Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Công nghiệp chế biến kéo xuất khẩu
Thế Hải - 09/04/2017 20:37
 
Tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến quý I/2017 duy trì mức tăng 12,5% so với cùng kỳ và 5 năm liên tiếp đạt tốc độ tăng cao hơn tăng trưởng xuất khẩu chung

“Đầu tàu” kéo xuất khẩu

Bất chấp khó khăn của thị trường, sự sụt giảm về giá, gia tăng rào cản thương mại…, quý I/2017,  xuất khẩu của ngành hàng công nghiệp chế biến vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ.

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá quý I/2017 đạt 89,36 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, tổng trị giá xuất khẩu 43,73 tỷ USD, tăng 12,8%. Đáng nói là, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ phong độ so với cùng kỳ năm ngoái khi tăng trưởng 12,5%.

.
Đường đi của xuất khẩu đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến dự báo vẫn còn nhiều gập ghềnh trong năm 2017

Liên tiếp trong 5 năm trở lại đây, xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến đã góp phần đáng kể trong việc “kéo” tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.

Năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt trên 350 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9%, riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp cao vào xuất khẩu cả nước, với trị giá 141,8 tỷ USD, tăng 11% (tương đương 14,1 tỷ USD) so với 2015.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, mức tăng trưởng 9% không cao như những năm trước đây, nhưng nếu nhìn vào diễn biến thời tiết: hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung…, thì kim ngạch xuất khẩu năm 2016 là kết quả của một chặng đường nỗ lực. Cùng với những khó khăn trên, việc hàng loạt các thị trường bị sụt giảm kim ngạch xuất khẩu, giá nhiều mặt hàng giảm sâu, thì mức tăng trưởng 9% càng có ý nghĩa hơn.

Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu chung, là đầu tàu kéo xuất khẩu chung của cả nước tăng trưởng cao. Nếu tính từ năm 2012, năm 2016 là năm thứ 5 liên tiếp, tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến cao hơn tăng trưởng xuất khẩu chung.

Chính từ sự tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, nên trong cơ cấu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016, công nghiệp chế biến chiếm 80,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng thêm 1,4% so với 78,9% của 2015.

Sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu như trên đã thực hiện được mục tiêu tại Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến 2030 là, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, giảm dần nhóm hàng nông sản, thủy sản, nhiên liệu, khoáng sản.

Lo lao động hơn đơn hàng

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, trong đó, 5 thị trường chính được điểm mặt, lần lượt là Hoa Kỳ, EU,Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đường đi của xuất khẩu đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến dự báo vẫn còn nhiều gập ghềnh trong năm 2017, tuy nhiên, hết 3 tháng, những tín hiệu lạc quan về xuất khẩu cũng đã  hé lộ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Đặng Ngọc Kha, Giám đốc Công ty CP Nam Tiến, Nam Định cho biết, khó khăn nhất tại thời điểm này là lao động chứ không lo thiếu đơn hàng. Nhà máy may Nam Tiến dù mới đưa vào hoạt động quý 3/2016, nhưng đã có đơn hàng xuất khẩu ổn định sang Mỹ, EU… Quý I/2017, doanh thu từ xuất khẩu của Nam Tiến đạt gần 6 tỷ đồng.

Với khá nhiều biến động về thị trường, sự giành giật đơn hàng từ các nước xuất khẩu khác, năm 2016 được đánh giá là năm khó khăn nhất về xuất khẩu với ngành dệt may trong 10 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu dệt may, xơ sợi, vải đạt hơn 28 tỷ USD, chỉ tăng 3,3%, dòng vốn đầu tư vào ngành đã chững lại khá rõ.

Nhưng, theo thông tin mới nhất từ ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam tình hình đầu tư đã tốt hơn, khi 3 tháng đầu năm, trong bối cảnh không có TPP, xuất khẩu dệt may, xơ sợi đạt gần 5,63 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ.

 “Sau một thời gian chững lại về đầu tư trong những tháng cuối năm 2016, nay các doanh nghiệp đã khởi động trở lại, với quan điểm có TPP hay không không còn quá quan trọng. Hội nhập sớm của ngành dệt may trong chục năm qua đã tôi luyện cho các doanh nghiệp sự chủ động, bình tĩnh để đưa ra các kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh thích ứng với mọi chuyển biến của thị trường thế giới”, theo ông Giang.

Điều còn lại, để tạo điều kiện cho các ngành hàng có thể phát huy được thế mạnh, chớp thời cơ xuất khẩu, là sự hỗ trợ kịp thời bằng chính sách từ các Cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Giang cũng đề xuất, xuất khẩu xơ sợi đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ do bị áp dụng các biện pháp tự vệ, bởi vậy, Bộ Công thương nên xem xét cùng với Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đưa ra ngay các biện pháp trả đũa thương mại, để bảo vệ hàng sản xuất trong nước.

“Năm 2016, xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi sang Trung Quốc đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 19,3%, trong đó, kim ngạch xuất khẩu xơ sợi đã chiếm gần 2 tỷ USD”, ông Giang nói.

[Infographic] Quý I/2017: Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng khá
3 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 7,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư