Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đà Nẵng tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Ngọc Tân - 16/05/2018 08:04
 
Kết quả khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng trong năm 2017 cho thấy có đến 5 chỉ số thành phần giảm điểm và tụt hạng. Đà Nẵng đánh mất ngôi “vương” PCI và tụt xuống vị trí thứ 2 (70,11 điểm)- sau Quảng Ninh mặc dù vẫn được các doanh nghiệp đánh giá tương đối tích cực về việc giải quyết thủ tục hành chính.

5 chỉ số tụt hạng

5 chỉ số thành phần giảm điểm và tụt hạng của Đà Nẵng bao gồm chỉ số: Chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo thành phố và chỉ số cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên bên cạnh đó có 3 chỉ số thành phần khá quan trọng tăng điểm và tăng thứ hạng là chỉ số: Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và chỉ số thiết chế pháp lý an ninh trật tự.

Hội thảo Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố Đà Nẵng diễn ra chiều 15/5
Hội thảo Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố Đà Nẵng diễn ra chiều 15/5

Tại Hội thảo Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP Đà Nẵng diễn ra vào chiều 15/5, Tiến sĩ Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng nhận định: So với cả nước, doanh nghiệp Đà Nẵng ít gặp cản trở về tiếp cận mở rộng mặt bằng kinh doanh. Tỷ lệ doanh nghiệp không gặp cản trở về vấn đề này cao hơn rất nhiều so với trung vị cả nước (31,88%/12%). Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đánh giá khả năng rủi ro bị thu hồi đất trong năm 2017 của Đà Nẵng đã được cải thiện phần nào so với các năm trước.

“ Nếu năm 2016 là năm chứng kiến sự sụt giảm về điểm số và thứ hạng của chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thì năm 2017 đánh dấu sự cải thiện cả về điểm số và thứ hạng của chỉ số này. Đây là kết quả từ sự nỗ lực cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường, địch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ liên quan đến công nghệ…”, Tiến sĩ Nguyễn Phú Thái cho biết.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Phú Thái, “chi phí gia nhập thị trường” được xem là lĩnh vực ưu thế của Đà Nẵng tuy nhiên chỉ số này đã tụt hạng và giảm điểm, mặc dù thành phố Đà Nẵng đã thực hiện cải cách tối đa các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Nguyên nhân chính của điều này là do tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn một tháng để hoàn tất tất cả các thủ tục để bắt đầu hoạt động tăng lên từ 6,06% lên 7%. “So với Quảng Ninh, Đà Nẵng cần cải thiện hơn nữa để niêm yết công khai các thủ tục đăng ký kinh doanh, tăng cường ứng dụng CNTT vào thủ tục hành chính, triển khai mạnh mẽ thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng, qua trung tâm hành chính công, bưu điện…”, Tiến sĩ Thái nói.

Đối với chỉ số chi phí không chính thức, Đà Nẵng rơi từ vị trí thứ 2 xuống thứ 5. Theo khảo sát, tỷ lệ các doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiểu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến, tăng từ 42,92% lên 50%.

Trong chỉ số cạnh tranh bình đẳng, cảm nhận của các doanh nghiệp địa phương cho rằng chính quyền có sự ưu ái dành cho các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI. Hơn nữa, hợp đồng, đất đai,…và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền thành phố và ưu đãi với các công ty lớn là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của bản thân các doanh nghiệp. Mặc dù có suy giảm nhưng con số vẫn cho thấy nhiều quan ngại.

Đà Nẵng không có ưu đãi riêng dành cho doanh nghiệp FDI

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng thông tin, trong năm 2017, Sở KH&ĐT đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 4.653 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ đăng ký là 23.434 tỷ đồng. Tăng 3,5% số lượng so với năm 2016. Đà Nẵng là một trong những địa phương có số lượng đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký trong năm 2017, chiếm tỷ trọng cao trong cả nước, nằm trong top 5 thành phố dẫn đầu cùng với TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai.

Cũng tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hương đại diện cho Sở KH&ĐT đã có những đề xuất nhằm cả thiện các chỉ số thành phần như đề xuất tăng cường niêm yết công khai Bộ thủ tục hành chính, bố trí thêm máy móc, thiết bị tại bộ phận một cửa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tra cứu thông tin; đề xuất các sở ban ngành, UBND các quận huyện tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị với nhau để xử lý triệt để khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Đà Nẵng đang tích cực tìm giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần PCI
Đà Nẵng đang tích cực tìm các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số thành phần PCI (Ảnh Internet)

Bà Hương thông tin thêm, Đà Nẵng hiện nay không có ưu đãi riêng dành cho doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư nước ngoài). Các chính sách thuê đất hoặc ưu đãi về thuế cho các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung…. trên địa bàn thành phố đều được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp không kể trong nước hay doanh nghiệp FDI.

“Đối với các khó khăn trong công tác tiếp cận đất đai, theo quy định Luật Đất đai năm 2013, việc giao đất, cho thuê đất đều phải thực hiện thông qua đấu giá hoặc đấu thầu theo quy định. Do đó điều này dễ làm doanh nghiệp có cảm giác công tác tiếp cận đất đai có phần khó hơn. Theo đó, các sở ban ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích cho doanh nghiệp được biết, hiểu và thực hiện đúng các quy định về đất đai”, bà Hương cho biết.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, năm 2017 là một năm thành phố có nhiều biến động, môi trường đầu tư kinh doanh của Đà Nẵng sau nhiều năm được nhìn nhận là một trong những điểm đến đầu tư thông thoáng, thuận lợi tại Việt Nam thời gian qua đã có những dấu hiệu suy giảm.

“ Điều này cho thấy những vấn đề về chất lượng điều hành, và điều đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố nếu chúng ta không sớm nhìn nhận và có những giải pháp khắc phục kịp thời. Để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nói riêng và môi trường cạnh tranh nói chung của Đà Nẵng trong thời gian tới, hướng đến trở thành một thành phố sáng tạo, năng động tầm khu vực và quốc tế, cả hệ thống chính trị cùng với nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp phải đồng tâm hiệp lực, hỗ trợ, sát cánh bên nhau. Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, chúng ta phải tận dụng thật tốt những cơ hội, đặc biệt là cơ hội từ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 để vượt qua khó khăn, ban hành các cơ chế chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững”, Phó chủ tịch Hồ Kỳ Minh khẳng định.

Đà Nẵng: 238 dự án dang dở do vướng giải phóng mặt bằng
Đó là báo cáo của HĐND thành phố Đà Nẵng tại Chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” số thứ 3 diễn ra vào sáng 15/5. Chương trình do...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư