Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Coca-Cola minh bạch hóa hoạt động kinh doanh
Hữu Tuấn - 04/08/2013 08:01
 
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Coca-Cola trong chuyến công tác trung tuần tháng 7/2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã hoan nghênh việc Coca-Cola tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, tăng thêm 300 triệu USD trong vòng 3 năm tới.

Bộ trưởng cũng đề nghị công ty nên thường xuyên cung cấp thông tin và minh bạch các hoạt động kinh doanh của mình, giữ đúng tiến độ cam kết đầu tư, góp phần thực hiện có hiệu quả dự án tại Việt Nam. Phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Đối ngoại Công ty Coca-Cola Việt Nam về các vấn đề xung quanh khuyến nghị này.

Ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Đối ngoại Công ty Coca-Cola Việt Nam

Ông có bình luận gì về những khuyến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với Tập đoàn Coca-Cola khi đầu tư vào Việt Nam?

Coca-Cola đánh giá cao sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đầu tư mới của Công ty cũng như những khuyến nghị mang tính định hướng rất quan trọng.

Chúng tôi luôn coi trọng việc minh bạch hóa các hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là với các cơ quan quản lý thuế và tài chính.

Chúng tôi luôn giữ cầu nối về thông tin với Chính phủ cũng như thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ báo cáo theo quy định.

Đầu tư mới của Coca-Cola được thực hiện với những kế hoạch rất cụ thể nhằm cải thiện kết quả kinh doanh, tạo điều kiện cho mục tiêu xây dựng và phát triển kinh doanh bền vững tại thị trường Việt Nam.

Sắp tới, các hoạt động truyền thông của Coca-Cola sẽ được đẩy mạnh hơn nữa để cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác hơn, đặc biệt là về các hoạt động đầu tư mới, bao gồm đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, nâng cao năng lực cho nhân sự địa phương, phát triển quan hệ với các đối tác trong nước và đầu tư phát triển cộng đồng.

Một vấn đề dư luận hết sức quan tâm là tại sao sau 20 năm kinh doanh mà Coca-Cola vẫn không có lãi?

Hiện tại, thị trường nước giải khát không cồn tại Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn phát triển ban đầu, với mức tiêu thụ bình quân đầu người thấp. Hiện mức tiêu thụ sản phẩm nước giải khát không cồn bình quân đầu người ở Việt Nam là 128 sản phẩm, so với 220 ở Philippines.

Mặc dù có thị phần ưu thế trong ngành nước giải khát có gas, nhưng Coca-Cola ở Việt Nam lại chiếm thị phần khá khiêm tốn trong nhóm các loại sản phẩm khác trong danh mục nước giải khát không cồn, bao gồm trà pha sẵn, nước tăng lực, nước uống đóng chai, sữa, nước hoa quả và nước uống vận động.

Những thị trường mà Coca-Cola hiện diện, có những nơi sản sinh ra lợi nhuận trong vòng 3 - 4 năm, nhưng cũng có khi phải mất cả chục năm, thậm chí 20 - 25 năm mới có lợi nhuận.

Bằng chứng là, một thị trường rất thành công của Coca-Cola là Nhật Bản trong thời điểm hiện tại đã trải qua 25 năm không có lợi nhuận mới tạo được vị trí vững mạnh như hiện nay.

Trong quá trình mở rộng đầu tư thêm 300 triệu USD, Coca-Cola có gặp trở ngại gì không? Coca-Cola có kế hoạch mở thêm nhà máy tại Việt Nam hay không?

Sau khi công bố cam kết đầu tư mới, chúng tôi bắt tay thực hiện ngay các quy trình pháp lý về đầu tư và tài chính để triển khai các dự án và đã nhận được các hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan quản lý Việt Nam như UBND TP.HCM, các sở, ban, ngành và các bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.

Đến thời điểm này, có thể nói, chúng tôi đã sẵn sàng để cụ thể hóa cam kết, như hoạt động mở rộng cơ sở hạ tầng tại nhà máy Coca-Cola TP.HCM và tiếp theo là tại những địa phương có nhà máy của Coca-Cola. Chúng tôi hiện chưa có kế hoạch mở thêm nhà máy, mà chủ yếu tập trung mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất cho các cơ sở sản xuất hiện có.

Ông có thể cho biết những nghĩa vụ tài chính, xã hội mà Coca-Cola đã thực hiện tại Việt Nam thời gian qua?

Trong những năm qua, tuy chưa có lợi nhuận để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng chúng tôi vẫn hoàn thành các nghĩa vụ thuế khác, như thuế nhập khẩu, thuế sử dụng đất, thuế môn bài, hoặc gián tiếp như thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Tổng số các loại thuế chúng tôi đã đóng từ năm 2008 đến nay là hơn 33 triệu USD. Dự kiến, số thuế chúng tôi sẽ đóng trong năm 2013 là 10 - 11 triệu USD.

Công việc kinh doanh của chúng tôi tạo ra giá trị cho toàn bộ chuỗi cung ứng, với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp và người lao động trong nước. Ý nghĩa kinh tế - xã hội còn thể hiện qua các yếu tố khác, như tạo việc làm trực tiếp hoặc gián tiếp cho hàng ngàn lao động, phát triển nhân lực có kỹ năng cao, đầu tư phát triển qua các hoạt động cộng đồng.

Bên cạnh đó, Coca-Cola đã tài trợ cho các hoạt động phát triển cộng đồng, như Dự án Bảo tồn tài nguyên nước ở ĐBSCL, Dự án Cung cấp nước sạch cho các cộng đồng ở ba miền đất nước (phối hợp với các tổ chức UN-Habitat và CEFACOM), các hoạt động hỗ trợ ứng phó và cứu trợ thiên tai (hợp tác với Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam). Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai dự án nâng cao năng lực cho phụ nữ tại ĐBSCL...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư