Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đại gia bán lẻ Thái Lan “công phá” Việt Nam
Anh Hoa - 13/02/2014 09:40
 
Thông tin Tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Thái Lan Central Group sẽ khai trương chuỗi siêu thị Robinsons Department Store ở Hà Nội trong tháng Ba tới thêm một lần nữa khẳng định làn sóng tấn công thị trường Việt Nam của các đại gia Thái Lan. AEON Việt Nam khai trương AEON Mall Tân Phú Celadon >Lotte phủ sóng bằng 60 trung tâm thương mại >Trung tâm mua sắm của Vingroup đại náo thị trường bán lẻ

Cứ điểm Hà Nội

Cứ điểm đầu tiên tại Việt Nam của Central Group sẽ đặt tại Khu mua sắm giải trí Royal City (Hà Nội) với diện tích 10.000 m2.

Siêu thị Robinsons Department Store đầu tiên sẽ đặt tại Khu mua sắm
giải trí Royal City (Hà Nội)

Lý giải việc chọn Hà Nội làm cứ điểm đặt đầu tiên thay vì chọn TP.HCM như các nhà bán lẻ khác, ông Alan Thomson, Chủ tịch Robinsons Department Store Thái Lan cho hay, Hà Nội và các khu vực xung quanh đang có dấu hiệu tăng trưởng lành mạnh, bền vững, thu nhập trung bình của người dân cũng gia tăng.

“Cuối năm nay, Central Group dự định sẽ mở chuỗi siêu thị thứ hai tại TP.HCM. Hai chuỗi siêu thị này cần khoảng 1.000 nhân viên”, ông Alan Thomson cho biết.

Hiện nhà bán lẻ này chưa tiết lộ số vốn đầu tư cho siêu thị đầu tiên tại Việt Nam. Song vào tháng 9/2013, Central Group đã thông qua kế hoạch chi tiêu lên đến 15 tỷ baht (khoảng 450 triệu USD) cho khu vực Đông Nam Á để mở trung tâm mua sắm tại Indonesia, Việt Nam và Malaysia trong ba năm tới.

“Chúng tôi sẽ dành khoảng 4-6 tỷ baht cho mỗi siêu thị tại một số nước trong khu vực ASEAN mà chúng tôi nhìn thấy cơ hội phát triển”, bà Wallaya Chirathivat, Phó chủ tịch điều hành phát triển kinh doanh Công ty Central Pattana Public Company Limited (CPN) thuộc Central Group chuyên kinh doanh mặt bằng bán lẻ đã khẳng định với báo chí.

Cũng theo bà Wallaya Chirathivat, Công ty có kế hoạch mở trung tâm mới tại Indonesia và Việt Nam trong năm 2014, cuối cùng sẽ mở 10 địa điểm ở Malaysia và một cửa hàng mới tại Rome (Italia) vào năm 2015.

Đặc biệt, ông Tos Chirathivat, Giám đốc điều hành Central Group cho biết, quyết định mở rộng kinh doanh vào Việt Nam được đưa ra sau sự ra mắt thành công của các cửa hàng SuperSports, Crocs và New Balance tại thị trường Việt Nam thông qua mạng lưới phân phối của các công ty con.

Tại Thái Lan, CPN đã đặt mục tiêu mỗi năm sẽ mở 3-5 trung tâm mua sắm, tăng từ 23 trung tâm trong năm 2013 lên 35 trung tâm vào năm 2016 với vốn đầu tư trung bình từ 12 - 15 tỷ baht/năm, chủ yếu ở các thành phố lớn.

Với kế hoạch đầu tư này, Central Group hy vọng doanh số bán hàng năm 2014 đạt khoảng 267 tỷ baht, tăng 16% so với năm 2013. Trong đó, 90% doanh thu vẫn đến từ thị trường Thái Lan.

Tuy nhiên, những bất ổn về chính trị kéo dài cộng với việc sau nhiều năm phát triển nhanh chóng ở Thái Lan, giống như Tập đoàn thực phẩm Charoen Pokphand Group, Central Group đang tìm mọi cách bành trướng ra thị trường khu vực châu Á và châu Âu bằng cách liên doanh hoặc mua bán, sáp nhập để duy trì tốc độ tăng trưởng của mình.

Do đó, việc Tập đoàn này coi Việt Nam là một thị trường bán lẻ đầy hứa hẹn để nhân rộng sự thống trị trong ngành bán lẻ của mình sau khi đã đạt được ở Thái Lan cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, Central Group có thể sẽ gặp một số thách thức lớn khi vươn ra thị trường nước ngoài. Bởi nhiều dấu hiệu cho thấy, Central Group đang gặp khó khăn trong cạnh tranh với các nhà bán lẻ tại thị trường Trung Quốc, nhưng họ vẫn chưa lên kế hoạch rút lui vì theo họ, đây vẫn được coi là tiềm năng. Hơn thế, ông Tos Chirathivat cũng thừa nhận rằng, trong thời gian này, các kế hoạch đầu tư cần phải thận trọng vì người tiêu dùng vẫn đang thắt chặt chi tiêu.

Chiến lược nhân rộng sự thống trị

Trước Central Group, ông chủ Charoen Pokphand Group là tỷ phú Dhanin Chearavanont cũng đã thể hiện sự lấn sân vào thị trường bán lẻ Việt Nam khi đàm phán mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam từ Metro Group (Đức) với giá 500 triệu USD.

Mặc dù thương vụ bất thành vì bị Metro Group từ chối, nhưng độ tham vọng muốn thâu tóm bằng được doanh nghiệp này của ông chủ CP Group sẽ không dừng lại. Bởi, ông vốn được giới đầu tư tại châu Á biết đến với lòng kiên trì theo đuổi một thương vụ mua – bán nào đó.

Ông Korsak Chairasmisak, Giám đốc điều hành CP All cho hay, Thái Lan đang hướng tới cơ hội từ kế hoach hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến diễn ra vào năm 2015. Trong kế hoạch này, CP All muốn giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp Thái Lan, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trên thị trường ASEAN.

Trong khi đó, Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC), thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, đã mua lại hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại Việt Nam trong liên doanh với Tập đoàn Phú Thái. Vài năm gần đây, BJC không bỏ qua các cơ hội tham gia vào thị trường bán lẻ quốc tế và mở rộng thêm cửa hàng bán lẻ tại Thái Lan.

Ông Aswin Techajaroenvikul, Chủ tịch BJC cho rằng, cạnh tranh ở Việt Nam không đến mức khắc nghiệt như thị trường Thái Lan. Do đó, BJC khá tự tin dù là người chơi mới trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy rõ, các tập đoàn đa ngành lớn của Thái Lan đang không ngừng tận dụng mọi cơ hội tại thị trường tiềm năng như Việt Nam.

Chưa biết, sự xuất hiện trong lĩnh vực bán lẻ của họ có được thị trường đón nhận hay không nhưng theo giới phân tích, các nhà đầu tư nước ngoài rất tinh ranh trong việc thâm nhập một thị trường mới. Họ thường đi theo một nhóm có đủ tiềm lực về tài chính, nhân sự để tạo nên một sức mạnh tổng thể khi khai thác thị trường khiến các khách hàng mục tiêu khó từ chối.

Trong khi đó, chiến lược bắt tay nhau như vậy ít xuất hiện đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tiến quân ra nước ngoài.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư