Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Cục Trồng trọt: Hiện tượng nông dân đổ bỏ xu hào, củ cải chỉ là cục bộ
Thùy Liên - 16/03/2018 15:47
 
Trước tình trạng nông dân sản xuất rau vụ Đông tại nhiều địa phương đang phải đổ bỏ rau vì không bán được, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã trao đổi thêm với báo chí về vấn đề này.
Việc nông dân phải chặt bỏ củ cải già, quá lứa do không tiêu thụ được chỉ là cá biệt
Hiện tượng nông dân phải chặt bỏ củ cải già, quá lứa chỉ là cục bộ

Được mùa, được giá, nông dân trồng rau lãi lớn

Nguyên nhân khiến rau “ế” thời gian gần đây, theo ông Sơn, không phải do nông dân ồ ạt mở rộng diện tích mà chủ yếu do được mùa.

Ông Nguyễn Hồng Sơn: Tỷ lệ rau quả qua chế biến của Việt Nam còn rất thấp. Trong lĩnh vực cây ăn quả, tỷ lệ qua chế biến mới đạt 4%.Theo dự kiến năm nay chúng ta sẽ có khoảng 8 nhà máy chế biến được xây dựng với công suất khoảng 1-1,2 triệu tấn, như vậy từng bước sẽ được cải thiện dần. Tuy vậy, chế biến rau quả vẫn còn sơ khai và chưa thể sớm cải thiện, bởi phần lớn vẫn là tiêu thụ nội địa và tươi sống.

Cụ thể, năm nay, theo kế hoạch, cả nước sẽ sản xuất 420.000ha cây vụ Đông, nhưng thực tế đến thời điểm này diện tích trồng cây vụ Đông chỉ đạt 400.000ha, trong đó diện tích rau của cả nước là 190.000ha, chỉ vượt 2.000 ha so với năm 2017-2017.  Diện tích vượt không lớn, song năm nay vụ Đông hết sức thuận lợi về thời tiết nên năng suất rau tăng xấp xỉ 10%.

Điều đặc biệt, theo ông Sơn, là dù năm nay được mùa nhưng rau khá được giá suốt thời gian dài (từ tháng 9/2017 đến giữa tháng 2 – trước Tết). Xét cả năm, giá rau vẫn tăng trung bình 15%.

“Hôm qua chúng tôi đã phỏng vấn và nhiều nông dân đã công nhận đã có 1 năm rau vụ đông được giá, kéo rất dài, ổn định. Nhờ đó, thu nhập sản xuất rau vụ đông năm nay tăng khoảng 20% so với các năm trước. Cho đến đầu tháng 3/2018, tất cả nông dân trồng rau rất phấn khởi”, ông Sơn cho hay.

ong Sơn
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)

Theo thông tin mà Cục Trồng trọt thu thập được, tại các vùng trồng su hào và bắp cải, nông dân trồng 1 lứa có thể thu nhập 7-9 triệu đồng/sào Bắc bộ, tương đương 190-230 triệu đồng/ha và sau 2 lứa trồng (45-60 ngày/lứa) thường lãi 250-300 triệu đồng/ha. Với chi phí đầu tư như năm nay, nông dân lãi trên 55% so với giá trồng.

Ngay cả tại một số vùng rau được báo chí phản ánh là phải đổ bỏ như ở xã Tráng Việt (Mê Linh, Vĩnh Phúc), người nông dân cũng khẳng định sau 3 lứa trồng nông dân đã lãi trung bình 500 triệu đồng/ha, có hộ còn lãi cao hơn.

“Năm nay, qua báo cáo sơ bộ từ các địa phương, chúng tôi thấy thu nhập từ sản xuất cây vụ đông đã tăng thêm 3.000 tỷ đồng so với năm ngoái, đạt khoảng 30.000 tỷ đồng. Phần lớn thu nhập tăng là từ cây rau, còn các cây khác như ngô, đậu tương… vẫn ổn định về diện tích, sản lượng và giá bán”.

Lượng rau tồn không còn nhiều, hiện tượng chặt bỏ chỉ là cục bộ

Nguyên nhân giá rau có dấu hiệu giảm từ đầu tháng ba và giảm sâu trong vòng một tuần qua, theo ông Sơn, có 3 lý do chính.

Thứ nhất, theo quy luật, cứ đến cuối vụ Đông, đầu vụ Xuân -khi bắt đầu vụ cấy lúa xuân- thì tất cả nông dân đều dọn vườn đối với vùng rau không chuyên canh để giải phóng ruộng, chuyển sang cấy lúa Xuân. Có những vùng có hộ không muốn giải phóng thì cũng bị ảnh hưởng, bởi khi đã lấy nước vào rồi, cây vụ đông khó duy trì được nữa. Vì vậy, hầu như năm nào tại thời điểm này cũng có cảnh cà chua bỏ không trên ruộng, xu hào bắp cải chặt vứt trên ruộng làm phân xanh…

Thứ hai, năm nay tranh thủ giá cao nên ở lứa 2 của rau vụ Đông một số hộ dân tranh thủ trồng rau vụ xuân sớm với kỳ vọng giá cao nên đúng thời điểm thu hoạch lại trùng với lúc “vét” của cây rau vụ đông nên bị dồn ứ về sản lượng.
Thứ ba, năm nay do thời tiết thuận lợi, nửa cuối tháng 2 và tháng 3 thời tiết ấm cho nên một số rau nhiệt đới xuân hè (mùng tơi, rau muống, rau dền…) thay thế cho rau thập tự như su hào, bắp cải, súp lơ, củ cải...  phát triển nhanh và đầu tháng 3 đã có sản phẩm trên thị trường khá nhiều, dẫn tới tiêu thụ rau vụ đông chậm lại.

Ba lý do trên dẫn tới hiện tượng dồn ứ sản phẩm ở thời điểm cục bộ tuần thứ nhất, thứ 2 của tháng 3. Tuy nhiên, theo thống kê hiện diện tích này còn không lớn.

Theo báo cáo chiều 15/3 của một số Sở NN&PTNT trồng rau chính, diện tích còn lớn nhất của lứa cuối rau vụ đông và lứa đầu rau vụ xuân là Hà Nội còn 1.150ha, Hải Dương hơn 100ha, còn các vùng khác còn 10-15ha. Như vậy, lượng tồn rất thấp và chúng ta có thể khẳng định sản lượng gây ế thừa nghiêm trọng để chặt bỏ không xảy ra trên diện rộng. 

Về hiện tượng nông dân ở xã Tráng Việt (Mê Linh) phải nhổ bỏ củ cải, theo ông Sơn, là cá biệt và cũng có nguyên nhân riêng.  

Cụ thể, tại Tráng Việt, do thời tiết vụ Đông năm nay thuận lợi, người dân có thể trồng 5-8 lứa củ cải trong vòng 8 tháng, thu nhập 500 triệu đồng/lứa thu hoạch/ha.  Như vậy, nhiều hộ dân sẽ thu về hàng tỷ đồng/ha/năm từ trồng củ cải. Phần lớn củ cải ở Tráng Việt đã có hợp đồng bao tiêu song vẫn có số ít hộ dân không có hợp đồng bao tiêu, sau tết các bếp ăn tập thể cho công nhân, trường học trở lại chậm… trong khi thời tiết ấm lên làm củ cải nhanh già, xốp, không thể bán được.

Liên quan đến tình trạng này, hôm qua (15.3), Bộ NN&PTNT đã có công văn chỉ đạo Cục Trồng trọt chủ trì phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục BVTV cùng các địa phương tổng rà soát lại cơ cấu diện tích hiện nay còn trên đồng ruộng, cũng như cân đối về cung cầu để  có những khuyến cáo và hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp.  

"Về lâu dài, chúng tôi phải rút kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch, đặc biệt là đợt rau gối giữa vụ đông và xuân hè để có hướng dẫn sát hơn. Bởi vì năm nào cũng xảy ra hiện tượng này thì sang năm chúng ta phải có những điều chỉnh từ đầu và có những cảnh báo nông dân, nhất là xác định đợt cuối cùng của vụ đông cho hợp lý, tránh rủi ro như hiện nay cũng như những năm trước", ông Sơn cho biết.

Năm 2017, ngành rau quả xuất siêu gần 2 tỷ USD
Tăng trưởng xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với kim ngạch 3,514 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2016, ngành rau quả đã xuất siêu gần 2...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư