Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đã vượt mục tiêu xây dựng 500 km đường cao tốc
Anh Minh - 04/01/2016 07:36
 
Với việc đưa vào khai thác Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang dài 46 km vào sáng 2/1, Bộ GTVT đã hoàn thành được 750 km đường cao tốc, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 13 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 6 làn xe, hiện đại nhất Việt Nam vừa được thông xe vào tháng 12/2015
Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 6 làn xe, hiện đại nhất Việt Nam vừa được thông xe vào tháng 12/2015

Ngành GTVTngành GTVT đã hoàn thành vượt các mục tiêu phát triển đã được đề ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.

Vượt xa mục tiêu có 500 km cao tốc

Tính đến ngày 4/1/2016, số lượng đường cao tốc được Bộ Giao thông vận tải xây dựng đã vượt 150 km so với mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đề ra (xây dựng 500 km đường cao tốc)

Đây đều là các tuyến cao tốc trọng điểm nằm trên trục bắc - nam, cao tốc kết nối hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam với các cảng biển cửa ngõ và các cửa khẩu quốc tế; bao gồm: cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, 40 km; Pháp Vân-Cầu Giẽ, 30km; Cầu Giẽ - Ninh Bình, 50 km; Liên Khương - Đà Lạt, 19 km; Vành đai 3 TP Hà Nội đoạn cầu Phù Đổng - Mai Dịch, 28 km; Đại lộ Thăng Long, 30 km; QL3 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, 62km; Nội Bài - Lào Cai, 245km; TP. Lào Cai - cầu Kim Thành, 19km; đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân 25km; TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, 51km; Hà Nội - Hải Phòng, 105 km.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác một loạt các công trình giao thông quy mô lớn  như: các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; cầu Nhật Tân, đường cao tốc Nội Bài - Nhật Tân, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Năm Căn, cầu Cổ Chiên, cầu Hạc Trì, cầu Mỹ Lợi, Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Nhà ga Cảng hàng không Vinh, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu máy bay Cảng hàng không Pleiku, cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, Nhà ga đường sắt Ninh Bình, nâng cấp tuyến Kênh Chợ Gạo - giai đoạn 1, luồng kênh Cái Tráp, cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang thuộc dự án WB6...

Trong đó, toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước được đưa vào khai thác sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch; hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

“Đây là 2 trục giao thông quan trọng nhất chạy dọc theo chiều dài đất nước, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế đất nước, kết nối các khu vực tăng trưởng trên phạm vi quốc gia, phục vụ hợp tác phát triển quốc tế”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành GTVT đã thực sự có bước đột phá, tìm hướng đi mới cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thoongg (KCHTGT), bằng việc thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển KCHTGT qua việc chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu đầu tư phát triển KCHTGT, Đề án Huy động các nguồn lực đột phá để đầu tư phát triển KCHTGT và các đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý khai thác KCHTGT trên các lĩnh vực, theo hình thức BOT, BT, cho thuê kết cấu hạ tầng, doanh nghiệp tự đầu tư...

Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT đã kêu gọi đầu tư ngoài NSNN cho phát triển KCHTGT đường bộ được 186.660 tỷ đồng (trên tổng số 202.556 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay). Lĩnh vực cảng biển thu hút được 121.453 tỷ đồng (trên tổng số 157.600 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay). Hệ thống cảng, bến thủy nội địa phần lớn do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng hình thành qua nhiều năm, giá trị đầu tư khoảng 18.997 tỷ đồng.

Đạt 2.000 km đường cao tốc sau 5 năm tới

Theo Bộ trưởng Thăng, song song với việc khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, tiếp tục triển  khai cũng như chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000 km đường cao tốc.

Trong đó, mục tiêu ưu tiên hàng đầu là cơ bản nối thông cao tốc bắc - nam: hoàn thành các dự án đường cao tốc đang thi công Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Túy Loan; khởi công mới các đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hà Tĩnh - Quảng Bình, Quảng Ngãi - Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang - Phan Thiết, Dầu Giây (Đồng Nai) - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

 Hoàn thành và tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với các cảng biển, cửa khẩu, như: Biên Hòa - Vũng Tàu (Cảng Cái Mép), Bắc Giang - cửa khẩu Đồng Đăng, TP Hạ Long (Quảng Ninh) - Hải Phòng (cảng Lạch Huyện), Vân Đồn - Móng Cái (cửa khẩu Móng Cái), TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài...

Nâng cao khả năng khai thác của các tuyến cao tốc hiện có thông qua việc triển khai đầu tư các tuyến kết nối các đường cao tốc, như: tuyến nối Hà Giang, Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tuyến nối cao tốc Giẽ - Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng...

“Bộ GTVT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển KCHTGT thông qua hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng, minh bạch để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng KCHTGT; coi đây là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu đã đề ra”, ông Thăng khẳng định.

Cao tốc hiện đại nhất Việt Nam nhìn từ trên cao
Tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hiện đại nhất Việt Nam với tốc độ xe chạy tối đa lên đến 120km/h đã được thông xe toàn tuyến chiều ngày...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư