Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cửa mở từ Vân Đồn
Bảo Như - 04/02/2019 15:10
 
Thành công của Sun Group tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ giúp tìm lại sự sôi động, sầm uất của vùng đất từng là một trung tâm giao thương lớn cách đây hơn 9 thế kỷ, đồng thời mang đến một hình mẫu mới cho phát triển kinh tế tư nhân.
Sân bay Vân Đồn với mái vòm nhà ga màu đỏ cam rực rỡ, tựa như những cánh buồm no gió xếp chồng lên nhau hướng ra biển lớn.
Sân bay Vân Đồn với mái vòm nhà ga màu đỏ cam rực rỡ, tựa như những cánh buồm no gió xếp chồng lên nhau hướng ra biển lớn.

Xanh hóa vùng di sản

Không biết do tình cờ hay bắt nguồn từ sự chu đáo, kỹ tính vốn từ lâu đã thành thương hiệu của Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group), chuyến bay thương mại đầu tiên khai trương Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được xuất phát từ TP.HCM - đầu tàu kinh tế, thương mại và du lịch sôi động nhất nước.

Đúng 9h25 ngày 30/12/2018, chiếc Airbus321 NEO hiện đại mang số hiệu VN9716 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) chở Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và những vị khách đặc biệt đã hạ cánh an toàn tại Sân bay Vân Đồn, mang theo hơi ấm, sự sôi động từ phương Nam, như làm thức tỉnh cả huyện đảo Vân Đồn khi ấy vẫn đang chìm trong mưa phùn, rét ngọt.

Ngoài Sân bay Vân Đồn, trong ngày hôm đó còn có 2 công trình hạ tầng lớn khác do Sun Group đầu tư tại Quảng Ninh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ bấm nút khánh thành. Đó là Dự án Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long và Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Đây đều là những công trình hạ tầng giao thông được lãnh đạo tỉnh kỳ vọng là cánh cửa mở ra với thế giới và làm sống lại sự sôi động, sầm uất xa xưa của thương cảng Vân Đồn.

Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép rằng, năm 1149, vua Lý Anh Tông đã quyết định thành lập Vân Đồn là thương cảng đầu tiên của Việt Nam. Trên thực tế, trong hàng trăm năm sau đó, Vân Đồn đã là thương cảng lớn, trung tâm giao thương quốc tế có vị trí quan trọng đặc biệt.

Do nhiều yếu tố khách quan, thương cảng Vân Đồn đã dần mất vai trò của mình và để khai khoáng lên ngôi từ cuối thế kỷ XIX.

Tuy nhiên, từ năm 2015, với chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế “từ nâu sang xanh”, trở thành trung tâm du lịch quốc tế và một trong những đầu tàu kinh tế vào năm 2020, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ 3 đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể đón những “đàn sếu” lớn trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghệ cao, cảng biển về làm tổ.

Trên thực tế, những chỉ dấu của sự chuyển dịch từ nâu sang xanh bắt đầu rõ nét hơn trong 1 - 2 năm trở lại đây, khi ngày càng nhiều khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi đẳng cấp thế giới xuất hiện, làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh. Khách du lịch không chỉ biết đến di sản thiên nhiên Hạ Long, mà còn biết đến Sun World Hạ Long Complex, Vinpearl Hạ Long Resort & Spa…

Hai công trình hạ tầng vừa được khánh thành là Sân bay Vân Đồn và Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long, với những nét đặc sắc về kiến trúc, tính thẩm mỹ cao…, cũng đang trở thành niềm tự hào mới của Quảng Ninh.

Như những sản phẩm duy mỹ, hoàn hảo tới từng chi tiết, làm ngẩn ngơ du khách, Sân bay Vân Đồn thực sự là một “resort hàng không” với nhiều khoảng xanh mát mắt, ngập tràn không gian đón nắng và gió biển. Nổi bật giữa mênh mang sóng nước của vịnh Bái Tử Long, Sân bay Vân Đồn với mái vòm nhà ga màu đỏ cam rực rỡ, tựa như những cánh buồm no gió xếp chồng lên nhau hướng ra biển lớn.

Trong khi đó, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long được ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá là vượt ra khỏi tính chất, khuôn khổ của một công trình dân dụng hàng hải.

Du khách khi đến cảng sẽ có một “hành trình” đầy ấn tượng khi bắt gặp vẻ bên ngoài nhà ga như một góc phố cổ Hội An bên vịnh Hạ Long, nhưng bên trong lại sang trọng và bí ẩn như tầng hầm của con tàu biển thế kỷ XIII.

“Tôi nghĩ, nhà đầu tư đã đặt họ ở vai hành khách dù đầu tư cho cái đẹp luôn đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Có như vậy mới thu hút, tạo ấn tượng ngay từ cái nhìn, bước chân đầu tiên với khách du lịch quốc tế”, TS. Cao Duy Tiến, Trưởng nhóm chuyên gia thuộc Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đánh giá.

Đẹp, nhanh, tốt, rẻ

Nếu tính từ khi Sân bay Vân Đồn được khởi công vào tháng 9/2015 đến khi chiếc máy bay King Air B350 hạ cánh trên đường băng của sân bay này, thời gian thi công công trình chỉ mất khoảng 2 năm.

Đây là quãng thời gian rất hạn hẹp để UBND tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư Sun Group hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ, từ huy động vốn, san lấp mặt bằng, đến thi công đường băng dài 3,6 km, xây dựng nhà ga 2 cao trình hiện với đại công suất 2,5 triệu hành khách/năm, đài kiểm soát không lưu, hệ thống sân đỗ tàu bay…

Không chỉ nhanh về tiến độ, kết quả kiểm định chất lượng công trình do Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước công bố cho thấy, kích thước hình học, vật liệu đầu vào, thành phần hạt, độ chặt các lớp kết cấu mặt đường đã đáp ứng, thậm chí vượt xa yêu cầu của chỉ dẫn kỹ thuật.

Những yếu tố đẹp, nhanh, tốt, rẻ - vốn tưởng như khó có thể đi cùng nhau trong một công trình hạ tầng tại Việt Nam, lại bất ngờ đồng hành tại sân bay do tư nhân xây dựng này.

Ông Cao Duy Tiến, vị chuyên gia khả kính, vốn có tiếng là khắt khe, đã dành sự tôn trọng đặc biệt đối với đơn vị chủ cảng vốn không có kinh nghiệm trong đầu tư công trình hạ tầng vừa lớn về quy mô, vừa phức tạp về kỹ thuật như Sân bay Vân Đồn.

“Dự án này do doanh nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn của mình. Họ trân trọng từng đồng vốn bỏ ra, nên họ phải đảm bảo tiến độ nhanh với chất lượng tốt nhất để sớm đưa vào khai thác”, ông Tiến đánh giá và cho biết, chi phí đầu tư Sân bay Vân Đồn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, do chủ đầu tư chọn được nhà thầu tốt và tổ chức đấu thầu rất công khai, nên có được mức giá hợp lý cho các gói thầu.

“Điều tôi ấn tượng nhất là chủ đầu tư tiếp thu và hoàn thiện các hạng mục rất nhanh, với tinh thần trách nhiệm cao. Có những hạng mục, theo tiêu chuẩn chỉ cần đạt một tỷ lệ nhất định, nhưng để chắc chắn, họ đã làm vượt cả mức 100%. Có lẽ, đây chính là sự khác biệt giữa chủ đầu tư nhà nước và chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân”, ông Tiến đánh giá.

Được biết, chỉ tính riêng tổng mức đầu tư 3 dự án do Sun Group đầu tư tại Quảng Ninh đã lên tới 20.000 tỷ đồng, chiếm hơn 60% nguồn vốn mà tỉnh này huy động được để phát triển hạ tầng trong 3 năm qua (2015 - 2018).

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group cho biết, việc nhà đầu tư này mạnh dạn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng vào 3 dự án hạ tầng giao thông động lực trên với nhiều khó khăn phức tạp trong công tác thi công, cần nhiều vốn và lâu hoàn vốn vì hiểu rằng, hạ tầng du lịch có vai trò quyết định trong việc thúc đẩy tăng trưởng du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội cả một vùng đất nói chung.

Đã có nhiều người thử lý giải về thành công của Quảng Ninh trong việc kêu gọi vốn đầu tư tư nhân trong phát triển kết cấu hạ tầng. Đó là cơ chế chính sách thông thoáng, minh bạch; chính quyền địa phương chung tay, coi việc của nhà đầu tư là việc của mình trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc?

Những câu trả lời này, nói như Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là đúng, nhưng chưa đủ. Yếu tố then chốt mang lại thành công cho Quảng Ninh, theo ông Thể, là việc tỉnh này đã thuyết phục được những nhà đầu tư lớn, có tâm và tầm thực sự để đồng hành trong hành trình mang lại thịnh vượng cho mảnh đất nhiều tiềm năng này.

“Tầm nhìn, trách nhiệm của các đồng chí, những người đã có được học hành tử tế, có trách nhiệm với Tổ quốc đã được thể hiện qua những công trình cụ thể thật đáng được biểu dương. Đây cũng chính là kinh tế tư nhân có trách nhiệm xã hội mà chúng ta mong muốn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các dự án của Sun Group.

Vĩ thanh

Trên thực tế, thành công bước đầu của Sun Group, Vingroup, Vietjet không chỉ mang đến những gợi mở về phát triển kinh tế tư nhân, mà còn đem lại hình mẫu, cảm hứng to lớn cho nhiều người trẻ trên bước đường khởi nghiệp làm giàu chính đáng, có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc. Như lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại lễ khánh thành Sân bay Vân Đồn, đó không chỉ là ước mơ đưa Việt Nam sớm thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, mà còn là khát vọng làm rạng danh đất nước bằng sự tỏa sáng của trí tuệ Việt, của những sản phẩm đẳng cấp chinh phục bạn bè thế giới.

Sẽ còn một chặng đường dài, gian nan để đưa Vân Đồn trở thành thành phố du lịch đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hay một trung tâm dịch vụ hậu cần đẳng cấp thế giới, trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa vào khu vực Đông Nam Á, nhưng nếu Quảng Ninh có thêm được những “con sếu” lớn như Sun Group, Vingroup về làm tổ…, thì mục tiêu này sẽ không quá xa vời.

Niềm tin về một tương lai tươi sáng cho Khu kinh tế Vân Đồn như hiển hiện hơn khi đứng ở Sân bay Vân Đồn - cảm nhận không khí Xuân mới ấm áp đang về sớm hơn thường lệ, với những cánh mai vàng trên những chuyến bay cuối năm.

Sân bay Vân Đồn lấy cảm hứng từ những cánh buồm no gió

Theo các chuyên gia NACO (Công ty tư vấn xây dựng thiết kế sân bay Hà Lan) - đơn vị tư vấn thiết kế Dự án, việc Dự án Sân bay Vân Đồn lấy cảm hứng từ những cánh buồm no gió đã giúp công trình dân dụng có lối kiến trúc mang đậm dấu ấn bản địa và trở thành nhà ga hàng không ấn tượng nhất Việt Nam cũng như trong khu vực.

Chuyên gia Hà Lan: Sân bay Vân Đồn hiện đại nhất Việt Nam
“Quảng Ninh đang có những kế hoạch lớn để phát triển kinh tế và du lịch trong tương lai. Do đó, chúng tôi tin rằng, sân bay Vân Đồn sẽ trở thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư