Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đại phẫu các dự án trong "bản danh sách đau lòng"
Hoàng Minh - 23/12/2016 08:18
 
“Bản danh sách đau lòng”, như cách gọi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về 5 dự án thua lỗ “khủng” trong chất vấn tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11/2016 đã không dừng lại ở con số 5. Thay vào đó là con số 12. Sẽ xử lý ra sao “danh sách đau lòng” này?

Mới chỉ trong ngành công thương

Ngoài 5 dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả mà Quốc hội đã nêu tại Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa qua (Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và Nhà máy Đạm Ninh Bình), Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại, yếu kém ở 12 nhà máy, dự án lớn thuộc ngành công thương đã bổ sung 7 nhà máy, dự án khác.

Đó là Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy Phân bón DAP 1 Lào Cai, Nhà máy Phân bón DAP 2 Hải Phòng, Nhà máy Ethanol Bình Phước, Nhà máy Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất cùng Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang thép Lào Cai vào danh sách các dự án đang có tình trạng tương tự để tập trung xử lý dứt điểm theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giảm nguy cơ mất vốn đầu tư, tiêu hao nguồn lực của nhà nước và xã hội.

 Dự án Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí, một trong 12  Dự án thua lỗ khủng đang được “đại phẫu”. Ảnh: Đức Thanh
Dự án Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí, một trong 12 dự án thua lỗ khủng đang được “đại phẫu”. Ảnh: Đức Thanh

Đây mới chỉ là sơ bộ bổ sung và mới chỉ trong phạm vi của ngành công thương. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu mở rộng diện giám sát và kiểm tra ra các lĩnh vực khác và thực hiện kỹ hơn với các doanh nghiệp mà nhà nước vẫn nắm quyền chi phối, có thể “bản danh sách đau lòng” chưa dừng lại ở con số 12.

Dĩ nhiên “bản danh sách đau lòng” này chưa tính tới các dự án của khối doanh nghiệp tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài, vay vốn từ các nguồn tín dụng ưu đãi, tín dụng phát triển hay vay vốn thương mại của các tổ chức tín dụng, ngân hàng mà Nhà nước nắm phần chi phối, nhưng gặp khó khăn khiến việc trả nợ bị trắc trở như trường hợp Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hay Dự án Khu công nghiệp Việt Hoà Kenmark (Hải Dương).

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tinh thần xử lý các dự án, nhà máy này là phải rất quyết liệt, khẩn trương, bảo đảm tới hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý, phấn đấu tới hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án này.

Để đạt được mục tiêu, Ban Chỉ đạo sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, tổ chức, đơn vị, cá nhân với tên tuổi cụ thể, thực hiện nhiệm vụ gì, bao giờ hoàn thành. Kiên quyết không để công việc bị trì hoãn, không tiến triển.

Ai mua, giá nào?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia đã theo dõi các dự án trong ngành hoá chất nhiều năm cho hay, vấn đề tại các dự án phân bón như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 2, DAP Hải Phòng có ảnh hưởng từ giá dầu thế giới xuống thấp, khiến giá phân bón bị ảnh hưởng theo.

“Khi xây dựng nghiên cứu khả thi, các dự án đều có thời gian lỗ kế hoạch trong những năm đầu mới vào hoạt động do khấu hao, trả nợ cao. Cùng với tác động của giá phân bón giảm sâu trên thế giới do giá dầu giảm mạnh, cũng như ảnh hưởng của việc không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo Luật số 71/2014/QH13, cân bằng thu chi của doanh nghiệp càng thêm trầm trọng”, chuyên gia này nhận xét và cho biết thêm, nếu giá dầu quay đầu thẳng tiến thì mọi chuyện lại khác hẳn.

Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, các giải pháp cắt giảm lao động, hợp lý hóa các chi phí hoạt động của doanh nghiệp là rất cần thiết để giúp thoát ra khỏi cơn khó khăn này.

Đối với Dự án Nhà máy giấy Phương Nam, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cũng cho hay, dự án này đã bắt đầu tìm phương án giải quyết từ cách đây khoảng 2 năm và giờ đã có phương án cuối cùng, nên sẽ giải quyết nhanh hơn so với 11 dự án còn lại.

Theo kế hoạch, Nhà máy Bột giấy Phương Nam có quy mô vốn đầu tư ban đầu là 3.000 tỷ đồng sẽ được tiến hành bán đấu giá để tìm người mua cuối cùng. Giá trị bán Nhà máy thu được sẽ cộng dồn vào giá trị của Tổng công ty Giấy Việt Nam và thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp này luôn.

“Chúng tôi đã trao đổi với một số doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài liên quan trong ngành giấy như Lee & Man, Giấy An Hoà và một vài công ty làm về giấy bao bì khác để mời họ tham gia mua”, ông Dũng nói. Tuy nhiên, việc ai mua được và giá bán ra sao sẽ do thị trường quyết định và phải chờ xem.

Tìm người mua lại cũng có thể là con đường mà Dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II hướng tới. Tuy nhiên, trường hợp muốn bán dự án này sẽ liên quan tới việc phải bán tiếp vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco), nơi đang được giao quản lý và thực hiện đầu tư dự án.

“Dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II là một phần trong dây chuyền sản xuất của toàn bộ Tisco, khi sản phẩm của giai đoạn này là đầu vào trong dây chuyền liên tục của công đoạn khác. Chưa kể, rất nhiều phần hạ tầng, đất đai mà Dự án đang xây dựng lại thuộc về quản lý của Tisco. Bởi vậy, phương án tại đây là bán tiếp vốn nhà nước tại Tisco và đơn vị tiếp quản sẽ tiếp tục triển khai Dự án đang dở dang”, một nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay.

“Đã có đối tác trong ngành thép tại Việt Nam muốn mua lại dự án này, nhưng lại muốn trả góp trong nhiều năm. Ngoài ra, cũng có doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm việc mua lại. Hiện Bộ Công thương đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn để thực hiện công việc thẩm định giá đối với Dự án và của Tisco”, nguồn tin này nói. 

Đối với 3 dự án nhiên liệu sinh học, câu chuyện tìm người mua xem ra không dễ dàng, bởi thị trường đầu ra là xăng sinh học vẫn đang phát triển chậm chạp tại Việt Nam. Bởi vậy, 2 nhà máy đã hoàn thành đầu tư tại Dung Quất và Bình Phước hoặc chỉ hoạt động vài ngày trong năm là cấp đủ hàng cho thị trường, hoặc là đóng cửa không vận hành.

Với thực tế này, trước khi tìm được người mua, các bộ, ngành sẽ còn phải tìm giải pháp để  phát triển thị trường xăng sinh học, lối thoát khả thi nhất để nhà máy không nằm im.

"Mới bắn chỉ thiên 5 dự án tiêu tán 30.000 tỷ đồng"
Đó là nhận xét của Đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) khi nhận xét về trách nhiệm trong quản lý các dự án lớn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư