Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Công bố phát hiện gây chấn động về sự xuất hiện của người Việt cổ
Mai Anh (ANTĐ) - 11/04/2016 14:50
 
Các mẫu hóa thạch tectit được dự đoán có tuổi từ 77 vạn đến 80 vạn năm cùng các hiện vật đá như rìu tay, các công cụ ghè đẽo... thuộc thời sơ kỳ Đá cũ đã được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện tại xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Đây là những bằng chứng được xem là cổ nhất về sự xuất hiện của con người trên lãnh thổ nước ta.

Sáng 11-4, tại Hà Nội, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đã công bố kết quả sơ bộ về phát hiện gây chú ý về sự xuất hiện của con người tại Việt Nam.

Được triển khai từ tháng 6-2014, đoàn cán bộ của Viện khảo cổ học cùng với Viện Khảo cổ học Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học cộng hòa Liên ban Nga, đã khảo sát và phát hiện trên 20 di tích, trong đó có 5 di tích thời đại Đá cũ ở thị xã An Khê, huyện Gia Lai.

Khi khai quật di tích Gò Đá (phường An Bình, thĩ xã An Khê), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 58 hiện vật đá, gồm các công cụ mũi nhọn, công cụ chặt, nạo, hòn ghè... cùng với 21 mảnh hóa thạch (tectit) phân bố trong lớp văn hóa chứa công cụ đá, được cho là rơi từ vũ trụ xuống khi các tầng văn hóa đã và đang hình thành.

Ở cụm di tích Rộc Tưng (xã Xuân An, thị xã An Khê) gồm Rộc Tưng 1 và Rộc Tưng 4 cũng tìm thấy tổng cộng 123 hiện vật đá các loại cùng 127 mảnh tectit.

Trong thời gian khai quật năm 2016, đoàn đã khảo sát một số di tích đã biết trước đây như Rộc Hường, Rộc Giáo, Rộc Lớn và Gò Đá phát hiện mới 2 rìu tay (handaxe) - điển hình cho rìu tay sơ kỳ Đá cũ thế giới.

Các nhà khoa học vui mừng công bố phát hiện mới về sự tồn tại và xuất hiện của người Việt cổ

Các chuyên gia nghiên cứu Việt - Nga đã phân tích và dựa vào một số cơ sở để dự đoán niên đại của các di tích khảo cổ là cách ngày nay trên dưới 1 triệu năm, còn các mảnh hóa thạch tectit có tuổi từ 77 đến 80 vạn năm - tức là ít nhất cổ hơn hoặc tương đương với mẫu tectit chúng ta đã từng phát hiện tại Cheo Reo (Gia Lai) trước đó. Điều này khẳng định cách đây trên dưới 80 vạn năm đã có sự xuất hiện của cộng đồng các cư dân Việt cổ.

Các chuyên gia cho rằng, tổ hợp công cụ và niên đại của di tích An Khê là tương đương với giai đoạn Người vượn đứng thẳng (Homo erectus) - là một trong những tổ tiên trực tiếp của người hiện đại trên thế giới.
Rìu tay được phát hiện ở xã An Khê, Gia Lai

Một mảnh hóa thạch tectit được công bố 

PGS.TS Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học khẳng định, đây là niềm vui lớn của ngành khảo cổ học Việt Nam, có ý nghĩa không chỉ trong phạm vi quốc gia và còn là niềm tự hào của cả khu vực Đông Nam Á. Nó có ý nghĩa bản lề trong việc nhận thức về sự tồn tại về thời Đá cũ ở khu vực Đông Nam Á, bổ sung điểm trống mà rất nhiều năm qua các nhà khoa học chưa thể làm rõ.

Trong một thời gian dài tồn tại quan điểm phương Tây sớm xuất hiện rìu tay, thể hiện sự tiến bộ, năng động của con người, còn phương Đông luôn bảo lưu công cụ cuội ghè đẽo thô sơ, không có đóng góp gì cho nhân loại. Tuy nhiên, những phát hiện công cụ ghè hai mặt và rìu tay ở An Khê không chỉ bác bỏ quan điểm sai trái này, mà còn bổ sung tư liệu vào bản đồ phân bố sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới.

1 công cụ ghè một mặt (Uniface) được tìm thấy ở di tích Rộc Lớn, An Phước, thị xã An Khê
Đoàn khảo sát tại di tích Rộc Lớn 2

PGS.TS Nguyễn Giang Hải cũng cho biết, tháng 3-2017, Viện Khảo cổ học sẽ tiếp tục khai quật và mở rộng vùng nghiên cứu các di tích khảo cổ học sơ kỳ Đá cũ ở khu vực An Khê, Gia Lai. Ông cũng kiến nghị Bộ VH-TT&DL xem xét công nhận đặc cách di tích An Khê, Gia Lai là Di tích quốc gia đặc biệt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư