Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Kiếm tỷ USD từ rau quả, thực phẩm
Anh Hoa - 21/02/2018 07:41
 
Các thương vụ M&A sẽ giúp The PAN Group đạt tham vọng vươn ra khu vực và thế giới, trở thành tập đoàn nông nghiệp và thực phẩm hàng đầu Việt Nam có doanh thu tỷ USD trong 5 năm tới.
TIN LIÊN QUAN

Căn phòng tại tầng 16, ICON4 Tower (Đê La Thành, Hà Nội) là nơi bà Nguyễn Thị Trà My, người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần CSC Việt Nam, đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN (The PAN Group) ngồi làm việc hàng ngày. Trong căn phòng ấy, không thể thiếu các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp - là lĩnh vực kinh doanh rất yêu thích của bà, dù bà là dân tài chính thứ thiệt.

Câu chuyện với bà càng có chiều sâu và trở nên kịch tính hơn khi nhắc đến các thương vụ M&A của PAN. “Tôi thích nông nghiệp và thích M&A”, bà Trà My hào hứng.

PAN sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch, có chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc trong một chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
PAN sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch, có chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc trong một chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

Mạng lưới kinh doanh mở rộng từng ngày

Tiền thân của PAN là PAN Pacific. Sau 2 năm đổi tên và tái cơ cấu (vào năm 2015), PAN đã trở thành cái tên đáng nể trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm chế biến với hai thương hiệu PAN Farm và PAN Food. Trong đó, PAN Farm (với các công ty con Vinaseed và PAN-SALADBOWL) hoạt động chính trong ngành nông nghiệp công nghệ cao; PAN Food với lĩnh vực thực phẩm chế biến (gồm Bibica, Aquatex Bến Tre, Lafooco, Thuỷ sản 584 Nha Trang). Chỉ sau 2 năm tái cơ cấu, doanh thu từ hai mảng trên chiếm đến 48% (PAN Farm) và 49% (PAN Food) tỷ trọng doanh thu của

Tập đoàn.

PAN bắt đầu chiến lược gia nhập ngành thực phẩm với Công ty cổ phần PAN Food. PAN Food cùng các công ty thành viên đang cung ứng ra thị trường các sản phẩm thực phẩm đa dạng và phù hợp với nhu cầu tiêu dùng qua hai mảng kinh doanh.

Thứ nhất là thực phẩm hàng ngày, bao gồm gạo đóng gói chất lượng cao, thủy sản đông lạnh và nước mắm… Mảng này được thực thi qua PAN Food và các công ty thành viên như ABT, FMC và 584 Nha Trang. Mới nhất là PAN chi khoảng 500 tỷ đồng để sở hữu 55% cổ phần Công ty Thực phẩm Sao Ta (FMC).

Thứ hai là thực phẩm tiện lợi, bao gồm bánh, kẹo, hạt điều, các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên. Đây là mảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Tập đoàn trong những năm tới mà PAN tập trung đầu tư. Mảng này được thực hiện tại PAN Food và các công ty thành viên BBC và Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm PAN. 

Cái cớ để PAN tập trung vào hai mảng này vì Việt Nam được xếp hạng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cao nhất châu Á với 24,3%/năm, tiêu thụ thực phẩm (F&B) ước tính đạt 37,4 tỷ USD, trong đó tiêu thụ thực phẩm đóng gói ước khoảng 10 tỷ USD.  

Bà Nguyễn Thị Trà My, người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần CSC Việt Nam, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN.
Bà Nguyễn Thị Trà My, người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần CSC Việt Nam, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN.

Về lĩnh vực nông nghiệp, PAN sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch, có chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc trong một chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Mảng này PAN thực hiện thông qua Công ty cổ phần PAN Farm cùng với NSC và các đơn vị thành viên của NSC. Mảng kinh doanh trồng trọt thông qua Công ty cổ phần PAN-SALADBOWL sẽ cung cấp các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, như hoa (hoa cúc, cẩm chướng), các sản phẩm rau quả, gạo đóng gói, dưa lưới… phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu.

Nhanh chóng danh nổi như cồn

Điều gì khiến PAN nổi nhanh như cồn trong thời gian qua? Đặt câu hỏi đó và câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ bà Trà My, đó là vì PAN đã có những bước thay đổi căn bản về mặt chiến lược.

“Chúng tôi đã chuyển hướng đầu tư mạnh vào nông nghiệp và thực phẩm qua những thương vụ M&A các công ty đầu ngành, có nền tảng tốt, tiềm năng tăng trưởng lớn, có khả năng mở rộng chuỗi giá trị”, bà Trà My cho biết.

Hiện PAN đang đi bằng kiềng ba chân Farm - Food - Family, trong đó hệ thống phân phối (Family) sẽ được Tập đoàn đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín “từ nông trại đến bàn ăn”. Bước đi này giúp PAN trở thành một trong ba đại diện hiếm hoi của ngành nông nghiệp góp mặt trong bảng xếp hạng 2017 của Forbes Vietnam.

Và một trong những người góp phần đưa PAN đến thành công hôm nay là bà Trà My. Bà Trà My có 18 năm làm giám đốc tài chính cho một tập đoàn đa quốc gia về nông nghiệp. Bà thành lập Công ty cổ phần CSC Việt Nam vào năm 2007, với lĩnh vực đầu tư chính là nông nghiệp, giáo dục và dịch vụ văn phòng, căn hộ cao cấp. Do yêu thích những lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, bà quyết định mang hết vốn tích lũy trong nhiều năm “quẳng” vào PAN.

Mang ý tưởng của mình về một tập đoàn nông nghiệp và thực phẩm, bà Trà My trao đổi với ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn SSI. Họ quyết định thực hiện ý tưởng đó tại Pan Pacific, một công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, do ông Hưng sáng lập và gắn bó 20 năm, giữ lại tên, ra bộ nhận diện thương hiệu mới, bán PAN Services cho Công ty Nihon Housing Co. Ltd. Nhật Bản để chuyển sang kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm.

“Tôi đầu tư vào PAN vì muốn cùng Chủ tịch và HĐQT nói chuyện về chiến lược phát triển của Tập đoàn, tôi sẽ cùng với những tổ chức lớn nói và làm những câu chuyện nâng tầm nông nghiệp Việt Nam”, bà Trà My chia sẻ lý do trở thành cổ đông lớn của PAN.

Để đưa nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam thoát khỏi tình trạng manh mún hiện nay, PAN đã đi tìm những công ty tốt trong lĩnh vực này và tìm tiếng nói chung với những người đứng đầu ở đấy, những người cũng đang có trăn trở giống mình. Các thương vụ M&A nhờ đó được thực hiện thành công.

“Đó là những người tâm huyết, có bề dày kinh nghiệm. Tôi thích sự minh bạch của họ. Chúng tôi trân trọng những con người này và hiểu rằng họ là tài sản quý giá của Tập đoàn”, bà Trà My nói và nhớ về bài học thất bại trong thực hiện M&A mà bà từng nếm trải thời còn làm cho công ty bên Áo.

Nguyên nhân thất bại do người cũ và người mới không thể “hội nhập”. Các thương vụ M&A của PAN luôn thành công vì tất cả “cùng nhau xây dựng giấc mơ chung, tất cả đồng lòng với chiến lược được Chủ tịch Tập đoàn đề ra”.

Các công ty sau khi trở thành thành viên của Tập đoàn đều có đột phá về kinh doanh, nâng tầm về hình ảnh. Đơn cử NSC giai đoạn 2013 - 2017 có sự tăng trưởng cực kỳ ấn tượng, với doanh thu tăng bình quân 26%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng 25%/năm, vốn chủ sở hữu tăng 5 lần và tổng tài sản tăng 4 lần. NSC đang là một trong những doanh nghiệp tốt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tập đoàn PAN cũng đã thông qua để NSC đầu tư sở hữu Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC), công ty giống lớn thứ hai tại Việt Nam.

NSC và SSC đang là “cặp bài trùng” mang lại thành công cho PAN. Hiện NSC đã trở thành tập đoàn số 1 Việt Nam về giống và giải pháp nông nghiệp, với hơn 1.700 đại lý và cơ sở sản xuất trên cả nước. NSC cũng đã nâng tỷ lệ giống bản quyền (Patented Seeds) đạt gần 70% (so với tỷ lệ chưa đầy 30% năm 2011).

Một ví dụ khác là BBC (Bibica). PAN hiện sở hữu 50,07% trong công ty này và đang cùng với một cổ đông lớn khác là Lotte từng bước đưa BBC trở thành công ty bánh kẹo số 1 Việt Nam. Đây thương vụ đã tốn nhiều giấy mực báo chí vì xuất hiện cuộc chiến 3 bên. Nhưng bất chấp điều đó, với bà Trà My, điều quan trọng nhất là bà muốn gìn giữ và tiếp tục phát triển một thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng của Việt Nam.

“Thời gian đầu, Lotte muốn tăng sở hữu tại BBC và rất muốn mua lại số cổ phần mà chúng tôi đang sở hữu với giá rất cao để biến BBC thành Lotte Việt Nam. Nhưng chúng tôi đã chia sẻ với họ về giấc mơ gìn giữ thương hiệu Việt và họ đã hiểu”, bà Trà My nói.

Mọi thứ - vào thời điểm này - đang đi đúng lộ trình. BBC chiếm khoảng 8% thị phần ngành bánh kẹo, xếp thứ hai sau gã khổng lồ Mondelez Kinh Đô. Nhưng Tập đoàn PAN và lãnh đạo BBC mong muốn BBC dẫn đầu thị trường vào năm 2020.

Sẵn sàng M&A các công ty cùng ngành

Mục tiêu M&A của PAN đều nhằm vào việc sở hữu chi phối không giới hạn tối đa và PAN vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược này với các công ty cùng ngành.

Theo bà Trà My, dư địa M&A của PAN không thiếu. Ở giai đoạn đầu, PAN chỉ lựa chọn những doanh nghiệp tốt, có đội ngũ xuất sắc, nhưng thời điểm này, với đội ngũ lớn mạnh hơn, PAN có thể M&A cả các công ty cùng ngành có thị trường, tài sản, nhưng hoạt động chưa tốt để tái cơ cấu và mở rộng quy mô các công ty thành viên.

PAN luôn là địa chỉ tin cậy của nhiều đối tác ngoại. “Giờ PAN như ‘nàng công chúa đẹp’. Chúng tôi được quyền lựa chọn đối tác chiến lược, không giới hạn nhà đầu tư đến từ đâu, miễn là họ cùng hợp tác phát triển sản xuất cung cấp các sản phẩm chất lượng cao cho thị trường trong nước cũng như mở rộng thị trường nước ngoài”, bà Trà My nói.

Một số người nghĩ làm nông nghiệp sẽ không khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới, nhưng PAN lại nghĩ khác. “Nó không dễ, nhưng chúng tôi đã làm được với gạo, hạt điều, nước mắm, hoa… và chúng tôi sẽ làm được nhiều hơn thế”, bà Trà My khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư