Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đại biểu Quốc hội đề nghị coi người lao động là động lực tăng trưởng
Nguyễn Lê - 08/11/2021 09:07
 
Quốc hội bắt đầu đợt họp trực tiếp, thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022.
.
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu tại hội trường. 

Đây là thời điểm phải coi là người lao động là động lực tăng trưởng, hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước - đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu tại Quốc hội.

Sáng 8/11, Quốc hội bắt đầu đợt họp trực tiếp, thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022.

Nội dung thảo luận còn có báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chínhngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết đã có 109 đại biểu đăng ký phát biểu tại nghị trường.

Ông Hải cũng lưu ý mỗi đại biểu phát biểu trong 7 phút, trường hợp có nhiều đại biểu đăng ký thì rút xuống 5 phút.

Phát biểu đầu tiên, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nói,  đại dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục là một thách thức đặc biệt với dân tộc chúng ta và thế giới. Để phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo một số giải pháp đối với lực lượng công nhân lao động.

Giai đoạn giãn cách vừa qua, chúng ta quan tâm nhiều tác động về khía cạnh kinh tế, nhưng hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng. Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra và nó sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục, đại biểu Khải nhìn nhận.

Theo đại biểu Hà Nam, trước đây, việc kéo lao động ở nông thôn lên thành phố đã rất khó, giờ đây xuất hiện thêm tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê, doanh nghiệp không giữ được lao động kể cả khi đã mở cửa

"Tôi cho rằng, đây là thời điểm người lao động là động lực tăng trưởng, hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước", ông Khải phát biểu.

Kiến nghị giải pháp, đại biểu Khải cho rằng, đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng/ hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ là kết nối cung - cầu lao động, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.

Ông Khải cho rằng, bài học qua đại dịch Covid-19 cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế - xã hội. Do đó, theo đaij biểu cần có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp.

Giải pháp tiếp theo đại biểu nêu là Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường.

"Chúng ta nên mạnh dạn nâng trần nợ công, sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước", ông Khải nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề lao động, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nêu thực trạng hai năm qua số lượng lao động thiếu việc làm rất lớn, do vậy, Chính phủ cần đẩy nhanh tiêm chủng cho người dân, có gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa hình thức trợ cấp để ổn định an sinh xã hội.

"Cần giải quyết việc làm cho người lao động về quê trong đợt dịch muốn bám trụ tại quê nhà", bà Tâm  nêu ý kiến. 

Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách đến hết ngày 9/11. 

Kinh tế 2022 cần thêm động lực gì?
Cần có “cơ chế đặc thù” về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, để kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư