Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Công nghiệp đón gió M&A
Thanh Hương - 09/08/2018 09:25
 
Thương vụ bán vốn nhà nước thành công mỹ mãn tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp xem là đòn bẩy khi thực hiện cổ phần hóa.

Thành công bất ngờ  

Quyết định bán 53,59% vốn điều lệ của Sabeco được xem là đột phá bất ngờ trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn không chỉ tại Sabeco, mà còn tại các doanh nghiệp nhà nước. Bất ngờ là bởi Sabeco là một trong số ít các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp Việt Nam có lợi nhuận cao ngất ngưởng khi đang đứng số 1 về sản lượng bia với thị phần chiếm tới 41% toàn thị trường.

Bất ngờ nữa là người mua không phải là những nhà đầu tư đến từ châu Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản vốn được trông chờ là “đang thèm khát thị trường hơn 93 triệu dân”. Người mua lần này có nguồn gốc từ Thái Lan - thị trường chỉ có hơn 60 triệu dân, vốn có những nét tương đồng về văn hóa tiêu dùng, nhưng lại là đối thủ rất thách thức trên thương trường trong nội khối ASEAN.

Quyết định bán 53,59% vốn điều lệ của Sabeco được xem là đột phá bất ngờ trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn không chỉ tại Sabeco
Quyết định bán 53,59% vốn điều lệ của Sabeco được xem là đột phá bất ngờ trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn không chỉ tại Sabeco

Trước khi vung tiền mua Sabeco, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã hiện diện ở nhiều lĩnh vực như bất động sản, siêu thị hay thực phẩm tiêu dùng tại Việt Nam. Vì vậy, thương vụ mua Sabeco dù lớn nhất châu Á về giá trị trong năm 2017, nhưng xem ra chỉ là một điểm đặc biệt trong chuỗi danh mục thương vụ M&A mà tỷ phú người Thái này đã thực hiện tại Việt Nam và dự báo còn chưa kết thúc.

Ngay sau Sabeco, ngành công nghiệp cũng chứng kiến 3 thương vụ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) rất thành công của các doanh nghiệp công nghiệp lớn là Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power).

Tại BSR, phiên IPO đã thu về cho Nhà nước 5.414 tỷ đồng, cao hơn 60% so với số tiền bán dự kiến theo giá khởi điểm. Đã có 623 nhà đầu tư trúng giá, trong đó nhà đầu tư nước ngoài trúng hơn 147 triệu cổ phần, tương đương 61% khối lượng chào bán.

PV Power và PV Oil cũng IPO thành công, với mức thặng dư thu về cho Nhà nước ở mỗi công ty hơn 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Trong đó, PV Power thu về số tiền 6.987 tỷ đồng - thặng dư khoảng 2.300 tỷ đồng; còn PV OIL đã thu về 4.039 tỷ đồng - thặng dư khoảng 2.000 tỷ đồng so với giá dự kiến.

Chỉ tính riêng đợt IPO của 3 doanh nghiệp này đã thu về 16.440 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, trong đó phần thặng dư là khoảng 7.450 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm đặt ra.

Như vậy, nếu tính chung trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số tiền mà Nhà nước thu được từ IPO các doanh nghiệp nhà nước đạt gần 22.500 tỷ đồng, trong đó, sự đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp là chủ lực.

Nếu tính tổng số tiền thu được từ cổ phần hóa lẫn thoái vốn doanh nghiệp nhà nước từ năm 2016 đến hết tháng 6/2018 là 198.000 tỷ đồng, thì phần đóng góp của 4 doanh nghiệp trong ngành sản xuất công nghiệp gồm Sabeco, BSR, PV Power và PV Oil là hơn 125.000 tỷ đồng, chiếm hơn 63% tổng số tiền thu được. Có thể nói, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã rất thành công trong việc xây dựng vị thế và hoạt động hiệu quả.

Con số 198.000 tỷ đồng thu được cao hơn gấp 2,5 lần số tiền thu được từ việc thoái vốn và bán cổ phần trong giai đoạn 2011 - 2015 ngoài việc cho thấy những nỗ lực trong việc đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, còn thể hiện rõ dư địa để thực hiện thoái vốn nhà nước vẫn còn rất nhiều.

Vẫn phải chờ vốn ngoại

Trước khi thực hiện bán 53,59% vốn điều lệ tại Sabeco, các cơ quan hữu trách đã công khai cho hay, “không nới room cho khối ngoại sở hữu trên 49% tại doanh nghiệp này”. Dẫu vậy, việc 53,59% vốn điều lệ của Sabeco thuộc về một công ty được thành lập tại Việt Nam, nhưng ai cũng hiểu, đằng sau chuỗi công ty đó chính là tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.

Đối với cả 4 doanh nghiệp công nghiệp lớn được thoái vốn trong đầu năm 2018 là BSR, PV Oil, PV Power và Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco3), ngoài phần bán đấu giá công khai trên thị trường chứng khoán, phần bán cho cổ đông chiến lược đều ngóng trông các nhà đầu tư ngoại bởi các doanh nghiệp này đều có số vốn khủng.

Ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐQT của PV Power cho hay, đối tác đến từ Hàn Quốc là Taekwang Power Holdings (TKPH) rất quan tâm tới việc trở thành cổ đông chiến lược của PV Power và mong muốn mua hết phần vốn nhà nước bán cho đối tác nước ngoài, thậm chí nắm cổ phần chi phối PV Power. Để chuẩn bị cho việc mua cổ phần của PV Power, nhà đầu tư Taekwang Power Holdings đã có những chuyến đi khảo sát thực tế tại các nhà máy điện của doanh nghiệp này.

Với thực tế không đủ thời gian để thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chốt đối tác chiến lược theo thời hạn 3 tháng kể từ khi có phương án cổ phần hóa mà Chính phủ đặt ra, việc thoái vốn tiếp của PV Power sẽ được thực hiện theo phương thức bán qua sàn.

“Để thu hút được nhà đầu tư lớn, có nghề như đối tác Hàn Quốc, việc thoái tiếp vốn của PV Power có thể theo phương án đấu giá công khai và bán sỉ cả lô”, ông Kỳ nói và cho hay, PV Power sẽ có đề xuất tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về vấn đề này, bởi nếu chỉ thuần túy đấu giá trên sàn không phải là lô lớn, có thể nhà đầu tư chiến lược đến từ nước ngoài sẽ không tham gia.

Đối với BSR, đối tác chiến lược tiềm năng nhất được nhắc tới Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (IOC) cũng không đủ thời gian để hoàn tất các thủ tục theo quy định. Trước giờ IPO của BSR, chỉ có 2 nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đăng ký tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Petrolimex (Việt Nam) và IOC. Các tên tuổi khác được trông chờ sẽ mua cổ phần khối lượng lớn cho BSR vẫn đến từ nước ngoài là Pertamina (Indonesia), Bangchak Corporation Public Company Limited (Thái Lan).

Câu chuyện cũng không có gì khác với Genco 3, khi vốn điều lệ của doanh nghiệp này rất lớn và các nhà đầu tư nội khó đủ tiềm lực để trở thành cổ đông lớn. Tuy nhiên, khác với Vinamilk hay Sabeco, nơi khối ngoại nhăm nhăm đổ tiền vào để sở hữu tỷ lệ vốn lớn, thì các doanh nghiệp công nghiệp như BSR, PV Power, Genco 3 đều “yếu thế” hơn khi lợi nhuận không hấp dẫn bằng.

Bằng chứng là BSR, dù đã kêu gọi cả gần 10 năm nay về việc bán tới 49% vốn điều lệ cho nước ngoài, nhưng vẫn chưa thể se duyên với nhà đầu tư ngoại. Với các doanh nghiệp ngành điện như PV Power hay EVN Genco3, rào cản giá điện thấp khiến hiệu quả kinh tế thấp, trong khi số tiền bỏ ra ban đầu có thể lên tới cả chục ngàn tỷ đồng, mà vẫn chưa thể nắm quyền chi phối doanh nghiệp, cũng là điều nhà đầu tư không quá mặn mà.

Thị trường mua bán sáp nhập: Bùng nổ góp vốn, mua cổ phần
Xu hướng nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hình thức góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Động thái...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư