Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Cử tri đánh giá cao việc tích lũy hơn 500.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương
Nguyễn Lê - 21/10/2023 09:21
 
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội.
.
Ảnh minh họa .

Chuẩn bị Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 23/10 tới, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp.

Về phục hồi và phát triển kinh tế, báo cáo phản ánh, cử tri và nhân dân đánh giá cao Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ, các giải pháp; huy động được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát thực tiễn, thành lập nhiều tổ công tác đôn đốc các cấp, các ngành triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài tuy chưa đạt kế hoạch nhưng đều cao hơn cùng kỳ năm 2022. Mặt bằng lãi suất ngân hàng cả tiền gửi và tiền cho vay theo xu hướng giảm, cơ bản giữ được giá trị của đồng tiền Việt Nam. Vật tư, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của Nhân dân và doanh nghiệp được bảo đảm.

Kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm; giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam; giải ngân vốn đầu tư công tuy chưa đạt kế hoạch nhưng tăng 5% (tương đương 110 ngàn tỷ đồng), đã hoàn thành hơn 650 km đường cao tốc; tích lũy đủ tài chính (hơn 500.000 tỷ đồng) để thực hiện cải cách tiền lương.

Song cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về kinh tế có tăng trưởng nhưng tốc độ còn chậm và thiếu tính ổn định, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm lớn. Hiệu quả sử dụng vốn doanh nghiệp còn thấp, chỉ số quay vòng vốn chỉ đạt 0,6 lần; chỉ số nợ toàn bộ khu vực doanh nghiệp khá cao .

Số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường còn lớn, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn bấp bênh, mặt bằng lãi suất giảm nhưng vẫn khó vay được vốn. Giá cả vật tư, nguyên vật liệu cho sản xuất còn cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; thu ngân sách Nhà nước gặp khó khăn; triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tình trạng một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng phải tiếp tục cắt giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, nợ bảo hiểm xã hội, chế độ lương thưởng thấp, không ổn định đã ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận công nhân, người lao động.
Vấn đề việc làm đối với sinh viên mới ra trường vẫn còn không ít khó khăn. Một bộ phận lao động nông thôn đi làm công nhân ở thành phố, đô thị bị mất việc làm lại quay về dẫn đến nhiều khó khăn, phức tạp về việc làm, đời sống, an sinh xã hội ở nông thôn, theo báo cáo, cũng là những vấn đề khiến cử tri lo lắng. 

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản ánh, cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về vốn, thị trường xuất khẩu, nhất là xuất khẩu hàng nông sản.

Đồng thời cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng giảm giá xăng dầu theo lộ trình, bình ổn giá phù hợp với từng giai đoạn.

Cử tri cũng mong có các giải pháp hiệu lực, hiệu quả tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn tín dụng để phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh trong tình hình hiện nay.

Người dân cũng mong muốn vay vốn từ các gói hỗ trợ của nhà nước để phục hồi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người dân; tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2024.

Theo báo cáo, cử tri phản ánh hiện nay nhiều doanh nghiệp tuyển mới người lao động thường có thỏa thuận tạm chưa ký hợp đồng vài tháng, không đóng bảo hiểm xã hội để nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp, người lao động vẫn khai báo chưa có việc làm nhưng trên thực tế đã có việc làm và có hưởng lương.

Sau khi nhận xong tiền trợ cấp của bảo hiểm thất nghiệp thì tiến hành ký lùi hợp đồng lao động với công ty để tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động. Đây là hành vi trục lợi ngân sách quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang xảy ra rất nhiều dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến tranh chấp lao động cá nhân. Cử tri kiến nghị Nhà nước có chế tài mạnh hơn để răn đe doanh nghiệp và người lao động có hành vi trục lợi.

Sau năm 2024 sẽ điều chỉnh tăng thêm 5-7% tiền lương
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội hồi âm quan tâm của báo chí về nội dung trình Quốc hội liên quan đến cải cách tiền lương.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư