Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Cơ quan của Quốc hội lên tiếng về điều hành giá xăng dầu
Nguyễn Lê - 11/10/2022 11:19
 
Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó phù hợp.
.
Ảnh minh hoạ.

Thị trường xăng dầu đang có những diễn biến bất thường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó phù hợp.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh một trong những vấn đề cần được quan tâm là giá xăng dầu đang gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Theo đánh giá của Chính phủ, công tác điều hành giá từ đầu năm đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai quyết liệt để giảm giá xăng dầu, ổn định giá điện, nước, học phí, giá sách giáo khoa. Chủ động các phương án điều hành giá xăng dầu, kịp thời điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu phù hợp, giúp giảm đáng kể áp lực chi phí đầu vào, hỗ trợ tiêu dùng.

Ở kế hoạch năm 2023, Chính phủ cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, kịp thời cảnh báo rủi ro, nhất là nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, đặc biệt là đối với giá xăng, dầu, nguyên liệu sản xuất; trên cơ sở đó, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách để kiểm soát lạm phát, trong đó có chính sách thuế, phí đối với xăng, dầu. Công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng, dầu, cũng như các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác; điều tiết hài hòa lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.

Với góc nhìn cụ thể hơn, Ủy ban Kinh tế cho rằng, tình hình lạm phát được kiểm soát, song trong thời gian từ đầu năm đến giữa năm, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng lên mức kỷ lục, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân.

"Có ý kiến cho rằng, việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỷ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu thua lỗ, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng, dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng, dầu bán cho khách hàng", báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời khi giá xăng dầu thế giới có những diễn biến bất lợi trong tương lai.

Ngoài ra, tại cơ quan thẩm tra cũng có ý kiến đề nghị làm rõ các tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu; khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn neo cao, không giảm giá, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực thực phẩm… ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Vềi kế hoạch năm 2023, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần bám sát diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất.

Cơ quan của Quốc hội đề nghị tiếp tục theo dõi sát tình hình giá xăng, dầu thế giới và trong nước để đề xuất phương án kịp thời, phù hợp về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, nghiên cứu giải pháp miễn giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu cao.

Cũng liên quan đến xăng dầu, trước đó, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị cần bổ sung thông tin là hiện nay cử tri và nhân dân phản ánh điều hành giá cả, kể cả điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, quy định về chiết khấu cũng có gì đó chưa phù hợp. Vì thế, một số cửa hàng xăng dầu nói càng kinh doanh càng lỗ nên người ta đóng cửa, có chỗ chỉ bán cho dân tối đa 50.000 đồng thôi.

Việc này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh là ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân.

Bộ Tài chính: Quản lý, đảm bảo nguồn cung xăng dầu là trách nhiệm Bộ Công thương
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư