Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 01 năm 2025,
Đại dịch Covid-19 và cuộc “lùa gà” thế kỷ của các tỷ phú công nghệ
 
Đại dịch Covid-19 bùng phát, các tỷ phú công nghệ giàu lên nhanh chóng, “nạn nhân” chính là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, biết nhưng không thể thoát.

Rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán trong giai đoạn này. Và đây là lúc nhiều tỷ phú công nghệ bán ra cổ phiếu để huy động tiền mặt.   

Cổ phiếu công nghệ bay cao   

Tính tới thời điểm này, chỉ số Nasdaq đã tăng hơn 20% so với hồi đầu năm, trong đó cổ phiếu Zoom tăng tới 290%, Tesla là 245%, Amazon 74%, Apple 52%, Microsoft 35% và Facebook là 27%.

Với mức tăng nói trên, giá trị thị trường của Amazon và Apple đã tăng khoảng 600 tỷ USD từ đầu năm cho tới nay. Trong khi đó, hồi tháng trước Tesla đã qua mặt Toyota để trở thành hãng sản xuất xe hơi có giá trị thị trường lớn nhất thế giới mặc dù sản lượng xe của Tesla chỉ bằng 5% của Toyota. 

Việc thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều nơi trên thế giới do đại dịch Covid-19 và nhiều doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa ngừng kinh doanh đã thúc đẩy sự gia tăng của các hoạt động trên nền tảng Internet, từ làm việc từ xa, họp và học online, mua sắm và thậm chí là chơi game.

Điều này đã làm cho doanh thu và lợi nhuận của các công ty công nghệ lớn gia tăng, đẩy giá cổ phiếu của họ tăng cao kỷ lục. 
ảnh 1
Vốn hóa thị trường của một số công ty công nghệ lớn tại ngày 5/8/2020

Giá cổ phiếu của các công ty công nghệ tăng mạnh không chỉ ở Mỹ mà còn ở khu vực châu Á. Chẳng hạn, cổ phiếu của Tencent và Alibaba đạt đỉnh trong tháng 7, tăng lần lượt 48% và 24% so với hồi đầu năm.

Ở mức giá đóng cửa ngày 6/8/2020 giá trị thị trường của Tencent đạt 687 tỷ USD, trong khi con số này đối với Alibaba là 712 tỷ USD.

Ant, công ty con của tập đoàn Alibaba của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma được thành lập năm 2014, sở hữu ứng dụng thanh toán qua điện thoại di động Alipay với hơn 900 triệu người dùng, chiếm 54% thị phần thanh toán điện thoại di động có giá trị 29.300 tỷ USD của Trung Quốc, sẽ tiến hành IPO trên thị trường chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải trong thời giant tới. 

Thương vụ này hứa hẹn sẽ là một trong những thương vụ IPO lớn nhất trong lịch sử thế giới.  Giá trị của thương vụ được dự báo sẽ vượt 200 tỷ USD, trong khi doanh thu của công ty trong năm 2019 được dự đoán ở mức 20 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc Ant được định giá ở mức P/E là 10.  

Nếu điều này xảy ra, Ant sẽ đứng vào hàng những công ty tài chính công nghệ có giá trị lớn nhất toàn cầu. Để dễ so sánh, cần thấy giá trị thị trường của Mastercard Inc (hơn 100 tuổi) hiện ở mức 313 tỷ USD, PayPal là 210 tỷ USD, người khổng lồ Phố Wall là Goldman Sachs cũng chỉ được thị trường định giá ở mức 73 tỷ USD. 

Tương tự những gì diễn ra đối với cổ phiếu của các công ty công nghệ Mỹ, kể từ khi tạo đáy vào hồi tháng Ba, cổ phiếu của các công ty công nghệ châu Á - Thái Bình Dương trong Dow Jones Index đã tăng 58%. Nếu tính từ đầu năm cho tới nay thì mức tăng là 23%.

Nếu việc thị giá cổ phiếu tăng cao đã đẩy chỉ số P/E forward của Amazon lên mức 85,4 thì con số này của Alibaba là 27,7, tính toán của FactSet cho thấy.  

Tài sản của các tỷ phú công nghệ gia tăng chóng mặt   

Một ước tính của Business Insider cho thấy, giá trị tài sản của các tỷ phú nằm trong bảng xếp hạng của tờ báo này đã tăng 637 tỷ USD kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Trong số này, tài sản của tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, tăng 48,6 tỷ USD.

Trong khi đó tài sản của CEO Tesla là Elon Musk tăng 17,2 tỷ USD; nhà sáng lập ứng dụng Zoom là Eric Yuan tăng 2,5 tỷ USD.

Để thấy tài sản của các tỷ phú công nghệ gia tăng nhanh như thế nào trong mùa dịch, hãy xem xét trường hợp của Jeff Bezos, cổ đông lớn nhất của Amazon.

Tại ngày 31/7, ông này sở hữu gần 55,5 triệu cổ phiếu, chiếm 11,1% số cổ phiếu đang lưu hành của Amazon. Trong phiên giao dịch 31/7, cổ phiếu Amazon tăng 137,5 USD. Với mức tăng này, giá trị cổ phiếu mà Jeff Bezos sở hữu tại Amazon đã tăng thêm 7,63 tỷ USD so với chỉ một ngày trước đó.

Chỉ riêng trong tháng Bảy, cổ phiếu Amazon đã tăng tới 15,6% (430,56 USD), giúp tài sản của Jeff Bezos tăng thêm gần 24 tỷ USD. Nếu tính từ đầu năm cho tới ngày 5/8, cổ phiếu của Amazon đã tăng giá tới 74%, đứng ở mức 3.205 USD/cổ phiếu. 

Nhân lúc giá cổ phiếu tăng phi mã, trong 2 ngày 3 và 4/8 vừa qua, ông chủ Amazon đã bán ra 1 triệu cổ phiếu, thu về hơn 3,1 tỷ USD. Trước đó ông cũng đã bán ra 4,1 tỷ USD cổ phiếu, đưa giá trị cổ phiếu mà ông bán ra từ đầu năm tới nay lên tới 7,2 tỷ USD. Điều đáng nói là năm ngoái vị CEO này cũng đã bán ra một số lượng cổ phiếu có giá trị 2,8 tỷ USD. 

Sau khi hoàn tất việc bán ra 1 triệu cổ phiếu vào ngày 4/8, Jeff Bezos còn sở hữu 54 triệu cổ phiếu Amazon, với giá đóng cửa ngày 5/8 thì số cổ phiếu này có giá trị vào khoảng 173 tỷ USD. 

Hồi năm ngoái, một tỷ phú công nghệ khác là Jack Ma cũng giảm tỷ lệ nắm giữ của mình tại Alibaba Group từ 6,4% xuống 4,8%. Tính theo mức giá thị trường, số cổ phần mà Jack Ma bán ra có giá trị vào khoảng 9,6 tỷ USD. Trong một năm qua, cổ phiếu của Alibaba đã tăng 40%.

Ngoài Jack Ma, gần đây nhiều tỷ phú công nghệ Trung Quốc cũng lần lượt bán cổ phiếu để huy động tiền mặt. Theo Forbes, 3 trong số 5 người giàu nhất Trung Quốc đã giảm cổ phần trong công ty của họ kể từ tháng 11/2019.

Đầu tháng 7/2020, nền tảng mua sắm trực tuyến Pinduoduo thông báo nhà sáng lập Colin Huang đã chuyển nhượng cổ phiếu niêm yết trên sàn Nasdaq và cắt giảm tỷ lệ sở hữu của ông từ 44,3% xuống 29,4%.

Trong khi giới chủ của các công ty công nghệ lớn bán ra cổ phiếu để thu về hàng tỷ đô la tiền mặt khi thị giá cổ phiếu công nghệ đang ở giai đoạn đỉnh thì lại có không ít nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường mua vào cổ phiếu của họ với kỳ vọng giá cổ phiếu còn bay cao hơn nữa trong tương lai. 

Chính chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ hòng vực dậy nền kinh tế cũng như một tỷ lệ không nhỏ của lượng tiền cứu trợ khổng lồ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và những người thất nghiệp vì dịch Covid-19 quay trở lại thị trường cổ phiếu đã đẩy các chỉ số chứng khoán của Mỹ tăng cao trong thời gian gần đây, trong bối cảnh các kênh đầu tư đầu tư khác đang gặp khó.

Đã có những ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán Mỹ lúc này đã quá lớn để có thể sụp đổ, hàm ý giới chức Mỹ không có cách nào khác là bơm tiền để thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì đà tăng.     

Với hiểu biết ít ỏi của mình về lĩnh vực đầu tư cổ phiếu, những nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường sẽ không thể tránh khỏi thua lỗ khi cơn sốt cổ phiếu công nghệ lắng xuống. Đó lại là lúc các đại gia công nghệ hay các quỹ đầu tư chuyên nghiệp mua vào, hoàn thành một cuộc chuyển giao tài sản vào loại vĩ đại nhất trong lịch sử.

Tỷ phú Warren Buffett: Covid-19 không ngăn nổi nước Mỹ
Tỷ phú Warren Buffett tỏ ra lạc quan về khả năng chống chọi của nước Mỹ trước đại dịch Covid-19, dù thừa nhận đại dịch tác động đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư