Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: Gập ghềnh đường trở lại vinh quang
Phi Vũ - 12/03/2021 09:59
 
Dù có một số dấu hiệu tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng đường trở lại đỉnh vinh quang vẫn còn rất xa đối với Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.

Hiệu quả đến từ cơ cấu lại

Kết thúc năm 2020, Lâm Thao đạt doanh thu thuần 2.294 tỷ đồng, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vậy, năm 2020 có thể xem là năm khá thành công của Lâm Thao khi lợi nhuận sau thuế đạt 7,6 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm trước. Đây là kết quả khả quan của Lâm Thao nói riêng và các doanh nghiệp ngành phân bón nói chung trong bối cảnh chịu đồng thời tác động kép từ đại dịch Covid-19 và El Nino.

Mức lãi sau thuế cải thiện đáng kể đến từ việc cơ cấu lại chi phí hoạt động của Lâm Thao. Cụ thể, chi phí tài chính đã giảm mạnh 90%, xuống còn gần 1,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Chi phí bán hàng cũng giảm 40%, tương đương 48,4 tỷ đồng. Khoản phải thu, là chỉ số ghi nhận mức giảm lớn nhất khi đạt mốc gần 50%, xuống còn hơn 800 tỷ đồng. Điều này kéo trị giá hàng tồn kho cũng giảm 28,7%, về mức 583 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, các nhà đầu tư cổ phiếu LAS vẫn chưa thể vui mừng vì lợi nhuận sau thuế năm 2020 tuy nhỉnh hơn năm 2019, nhưng nhìn chung vẫn chưa chặn được đà suy giảm diễn ra từ năm 2018.

Được thành lập vào năm 1962, Lâm Thao là một trong không nhiều doanh nghiệp có bề dày hoạt động ở Việt Nam. Thời điểm đó, công suất ban đầu của nhà máy là 40.000 tấn axit sunfuric/năm và 100.000 tấn supe lân/năm.

Từ đó đến nay, Lâm Thao đã liên tục nâng cao công suất, đầu tư thêm hệ thống đóng bao bì tự động và tiến hành sản xuất thêm sản phẩm phân bón hỗn hợp NPK. Năm 2016, Lâm Thao  quyết định đầu tư thêm dây chuyển sản xuất NPK số 4 với công suất thiết kế 150.000 tấn/năm. Đây cũng là lúc doanh thu và lợi nhuận của Lâm Thao bắt đầu đi xuống.

Sản phẩm phân bón supe lân của Công ty được tiêu thụ với sản lượng lớn tại thị trường miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và một phần miền Nam. Nhưng trong giai đoạn 2016 - 2019, lượng tiêu thụ supe lân của Lâm Thao giảm bình quân gần 8%/năm.

Trong khi đó, cạnh tranh giữa phân bón ngoại với phân bón nội ngày càng gay gắt. Sản lượng tiêu thụ phân bón của các doanh nghiệp sản xuất trong nước giảm đi rõ rệt, hàng tồn kho nhiều.

Ngoài ra, Luật 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế đã và đang tiếp tục ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước. Phần thuế giá trị gia tăng đầu vào của các nguyên liệu, vật tư cho sản xuất và cho đầu tư, sửa chữa máy móc thiết bị không được khấu trừ, phải đưa vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm phân bón.

Nỗi lo năng lực cạnh tranh

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung về thuế giá trị gia tăng, trong đó có ảnh hưởng đến sản phẩm phân bón mặc dù đã được triển khai từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện để đưa ra Quốc hội thảo luận.

“Nếu phân bón chịu thuế giá trị gia tăng 5% thì Lâm Thao có thể được hoàn tương ứng khoảng 70 tỷ đồng mỗi năm, từ đó giúp giảm giá bán và thực hiện các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ khách hàng, gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm”, ông Phạm Quang Tuyến, Chủ tịch HĐQT Công ty Lâm Thao nói.

Năm 2021, nhu cầu phân bón được dự báo tăng trưởng trở lại nhờ thời tiết thuận lợi. Bên cạnh đó, sau 2 năm Lâm Thao đã có những bước tái cơ cấu mạnh về chính sách bán hàng và mạng lưới đại lý phân phối.

Mặc dù vậy, Công ty chứng khoán Vietcombank vẫn thận trọng đưa ra kịch bản sản lượng kinh doanh của Lâm Thao tăng trưởng nhẹ ở mức 7%, cao hơn 2 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng của ngành.

Dù Lâm Thao đang là doanh nghiệp có thị phần NPK thứ 2 ở Việt Nam, nhưng năng lực cạnh tranh đang bị giảm đi nhanh chóng so với các doanh nghiệp cùng ngành. Công nghệ sản xuất phân bón của Lâm Thao đã lạc hậu so với công nghệ hiện đại của đối thủ, khiến chất lượng và giá thành khó có thể cạnh tranh được.

Sụt giảm lợi nhuận 2 năm gần đây của Lâm Thao còn đến từ mức chiết khấu và đại lý phân phối từ các đối thủ khác. Công ty đang trong quá trình tái cơ cấu xây dựng lại chính sách bán hàng. Điều này sẽ trực tiếp khiến biên lợi nhuận gộp giảm mạnh.

Chính vì thế, dù là doanh nghiệp có sự thay đổi lớn nhất về kết quả lợi nhuận so với các doanh nghiệp trong ngành khi thay đổi luật thuế giá trị gia tăng, thì Lâm Thao vẫn ít lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác, dẫn đến lợi thế về việc thay đổi thuế khó có thể phát huy trong dài hạn.

Nhìn chung, Công ty sẽ phải tiếp tục với chiến lược hy sinh lợi nhuận để gia tăng sản lượng bán hàng trong dài hạn. Chính vì thế, con đường trở lại đỉnh vinh quang giai đoạn 2016 - 2018 sẽ còn rất xa.

Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thuế giá trị gia tăng đối với phân bón
Tại kỳ họp thứ 11 chưa trình Quốc hội khóa XIV xem xét dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư