Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Công viên nước Đầm Sen: Kinh doanh đình trệ, Covid-19 nuốt trọn nguồn thu
Lâm Vũ - 17/08/2021 08:06
 
Kết quả kinh doanh của CTCP Công viên nước Đầm Sen đang chịu tác động nặng từ các đợt giãn cách xã hội, khiến hoạt động cung cấp dịch vụ vui chơi, giải trí của Công ty phải đóng cửa.
Công viên nước Đầm Sen đang đối diện nguy cơ mất doanh thu trong quý III - mùa cao điểm kinh doanh.

Kinh doanh đình trệ

Kết thúc quý II/2021, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen (Công viên nước Đầm Sen) cho thấy, doanh thu thuần đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá vốn giảm hơn 50% nhờ Công ty được tính tiền thuê đất theo giá khu vui chơi, giải trí. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Công ty ghi nhận 23,8 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 32,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng gấp hơn 4 lần, đạt 3,98 tỷ đồng.

Dù lợi nhuận tăng trưởng mạnh, song chưa thể khiến nhà đầu tư an tâm, bởi động lực tăng trưởng chủ yếu từ nền tảng thấp trong năm 2020, khi Công ty đã ghi nhận kết quả kinh doanh thấp nhất trong vòng 10 năm, với doanh thu thuần 84,2 tỷ đồng, giảm 61,6% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 41,2 tỷ đồng, giảm đến 45%. Lượng khách năm 2020 giảm 63,4% so với năm 2019 do các đợt bùng phát Covid-19, khiến Công viên phải đóng cửa.

Bước sang năm 2021, tình hình trở nên khó khăn hơn, sau khi đợt bùng phát dịch bệnh vào cuối tháng 1/2021, khiến hoạt động vui chơi giải trí tại Công ty tạm dừng hoạt động trong gần 1 tháng. Tiếp theo, đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư hiện nay đẩy bức tranh kinh doanh của Công ty rơi vào tỉnh cảnh khó khăn hơn.

Cụ thể, từ ngày 4/5/2021, Công viên nước Đầm Sen đã ra thông báo tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn chống dịch Covid-19. Với hoạt động kinh doanh nằm trong địa bàn TP.HCM, việc dịch bệnh phức tạp kéo dài, đến nay vẫn chưa được kiểm soát và cơ quan quản lý nhà nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly mạnh tay đã khiến thời điểm mở cửa đón khách trở lại khó có thể diễn ra trong quý III/2021.

Ảnh hưởng bởi việc đóng cửa này, sau khi mất 2/3 doanh thu trong quý II/2021, Công viên nước Đầm Sen đang đối diện nguy cơ mất tiếp doanh thu trong quý III - mùa cao điểm kinh doanh. Thậm chí, doanh nghiệp có thể phải báo lỗ do không có nguồn thu trong khi vẫn phát sinh chi phí.

Lường trước nguy cơ diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Công ty đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 theo 2 kịch bản.

Trong phương án 1, doanh thu năm 2021 dự kiến là 157 tỷ đồng, tăng 86,5% so với thực hiện năm 2020 và tỷ lệ cổ tức tối thiểu cho cổ đông là 36%.

Trong kịch bản 2, doanh thu dự kiến đạt 97 tỷ đồng, tăng 15,2% so với thực hiện năm 2020 và tỷ lệ cổ tức tối thiểu là 15%.

Dù cả 2 kế hoạch đều được đánh giá là khá thận trọng, nhưng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, khả năng hoàn thành được đánh giá là khó khăn.

Thiếu động lực tăng trưởng

Công viên nước Đầm Sen đang hoạt động trong 2 mảng kinh doanh. Mảng thứ nhất là dịch vụ giải trí tại Công viên nước và Công viên Khủng long. Đây là nguồn đóng góp chính cho doanh thu và lợi nhuận. Mảng thứ hai là dịch vụ ăn uống, phục vụ hội nghị, tiệc cưới…

Thực tế, trước khi dịch Covid-19 bùng phát và khiến kết quả kinh doanh năm 2020 sụt giảm, thì triển vọng kinh doanh của Công viên nước Đầm Sen cũng đã bị đánh giá thiếu động lực tăng trưởng bởi không có nhiều đổi mới để thu hút du khách, trong khi các trung tâm thương mại lớn với các khu vui chơi mới lạ xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành đối thủ cạnh tranh đáng kể thu hút khách tham quan. Kết quả kinh doanh của Công viên nước Đầm Sen phần nào phản ánh điều này, khi doanh thu thuần năm 2019 (khi chưa xuất hiện dịch bệnh) chỉ tăng 1,3% so với năm 2018, lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ 0,3%.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi chững lại, Công viên nước Đầm Sen đã có kế hoạch đầu tư công viên nước thứ hai. Nguồn lực tài chính mạnh với số dư tiền tích lũy dồi dào, cấu trúc vốn hoàn toàn không có vay nợ, dòng tiền kinh doanh thặng dư được đánh giá là chỗ dựa vững chắc để đầu tư. Tuy vậy, theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, dù đã lập đề xuất dự án, nhưng còn phải chờ chủ trương từ cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó, việc thay đổi các trò chơi trong công viên hiện hữu khó có khả năng thực hiện, do diện tích eo hẹp, phải ngưng hoạt động thời gian dài.

Trong bối cảnh đó, Công ty đã tìm hướng thử nghiệm sang lĩnh vực mới, như sản xuất rượu từ trái thanh long và nhiều sản phẩm khác tại Phan Thiết, Bình Thuận để xuất khẩu sang Nhật Bản; nghiên cứu vi sinh (ứng dụng trong việc xử lý môi trường, nuôi trồng thủy - hải sản, cải tạo đất phục vụ nông nghiệp…). Tuy nhiên, đóng góp của hoạt động kinh doanh mới còn rất khiêm tốn.

Ảm đạm kế hoạch kinh doanh của ông chủ công viên nước Đầm Sen
Ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là các đợt giãn cách, khiến CTCP công viên nước Đầm Sen sụt giảm mạnh các chỉ tiêu kinh doanh. Doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư