Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Không thể "xã hội hoá" y tế như hiện nay
Nguyễn Lê - 08/09/2022 15:30
 
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đề nghị bỏ khái niệm "xã hội hoá" y tế.
.
PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu.

Lên tiếng về nội dung vướng nhất và quan trọng nhất với ngành y hiện nay là hợp tác công - tư, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - đại biểu Quốc hội, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đề nghị bỏ khái niệm "xã hội hoá" y tế.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là nội dung cuối cùng được xem xét tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, chiều 8/9.

Là đại biểu kiêm nhiệm, song bác sĩ Hiếu cũng có mặt và đăng ký phát biểu từ đầu phiên họp, tập trung vào điều Điều 105 quy định "Xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh".

Theo điều này, Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích, ưu đãi tổ chức và cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận.

Hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; các hình thức xã hội hóa khác theo quy định của Chính phủ.

Ông Hiếu nói rằng, tìm cả lịch sử ngành y Việt Nam và thế giới cũng không thấy có định nghĩa thế nào "xã hội hoá y tế".

Chưa có ai đánh giá từ này mà chúng ta cứ dùng, ông Hiếu nhấn mạnh.

"Chúng ta không thể xã hội bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với cả bệnh viện mua cái máy đặt trong bệnh viện sử dụng rồi chia nhau lợi nhuận ở trong bệnh viện công. Không xã hội hoá bằng cách như vậy và chúng ta không nên dùng từ xã hội hóa y tế", ông Hiếu bày tỏ quan điểm.

Theo ông Hiếu chỉ nên quy định 3 hình thức hợp tác công tư trong y tế. Trong đó, hình thức đầu tiên là cho vay, có ưu đãi, với bệnh viện mua sắm đầu tư. Nên khuyến khích điều này để các bệnh viện có thể đứng tư cách pháp nhân vay của các tổ chức tín dụng, của tổ chức quốc tế. Có thể đầu tư bằng nguồn tiền vay đó và bệnh viện có trách nhiệm bảo vệ vốn vay như trách nhiệm của một doanh nghiệp.

Thứ hai là thuê, hình thức này đã có nhưng hiện chưa rõ ràng để các bệnh viện thực hiện. Theo đại biểu Hiếu thì việc thuê có 2 chiều. Chiều thứ nhất bệnh viện công thuê các phương tiện, trang thiết bị của bệnh viện tư, tư nhân như các máy móc đắt tiền, không đủ điều kiện mua. Bệnh viện chịu trách nhiệm thuê để hoạt động hiệu quả.

Chiều thứ hai của thuê là tư nhân thuê của bệnh viện công. Chiều này rất khó nhưng trong dự án Luật này nên đặt ra hướng để các luật khác hỗ trợ trở thành hiện thực.

Ông Hiếu nêu ví dụ các thương hiệu lớn trên thế giới như về khách sạn họ không trực tiếp xây khách sạn nhưng lấy thương hiệu đó để vận hành. Đấy chính là cách hiện nay đang rất hiệu quả.

"Y tế công có thương hiệu, hiểu biết, nguồn lực chất xám rất lớn nhưng không đủ khả năng để bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện và kém nhất là vận hành bệnh viện về mặt quản trị.  Chúng ta lấy thế mạnh của y tế công là thương hiệu, niềm tin của người dân, chất xám các bác sĩ, điều dưỡng, nhà khoa học và vận hành do tư nhân thực hiện. Tất nhiên rất khó định giá thương hiệu bệnh viện, tài sản công nhưng cần hướng đi này".

Thứ ba theo ông Hiếu đề xuất là hợp tác công - tư phi lợi nhuận và đây là hướng trên thế giới đã triển khai rất lâu, thành công. Việt Nam đã có bệnh viện tư nhân phi lợi nhuận nhưng chưa có bệnh viện nào hợp tác công tư phi lợi nhuận.

Cách này, ông Hiếu lý giải, tức là các nhà hảo tâm, các quỹ xây dựng bệnh viện rồi cho bệnh viện công vận hành. Lợi nhuận (nếu có) không chia cho nhau mà giữ lại đầu tư để phát triển bệnh viện, nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên bệnh viện cũng như cho các bệnh nhân nghèo, khó khăn.

Đây là mô hình nên khuyến khích và chắc chắn sẽ rất nhiều tổ chức, cá nhân bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện với thương hiệu nhà nước phục vụ người bệnh, để tiếng thơm cho các quỹ, cá nhân đó, ông Hiếu nói.

Tại Hàn Quốc, các bệnh viện lớn, thương hiệu lớn đều do các cá nhân, tổ chức xây dựng. Tại châu Âu, có những tổ chức, quỹ hàng năm chuyển rất nhiều tiền cho các bệnh viện, ông Hiếu nói thêm.

Ngoài nội dung trên, trước ý kiến cho rằng cần cân nhắc thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) theo quy trình ba kỳ họp Quốc hội vì còn nhiều vấn đề chưa được đánh giá tác động, đại biểu Hiếu bày tỏ là ông rất băn khoăn.

Vì đã xác định đây là đạo luật cực kỳ quan trọng, ông Hiếu lo ngại, nếu lùi thời gian thông qua thì lại có tâm lý để kỳ sau bàn tiếp. Vì thế, để có thể gỡ rối rất nhiều cho ngành y tế hiện nay, ông Hiếu mong đại biểu dồn tâm sức để thông qua luật này tại kỳ họp thứ tư như lộ trình đã được quyết định.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Không vì những vi phạm mà để cả ngành y tê liệt
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị định, các bộ sớm ban hành thông tư để tháo gỡ vướng mắc nghiêm trọng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư