ nhiệt hiện nay, các ngân hàng xem ra đang chùn bước. 

Cổ phiếu “vua” hạ nhiệt

Trái ngược với những tháng đầu năm 2018, khi nhóm cổ phiếu ngân hàng góp công lớn trong việc kéo VN-Index tăng mạnh, thì gần đây, nhóm cổ phiếu “vua” lại là “tội đồ” khiến VN-Index sụt giảm, thị trường chứng khoán bốc hơi ngàn tỷ đồng.

Rớt giá, song giá cổ phiếu ngân hàng hiện nay cũng đã tăng khá cao so với 1 năm trước.

Thực tế, trong quý I/2018, Chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 19%, nhóm cổ “vua” là tác nhân chính dẫn dắt toàn thị trường, khi tăng trưởng trung bình toàn ngành ở mức 35 - 40%. Nhưng từ quý II/2018 đến thời điểm hiện tại, VN-Index mất 20 - 25%, trở về mức trên dưới 900 điểm, chủ yếu do nhóm cổ phiếu “vua” mất giá. Nhiều mã lao dốc 30 - 40%, như BID của BIDV giảm gần 50%, từ 44.500 đồng/cổ phiếu, xuống còn 25.000 đồng/cổ phiếu; CTG của VietinBank giảm từ 37.300 đồng/cổ phiếu, còn chưa tới 24.000 đồng/cổ phiếu...

Trong khi đó, hoạt động ngành ngân hàng được đánh giá tích cực trong năm 2018 và kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm nay rất khả quan.

VPBank lãi trước thuế 4.375 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, hoàn thành 40% kế hoạch năm. MB đạt 3.829 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 2 quý đầu năm nay, tăng 51,7% so với cùng kỳ, hoàn thành 56% kế hoạch năm. ACB đạt gần 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; Eximbank, Sacombank đạt lần lượt gần 1.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng trước thuế. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 của TPBank đạt 1.024 tỷ đồng, gấp đôi con số đạt được cùng kỳ năm trước. Vietcombank tiếp tục dẫn đầu hệ thống ngân hàng về lợi nhuận, đạt mức kỷ lục 8.071 tỷ đồng trước thuế…

Theo một nhà phân tích tài chính, dù rớt giá, song giá cổ phiếu ngân hàng hiện nay cũng đã tăng khá cao so với 1 năm trước, nhất là những cổ phiếu ngân hàng chào sàn trong thời gian gần đây. Với những cổ phiếu dự kiến chào sàn thời gian tới, không phải mã nào cũng có tiềm năng tăng trưởng, mà chắc chắn có sự phân hóa mạnh giữa các nhà băng. Mặt khác, tính cấp bách và những lợi ích của việc tăng vốn như nâng cao năng lực tài chính, mở rộng tín dụng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tiến tới thực hiện yêu cầu của Hiệp ước Basel II... là không cần bàn cãi.

Dẫu vậy, đằng sau câu chuyện tăng vốn ồ ạt của các ngân hàng năm 2018 lại là nỗi lo của các cổ đông. Tăng vốn quá nhanh sẽ gây áp lực pha loãng cổ phiếu, khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) chậm lại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư