Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Cục trưởng Cục Quản lý giá nói gì về việc tăng giá sách giáo khoa?
Xuân Dũng (Vietnam+) - 03/04/2019 20:44
 
Lãnh đạo Cục Quản lý giá dẫn phương án giá của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kê khai với Bộ Tài chính cho thấy, đã 8 năm liên tục, giá sách chưa điều chỉnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng yếu tố tác động phương án tăng giá sách giáo khoa gồm tiền giấy và chi phí tiền lương mà không có kết cấu lợi nhuận.

Chia sẻ về việc tăng giá sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới đây, ông Tuấn cho biết, theo quy định, sách giáo khoa thuộc danh mục mặt hàng kê khai giá. Theo đó, trước khi xem xét điều chỉnh các mức giá phù hợp với những yếu tố biến động của thị trường, đơn vị sản xuất lập phương án kê khai giá cho cơ quan quản lý nhà nước.

"Ở đây, đối với mặt hàng sách giáo khoa, chủ thể tiếp nhận là Bộ Tài chính. Như vậy, việc nhà xuất bản thực hiện kê khai giá sách giáo khoa với Bộ Tài chính là phù hợp với quy định của pháp luật về giá," ông Tuấn nói.

Ông Tuấn dẫn phương án giá của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kê khai cho thấy, đã 8 năm liên tục, giá sách chưa điều chỉnh. Trong thời gian này, những biến động gia tăng của thị trường đã tạo ra khoản lỗ nhất định cho việc xuất bản sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Cũng theo hồ sơ kê khai, để tính đúng, tính đủ theo quy định của Luật Giá và các phương pháp tính giá, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đề xuất phải điều chỉnh giá sách giáo khoa khoảng 20,2%.

Tuy nhiên, theo ông, để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và chia sẻ với người tiêu dùng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã rà soát và tiết giảm các khoản chi phí để điều chỉnh ở mức thấp nhất như phương án đã kê khai với Bộ Tài chính.

"Các yếu tố chính để tác động đến phương án tăng giá sách giáo khoa gồm tiền giấy, một số chi phí liên quan đến tiền lương theo quy định của pháp luật; không có kết cấu lợi nhuận trong đó," đại diện Bộ Tài chính lên tiếng.

Theo tính toán, việc thực hiện tăng giá sẽ tác động làm tăng CPI chung của cả năm khoảng 0,07%. (Ảnh: TTXVN)
Theo tính toán, việc thực hiện tăng giá sẽ tác động làm tăng CPI chung của cả năm khoảng 0,07%. (Ảnh: TTXVN)

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc điều chỉnh giá sách năm 2019, được kê khai từ tháng 2/2019 và sẽ có tác động chủ yếu vào tháng 7-8-9/2019 (thời điểm bắt đầu năm học mới).

Theo tính toán, việc thực hiện tăng giá sẽ tác động làm tăng CPI chung của cả năm khoảng 0,07%.

Vấn đề này theo ông đã được tính toán trong báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành Chính phủ giá tại phiên họp đầu năm để có nhìn tổng quan về điều hành giá cả thị trường năm 2019.

“Như vậy, điều chỉnh giá sách giáo khoa nằm trong kiểm soát lạm phát của cả năm và tác động không nhiều đến mặt bằng giá cả nói chung,” ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Trước đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chính thức công bố tăng giá bán các bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 với mức tăng 6.500-25.800 đồng/bộ (khoảng 11,9-19,9%). Sách giáo khoa phục vụ năm học 2019-2020 sẽ bắt đầu được phát hành từ tháng 4/2019./.

Bộ Giáo dục công bố lịch thi THPT quốc gia năm 2019
Thí sinh thi năm môn từ ngày 25 đến 27/6, như lịch của năm 2018.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư