Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Công nghệ Blockchain khuynh đảo ngành thực phẩm, đồ uống
Vũ Anh - 08/11/2018 16:30
 
Blockchain, công nghệ nền tảng đằng sau đồng tiền bitcoin, đang trở thành hệ thống kỹ thuật số để xác định an toàn thực phẩm và nguồn gốc hàng hóa. Các sàn thương mại điện tử đang tận dụng công nghệ này để lấy lòng người tiêu dùng.

Gia nhập mạng lưới nông nghiệp sạch toàn cầu

Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm và Đồ uống (Vietfood & Beverage) - triển lãm duy nhất trong ngành thực phẩm và đồ uống, máy móc, công nghệ bao bì đóng gói tại Hà Nội do Vinexad tổ chức thường niên sẽ khó thu hút được giới chuyên môn, doanh nghiệp nếu không bắt kịp xu thế công nghệ.

Triển lãm Vietfood & Beverage xây dựng mô hình kết nối thương mại giữa các nhãn hàng quốc tế và nhà nhập khẩu, phân phối.
Triển lãm Vietfood & Beverage xây dựng mô hình kết nối thương mại giữa các nhãn hàng quốc tế và nhà nhập khẩu, phân phối.

Năm nay, Triển lãm tập trung xây dựng mô hình kết nối thương mại B2B giữa các nhãn hàng quốc tế và các nhà nhập khẩu, phân phối; kết nối các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam với khách nước ngoài; hỗ trợ quảng bá sản phẩm nông sản hữu cơ... Đúng dịp này, Công ty cổ phần Kết nối thanh toán toàn cầu (GPC) tung ra Sàn thương mại điện tử GCAECO, hứa hẹn sẽ tạo tiếng vang lớn trong cộng đồng thương mại điện tử, các doanh nghiệp sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh, xuất khẩu nhóm ngành hàng này.

GCAECO được phát triển cả phiên bản desktop và App trên IOS, Android với đầy đủ các tính năng tích hợp như: tìm kiếm, đặt hàng, vận chuyển, thanh toán…, cho phép người mua và người bán kết nối, giao dịch trực tiếp với nhau dễ dàng, an toàn hơn...

Được biết, GCAECO đã “bắt tay” với Công ty GATDI (Hồng Kông) để áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc ứng dụng Blockchain kết hợp với hợp đồng thông minh và khả năng thanh toán bảo mật qua sàn, giúp các bên có thể thực hiện giao dịch xuyên biên giới.

Đại diện GCAECO kỳ vọng, sàn sẽ trở thành một sở giao dịch, trung tâm kết nối giao thương và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản, thực phẩm của Việt Nam vươn ra thế giới, với số lượng người tham gia đăng bán và số thành viên thân thiết hàng đầu Việt Nam.

Đặc biệt, GCAECO có tham vọng trở thành một hệ sinh thái  hòa nhập với các sàn thương mại điện tử khác trên toàn cầu nằm trong hệ sinh thái quốc tế Nông nghiệp sạch toàn cầu (GCA).

Cùng với đó, sự kiện Thương mại điện tử, lời giải xuất khẩu và giúp tăng giá trị nông sản Việt; Khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn trong xu thế 4.0 dự kiến sẽ thu hút khoảng 350 quan khách và doanh nghiệp tham dự.

Không thể thiếu kết nối trực tiếp

Mặc dù lấy công nghệ Blockchain làm điểm nhấn cho triển lãm năm nay, nhưng các hình thức kết nối trực tiếp tại Vietfood & Beverage vẫn phải được chú trọng. Mọi giao dịch, kết nối sẽ rõ ràng, mạch lạc hơn khi các ngành hàng thực phẩm, đồ uống, máy móc và thiết bị được phân theo từng khu vực tại Triển lãm.

Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm và Đồ uống (Vietfood & Beverage) được tổ chức cùng Triển lãm Thiết bị công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm và đồ uống (Propack Vietnam), đồng thời giới thiệu hệ sinh thái của Dự án quốc tế GCA qua việc ra mắt sàn thương mại điện tử sẽ diễn ra từ ngày 7 - 10/11/2018 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế ICE - Cung Văn hóa (Hà Nội). 

Nếu như năm 2017, Vietfood & Beverage thu hút hơn 200 doanh nghiệp tham gia từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì năm nay, quy mô Triển lãm tăng 30% với khoảng 250 doanh nghiệp đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ (Hàn Quốc, Thái Lan, Romania, Malaysia, Tây Ban Nha, Nam Phi...). Trong đó, 67% gian hàng tại Triển lãm trưng bày nhóm hàng thực phẩm chế biến sẵn, nông sản, phụ gia thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo đóng gói sẵn; còn lại là sản phẩm máy móc chế biến, máy đóng gói, bao bì vỏ hộp, dây chuyền làm bánh… được nhập khẩu từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc.

Theo báo cáo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành thực phẩm và đồ uống vì chính sách ưu đãi, nguồn nguyên liệu thô dồi dào và thị trường tiêu thụ năng động.

Năm nay, Khu gian hàng quốc gia Hàn Quốc tiếp tục là điểm nhấn với các sản phẩm thế mạnh như: thực phẩm, đồ uống đóng gói sẵn, đặc sản truyền thống Hàn Quốc như Hồng Sâm, rong biển, linh chi, bánh gạo…

Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng không bỏ lỡ cơ hội để gia tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Việt Nam. Hiện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đang tiếp tục hỗ trợ các hệ thống Ministop, Aeon, Family Mart đầu tư mở rộng hệ thống phân phối tại thị trường Việt Nam.

Là “chủ nhà”, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tỏ ra không kém cạnh, khi không chỉ tung các sản phẩm nòng cốt như sữa, cà phê, hạt tiêu, yến sào… mà còn giới thiệu thêm các nguyên liệu dược, gia vị truyền thống và hải sản đông lạnh xuất khẩu…

Bên cạnh các tên tuổi lớn đã có vị thế trên thị trường, giờ đây, các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh nông sản sạch, hay thậm chí các đơn vị thu mua lẻ làm việc trực tiếp với các hộ nuôi trồng cũng đã nhận thức sâu sắc hơn, muốn tăng giá trị sản phẩm và lợi ích của người nông dân thì phải truyền thông chuyên nghiệp hơn.

Với hơn 20 năm tổ chức triển lãm chuyên ngành Vietfood & Beverage, Vinexad không ngừng đưa ra phương thức tiếp cận mới, giúp các doanh nghiệp ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường thực phẩm cạnh tranh khốc liệt như Việt Nam.

Người tiêu dùng “săn lùng” đồ uống, thực phẩm hữu cơ
Hiện nay các sản phẩm đồ uống hữu cơ, nông sản sạch được người tiêu dùng “săn lùng” và các nhà sản xuất cũng phải chạy đua đáp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư