Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Công ty chứng khoán “hụt hơi” với kế hoạch kinh doanh
Thanh Thủy - 22/11/2022 07:47
 
Khi chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ khép lại năm 2022, thị trường chứng khoán vẫn đang diễn biến tiêu cực về thanh khoản và điểm số. Những kế hoạch kinh doanh theo kịch bản tiêu cực nhất cũng không lường đến diễn biến như hiện tại.
Các công ty chứng khoán vỡ kế hoạch kinh doanh năm 2022 do thị trường lao dốc.  Ảnh: Đức Thanh

Kịch bản thị trường khó lường

Công ty Chứng khoán KS vừa được cổ đông phê duyệt phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Trong đó, doanh thu mục tiêu năm 2022 giảm 56,3% so với kế hoạch ban đầu, từ 2.037 tỷ đồng xuống còn 890 tỷ đồng; lợi nhuận mục tiêu cũng giảm gần 37%, còn 450 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, công ty này thu về 719 tỷ đồng doanh thu, gấp 3,49 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 430 tỷ đồng, cũng gấp 3,8 lần cùng kỳ. Kết quả kinh doanh tăng mạnh so với mức nền so sánh thấp của giai đoạn công ty kiện toàn nhân sự sau khi thay máu cổ đông. Tuy vậy, kết quả đạt được còn khoảng cách rất xa so với tham vọng đề ra hồi đầu năm. Lựa chọn điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ kinh doanh trong quý IV/2022 đã “vơi” đi hẳn.

Giải trình tới cổ đông, lãnh đạo Công ty cho biết, tình hình thị trường có nhiều biến động lớn từ tháng 4/2022. Cùng với đó, chiến lược kinh doanh của Công ty thay đổi theo hướng gắn với phát triển hoạt động kinh doanh chứng khoán truyền thống dựa trên công nghệ. Hai yếu tố trên tác động mạnh đến kế hoạch kinh doanh của Chứng khoán KS.

Không riêng KS, kịch bản về thị trường của các công ty chứng khoán khác cũng khác xa với hiện tại. Trừ nhịp hồi phục về điểm số hiếm hoi ghi nhận vào tháng 7-8/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch tiêu cực về cả điểm số và thanh khoản từ quý II đến nay, thường xuyên nằm trong nhóm thị trường giảm sâu nhất trong các sàn chứng khoán thế giới. Thậm chí, trong tuần qua, VN-Index có thời điểm thủng mốc 900.

Yếu tố thị trường tác động mạnh đến nguồn thu từ hoạt động môi giới và tự doanh. Đặc biệt, với các công ty chứng khoán sống dựa vào nguồn thu tự doanh, lợi nhuận có thể bị “xói mòn” nhanh theo giá trị các chứng khoán nắm giữ. Bên cạnh đó, tình trạng “đóng băng” trên thị trường trái phiếu khi niềm tin của các nhà đầu tư đối với sản phẩm này suy giảm cũng khiến hoạt động tư vấn, phát hành thu hẹp, thậm chí tê liệt. Cho vay margin nằm trong số ít hoạt động duy trì được tăng trưởng ở một số công ty nhờ quy mô cho vay phần lớn chưa thu hẹp và một số công ty cũng đã nâng lãi suất cho vay ký quỹ.

Tại VNDirect, trong kịch bản tiêu cực nhất được đề ra, VN-Index được dự báo 1.600 - 1.650 điểm, giá trị giao dịch bình quân phiên 26.000 - 28.000 tỷ đồng. Tương ứng với giả định này, mục tiêu lợi nhuận trước thuế của Công ty là 2.991 tỷ đồng trong cả năm 2022. Thực tế, trong 9 tháng đầu năm, VNDirect báo lãi 1.568 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ và cũng mới hoàn thành 52% kế hoạch lợi nhuận trong kịch bản tiêu cực trên.

Chứng khoán SSI cũng chỉ mới hoàn thành 52% mục tiêu lợi nhuận đề ra trong 9 tháng đầu năm. Trước đó, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên (đầu tháng 5/2022), ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI vẫn khá tự tin với mục tiêu tăng trưởng 30% về cả doanh thu và lợi nhuận, đồng thời cho rằng, chưa cần điều chỉnh dù thanh khoản thị trường khi đó đã sụt giảm còn 15.000 tỷ đồng/phiên.

Đến thời điểm hiện tại, SSI chưa đánh tiếng về việc điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên, cổ đông đã chấp nhận ủy quyền HĐQT điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với thực tế trong trường hợp mức tăng trưởng và thanh khoản thị trường không đạt giả định.

Hụt hơi kế hoạch

Trong khi SSI hay VNDirect đã hoàn thành được trên phân nửa mục tiêu, thì khá nhiều công ty khác còn cách xa đích đến, thậm chí thua lỗ trong 9 tháng đầu năm.

Trừ nhịp hồi phục về điểm số hiếm hoi được ghi nhận vào tháng 7-8/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch tiêu cực về cả điểm số và thanh khoản từ quý II trở lại đây, thường xuyên nằm trong nhóm thị trường giảm sâu nhất trong các sàn chứng khoán thế giới.

Chứng khoán APG báo lỗ hơn 49 tỷ đồng, chủ yếu do bán cắt lỗ và trích lập dự phòng rủi ro với tài sản tài chính. Khoản lỗ quý III/2022 đã cuốn sạch thành quả lợi nhuận ít ỏi và kéo lợi nhuận 9 tháng đầu năm âm 48,3 tỷ đồng, trong khi tham vọng đề ra là 400 tỷ đồng.

Cũng vì khoản lỗ tự doanh quý II/2022, Chứng khoán APEC (APS) báo lỗ 370 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Nhiệm vụ trong quý IV/2022 khó lòng khả thi, nếu APS muốn hoàn thành mức kế hoạch 480 tỷ đồng lợi nhuận.

Chứng khoán VietinBank (CTS) cũng mới thu về 86 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng, tương đương hơn 21% mục tiêu đề ra. Chứng khoán BIDV (BSC) mới hoàn thành gần 35% mục tiêu, dù đã có lãi trở lại ở quý III/2022, sau quý kinh doanh hòa vốn trước đó. Thậm chí, một số công ty hoàn thành chưa đến 10% mục tiêu.

Dù vậy, một số công ty chứng khoán vẫn đang “chạy” khá tốt chỉ tiêu lợi nhuận nhờ đặt kế hoạch thận trọng, dự trù kịch bản sát hơn. Lợi nhuận 9 tháng của MBS mới hoàn thành hơn 50% kế hoạch lợi nhuận ở kịch bản cơ sở, nhưng đã đạt 63% mục tiêu đề ra trong kịch bản tiêu cực. Chứng khoán Agribank hoàn thành 88% kế hoạch lợi nhuận nhờ mục tiêu ban đầu trình cổ đông thận trọng, đi lùi so với kết quả đạt được năm 2021.

Sự đảo chiều của thị trường đã kéo lùi kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán với vai trò là thành viên cung cấp dịch vụ. Kết quả kinh doanh đi lùi, trong khi phần lớn công ty chứng khoán tham gia làn sóng tăng vốn mạnh mẽ của ngành trong 2 năm trước, khiến cổ phiếu chứng khoán chịu áp lực pha loãng lớn.

Bên cạnh đó, kế hoạch tăng vốn của các công ty chứng khoán cũng gặp khó hơn trong bối cảnh hiện nay.

Chẳng hạn, Chứng khoán APG đặt mục tiêu vào nhóm 10 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thông qua phương án phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông (tỷ lệ 1:1) với mức trên mệnh giá. Tuy nhiên, với giá cổ phiếu trên sàn đã xuống dưới 3.000 đồng, cùng kết quả kinh doanh thua lỗ, mục tiêu trên trở nên xa vời.

Trong khi đó, bên cạnh việc hạ mục tiêu lợi nhuận, Chứng khoán KS còn khẳng định không tăng vốn, đồng thời giảm quy mô nhân sự và hoạt động mua sắm đầu tư so với kế hoạch kinh doanh ban đầu.

Rõ ràng, kế hoạch kinh doanh của các công ty chứng khoán đã không lường đến diễn biến bi thảm như hiện tại.

Tăng trưởng lợi nhuận của công ty chứng khoán chững lại
Trái với sự khởi sắc hồi quý II/2021, lợi nhuận khối các công ty chứng khoán khó vượt mức nền cao cùng kỳ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư