Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học: Khoản nợ “dây chuyền” ngày càng phình to
Nhiệt Băng - 12/03/2023 11:30
 
Vì sao các khoản nợ của Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học ngày càng phình to và không có phương thức xử lý.
Cây giống sầu riêng thuần chủng DONA là một trong những sản phẩm nông nghiệp được Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học chuyển giao cho nông dân
Cây giống sầu riêng thuần chủng DONA là một trong những sản phẩm nông nghiệp được Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học chuyển giao cho nông dân.

Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện một số dự án về chuyển giao công nghệ giống cây ăn quả cao cấp và đầu tư cho nông dân. Các dự án này đã góp phần hỗ trợ nông dân tại 5 huyện/thành phố của tỉnh Lâm Đồng nâng cao đời sống kinh tế, nhưng cũng để lại các khoản nợ vay “dây chuyền” ngày càng phình to.

Nợ dây chuyền

Trong giai đoạn năm 1999 - 2001, Chi nhánh Quỹ Hợp tác phát triển (nay là Sở Giao dịch II - Ngân hàng Phát triển Việt Nam đóng tại TP.HCM) đã cho Công ty Phát triển công nghệ sinh học (nay là Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học, tại số 557 - đường 21/4, phường Xuân Bình, TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) vay vốn thực hiện 2 dự án: Nhập chuyển giao công nghệ giống ăn quả cao cấp và đầu tư cho nông dân phát triển sản xuất (năm 1997); Mở rộng chuyển giao công nghệ và đầu tư cho nông dân phát triển sản xuất (năm 2001), với số tiền hơn 40 tỷ đồng.

Trong đó, vốn vay được Công ty sử dụng nhập, ươm cây giống, mua phân bón, thuốc trừ sâu, mua máy bơm, ống tưới… để đầu tư (giao) cho các hộ dân trên địa bàn các huyện/thành phố Bảo Lộc, Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) theo các hợp đồng kinh tế với tổng số tiền hơn 9,3 tỷ đồng.

Tại Công văn số 835/UB ngày 2/4/2001 của UBND tỉnh Lâm Đồng và Công văn số 2236/UBT ngày 2/6/1999 của UBND tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố thống nhất kế hoạch, biện pháp và tổ chức thực hiện dự án đầu tư, chuyển giao giống cây ăn quả trên địa bàn các tỉnh.

Để tổ chức thực hiện dự án, Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học đã phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục pháp lý, như thành lập Ban Quản lý dự án tại các huyện, thành lập Tổ Quản lý dự án cấp xã, thành lập Tổ liên đới sản xuất, hợp đồng kinh tế được ký 4 bên với các thành phần: Công ty, Tổ liên đới, UBND xã và từng hộ dân vay vốn.

Theo Sở Giao dịch II - Ngân hàng Phát triển Việt Nam, tính đến ngày 28/2/2022, Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học còn nợ ngân hàng này hơn 91,8 tỷ đồng (trong đó, nợ gốc hơn 26,2 tỷ đồng, nợ lãi hơn 65,5 tỷ đồng).

 
Trong khi đó, theo số liệu Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học cung cấp cho ngân hàng này, tính đến ngày 31/12/2021, các hộ dân được Công ty cho vay để thực hiện Dự án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn nợ Công ty hơn 9 tỷ đồng tiền gốc và hơn 20 tỷ đồng tiền lãi.

Phương thức cho vay được ràng buộc bởi các bên vay vốn thông qua hợp đồng kinh tế. Trong đó, UBND xã có trách nhiệm đảm bảo về quyền sử dụng đất hợp pháp của bên nhận đầu tư; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các thành viên của bên nhận đầu tư vay vốn từ các nguồn vốn tín dụng khác để chăm sóc cây trồng từ năm thứ 2 trở đi; có biện pháp hữu hiệu, tích cực cùng Công ty bảo toàn và thu hồi đúng hạn vốn đầu tư; đến kỳ trả nợ, nếu các thành viên của bên nhận đầu tư không trả nợ, UBND xã phải có trách nhiệm phối hợp với Công ty phát mãi tài sản của bên nhận đầu tư để thu hồi vốn.

Còn Ban Quản lý dự án huyện có trách nhiệm giám sát việc nhận và sử dụng đầu tư đúng mục đích; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các bên trong suốt quá trình đầu tư.

Trong khi đó, Tổ liên đới vay vốn sản xuất có trách nhiệm nhận, sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích và có hiệu quả; trồng và chăm sóc cây đúng quy trình kỹ thuật được chuyển giao; chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu cây chết do thiên tai, dịch họa, trộm cắp, phá phách do người và súc vật, chăm sóc không đúng kỹ thuật; không được nhân giống cây dưới mọi hình thức nếu không có sự đồng ý của Công ty và cơ quan quản lý giống…

Sở Giao dịch II - Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho rằng, Dự án Nhập chuyển giao công nghệ và mở rộng chuyển giao công nghệ giống ăn quả cao cấp và đầu tư cho nông dân phát triển sản xuất được xem là một chương trình phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển sản xuất hàng hóa, mang lại nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, bảo vệ môi trường và tạo nguồn hàng hóa tập trung cho chiến lược xuất khẩu cây ăn quả. Chính vì thế, từ khi Dự án được triển khai và đi vào hoạt động đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương.

Việc đầu tư và chuyển giao công nghệ cây ăn quả chất lượng cao đã tạo ra các loại giống mới cho trái chất lượng cao hơn các giống nội địa cùng loại, đưa khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp - nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo chiều sâu; tạo việc làm và thay đổi tư duy người dân theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp bà con làm giàu, xóa đói, giảm nghèo, tạo nên bộ mặt nông thôn mới.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, do ảnh hưởng của thời tiết và nhiều nguyên nhân khác, người dân chưa trả được nợ cho Công ty theo hợp đồng đã ký, dẫn đến Công ty chưa trả được nợ vay cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, với nợ gốc quá hạn kéo dài, lãi quá hạn ngày càng tăng cao.

Các bên phải “ngồi lại”

Thời gian qua, Sở Giao dịch II - Ngân hàng Phát triển Việt Nam liên tục có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị hỗ trợ thu nợ, xử lý nợ của Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học. Mới đây nhất, ngày 24/2/2023, Phó giám đốc Sở Giao dịch II - Ngân hàng Phát triển Việt Nam Trịnh Thanh Dương đã ký văn bản, gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tối đa để sớm thu hồi nợ vay cho Nhà nước hoặc có cơ sở phối hợp/tổng hợp các hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro theo quy định.

Sở Giao dịch II - Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho biết: “Vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam là vốn nhà nước, nên quy trình xử lý cũng tương đồng với vốn ngân sách và rất chặt chẽ, qua nhiều cấp, nhiều ngành và chỉ được xử lý khi không còn khả năng thu, quy trách nhiệm rõ ràng”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, ngày 31/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/QĐ-TTg về Đề án Cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố hỗ trợ Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện xử lý nợ.

Trong năm 2021, Sở Giao dịch II đã tiến hành xử lý các khoản nợ tồn đọng của các hộ nông dân đã nhận đầu tư (vay vốn) của Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền địa phương này. Sở Giao dịch II - Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ công tác thu nợ, xử lý nợ tương tự tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng khôi phục hoạt động của Ban Quản lý dự án của các huyện, Tổ Quản lý dự án cấp xã, Tổ liên đới sản xuất theo các quyết định thành lập trước đây.

Sở Giao dịch II - Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho UBND các huyện/thành phố (Bảo Lộc, Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng) trong việc hỗ trợ Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học thực hiện thu hồi, xử lý nợ của các hộ dân và xem như một nhiệm vụ chính trị cần được tổ chức thực hiện theo hướng chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học và Sở Giao dịch II - Ngân hàng Phát triển Việt Nam tổ chức họp dân để thống nhất việc trả nợ, thu hồi nợ phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế của từng hộ dân; xác định danh sách các hộ dân không còn khả năng trả hết nợ, chết, mất tích, đã đi khỏi nơi cư trú… để làm cơ sở đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý rủi ro theo quy định của Nhà nước.

Sở Giao dịch II - Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học có trách nhiệm cung cấp hồ sơ vay vốn của từng hộ dân đã vay vốn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, xác định cụ thể số tiền nợ (gốc, lãi) mà các hộ dân còn phải trả gửi UBND các huyện/thành phố (Bảo Lộc, Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng); đồng thời rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của từng hộ dân; chi trả các chi phí có liên quan trong quá trình thu nợ, xử lý nợ.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phối hợp, hỗ trợ Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học xử lý thu hồi nợ của người dân trên địa bàn được đầu tư từ Dự án; theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình triển khai và kết quả thực hiện”, Sở Giao dịch II - Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng.

Liên quan đến khoản nợ “dây chuyền” xảy ra tại Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học, theo kiến nghị của Sở Giao dịch II - Ngân hàng Phát triển Việt Nam, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh này và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, hoặc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý.

Lúng túng trong xử lý tài sản hậu cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy
Đang có những lúng túng trong việc khắc phục sai sót liên quan đến hạng mục đầu tư, nâng cấp cảng Việt Trì và Ninh Phúc khi cổ phần hóa Tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư