Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đại sứ Phạm Quang Vinh bình luận về ranh giới mong manh trong cuộc đua đến ghế Tổng thống Mỹ
Quang Đăng - 05/11/2020 22:31
 
Mỗi cử tri Mỹ có sự lựa chọn, cân nhắc rất khác nhau. Có thể Joe Biden là lựa chọn tốt nhất cho nước Mỹ lúc này, nhưng chưa phải sự lựa chọn hoàn hảo.
Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2014 - 2018)
Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2014 - 2018)

Những lá phiếu còn lại đang kiểm đếm có xu hướng nghiêng về phe Dân chủ

Theo công bố của truyền thông Mỹ cho đến lúc này, ứng viên tranh cử của đảng Dân chủ Joe Biden giành được 264 phiếu đại cử tri, còn Tổng thống đương nhiệm Donald Trump của đảng Cộng hòa đang có 214 phiếu đại cử tri, thiếu 56 phiếu để tiếp tục ngồi lại Nhà Trắng thêm nhiệm kỳ thứ 2.

"Nếu đúng như vậy (lưu ý rằng quá trình kiểm phiếu vẫn còn tiếp tục), thì tình thế hiện nay, ông Trump chỉ còn 1 cửa, nhưng là cửa rất hẹp. Không còn cách nào khác, ông Trump phải đạt được số phiếu đại cử tri của cả 4 bang còn lại, gồm North Carolina, Georgia, Pennsylvania và Arizona", ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2014 - 2018) phân tích trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Hơn nữa, theo ông Phạm Quang Vinh, những lá phiếu còn lại đang kiểm đếm là những phiếu được bỏ trước đó và xu hướng nghiêng về phe Dân chủ nhiều hơn.

Trong khi đó, ứng viên tranh cử của đảng Dân chủ Joe Biden hiện có 264 phiếu đại cử tri. Nếu không tính Alaska (với 3 phiếu đại cử tri), thì Biden còn 3 bang quan trọng, gồm: North Carolina (15 phiếu đại cử tri), Georgia (16 phiếu đại cử tri) và Pennsylvania (20 phiếu đại cử tri), chưa kể bang ít phiếu nhất còn lại là Arizona (11 phiếu đại cử tri) đang nghiêng về Biden với màu xanh nhạt. Như vậy, Biden có 4 cửa rộng để đi đến chiến thắng 270 phiếu đại cử tri và trở thành tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.

Joe Biden hay Donald Trump trúng cử tổng thống Mỹ sẽ phải đối diện với vấn đề rất lớn của nước Mỹ: kiểm soát được đại dịch Covid-19, nhưng vẫn phát triển kinh tế. Ảnh: AFP
Joe Biden hay Donald Trump trúng cử tổng thống Mỹ sẽ phải đối diện với vấn đề rất lớn của nước Mỹ: kiểm soát được đại dịch Covid-19, nhưng vẫn phát triển kinh tế. Ảnh: AFP

Những gì đang diễn ra ở bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 khiến ông nghĩ gì về các kết quả thăm dò trước đó?

Thời điểm ngày 16/10, kết quả thăm dò dư luận cho rằng ông Biden có tỷ lệ phiếu ủng hộ cao hơn Trump 10 điểm theo tỷ lệ (53-42). Hầu hết các tờ báo trên thế giới đều đưa tin kết quả thăm dò chênh lệch trên 10 điểm, trong khi CNN đưa tin chênh lệch giữa Biden và Trump là 14 điểm, còn theo BBC và Wall Street Journal, mức chênh lệnh lên tới 16 điểm.

Tuy nhiên, qua phân tích cơ sở ủng hộ cử tri, tỷ lệ tham gia bỏ phiếu thực tế (turnout) và sự phân hóa chính trị trong lòng nước Mỹ, tôi cho rằng cần rút tỷ lệ chênh lệch giữa Biden và Trump xuống còn 52-42.

Các kết quả thăm dò dư luận của Mỹ có thể đúng về người thắng cử, nhưng không phản ánh sự sát sao, sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ trên thực tế. Điều này thấy rõ qua diễn biến bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, khi kết quả bỏ phiếu cho Biden và Trump là rất sát nhau, mà không có khoảng cách lớn giữa hai ứng viên như kết quả thăm dò dư luận trước đó.

Chẳng hạn, thăm dò dư luận đưa ra nhận định rằng ông Trump có thể mất bang Texas, mất cả bang Florida, nhưng nếu ngay từ đầu mà ông Trump mất luôn hai bang này thì cánh cửa đi tiếp không mở sang các bang khác.

Trên thực tế, cuộc bầu cử ngày 3/11 (giờ Mỹ) chứng kiến cuộc rượt đuổi kết quả rất sít sao đến phút chót. Phải đến lúc Michigan (16 phiếu đại cử tri) và Wisconsin (10 phiếu đại cử tri) đổi màu xanh (màu tượng trưng của đảng Dân chủ) thì khoảng cách hai ứng viên mới nới rộng. Đặc biệt, thời điểm tỷ lệ kiểm phiếu ở bang Wisconsin đạt 94% thì sắc đỏ (màu đặc trưng của đảng Cộng hòa) vẫn lấn lướt và nghiêng về Trump, nhưng khi tỷ lệ kiểm phiếu lên 95%, chiến thắng nghiêng về Biden. Sự sít sao đó thể hiện rõ qua phông tuyến 49:51, 48:52, chứ không phải người Mỹ đã lựa chọn Biden một cách dễ dàng.

Nước Mỹ đang trong khủng hoảng kép và những thách thức nào đang trực chờ tân tổng thống Mỹ, thưa ông?

Có thể lựa chọn Biden là lựa chọn tốt nhất cho nước Mỹ lúc này, nhưng có thể chưa phải sự lựa chọn hoàn hảo. Mỗi một cử tri/người dân Mỹ có sự lựa chọn cân nhắc rất khác nhau. Đặc biệt, với các cử tri nòng cốt của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, dù ai là ứng viên tranh cử tổng thống thì họ vẫn lựa chọn người cùng đảng.

Có những cử tri ra quyết định dựa trên định hướng chính sách của ứng viên tranh cử, trong khi cử tri khác lại chọn xem ứng viên tranh cử nào mang lại “cơm ăn áo mặc” và sự ổn định. Mặt khác, có những cử tri lựa chọn theo tính cách của ứng viên.

Ông Demetri Zunzunegui gỡ bỏ cờ ủng hộ ông Joe Biden và người đồng hành Kamala Harris khỏi xe ô tô của mình sau kết quả bầu cử tại thành phố Miami, bang Florida. Ảnh: AFP
Nước Mỹ vốn đã phân hóa về chính trị - xã hội nhưng qua cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 thì mức độ phân hóa càng tăng lên. Trong ảnh: Demetri Zunzunegui gỡ bỏ cờ ủng hộ ông Joe Biden và người đồng hành Kamala Harris khỏi xe ô tô của mình sau kết quả bầu cử tại thành phố Miami, bang Florida. Ảnh: AFP

Như vậy, không thể khẳng định rằng người Mỹ đều chọn Biden, nhưng rõ ràng rằng những gì đảo lộn nước Mỹ trong năm 2020, đặc biệt là dịch Covid-19 tái bùng phát dẫn đến cuộc khủng hoảng nhiều chiều của nước Mỹ, cả ở y tế, sức khỏe, kinh tế - xã hội đã đảo chiều cơ và vận của các ứng viên tranh cử.

Mỗi cuộc bầu cử của nước Mỹ, nếu trong trạng thái bình thường thì người Mỹ quan tâm nhất là kinh tế và việc làm, nhưng khi dịch bệnh ập đến hay vào những thời điểm khác nhau của lịch sử như khủng hoảng thì điều người Mỹ quan tâm nhất là việc xử lý khủng hoảng đó.

Nhưng một khía cạnh khác đề cập là bất cứ ai trúng cử tổng thống Mỹ, sẽ phải đối diện với hai vấn đề rất lớn qua cuộc bầu cử và nền chính trị - xã hội Mỹ lúc này. Một là thách thức lớn nhất và có lẽ quan trọng hàng đầu đối với tổng thống Mỹ là làm sao kiểm soát được đại dịch Covid-19, nhưng vẫn mở cửa và phát triển kinh tế.

Trong tranh cử, ứng viên có thể nhấn mạnh đến bình ổn hay phát triển kinh tế, nhưng khi trở thành tổng thống, là người lãnh đạo đất nước, ứng viên trúng cử tổng thống phải làm đồng thời hai nhiệm vụ đó, bao gồm: kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế. Đây là bài toán nan giải nhất của bất kỳ ai trở thành tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021.

Hơn nữa, nước Mỹ vốn đã phân hóa về chính trị - xã hội nhưng qua cuộc bầu cử tổng thống lần này thì lại càng phân hóa. Với ông Biden và thông điệp đoàn kết nước Mỹ của ông, thì đây càng là thách thức lớn khi đắc cử tổng thống Mỹ, phải làm sao vừa giải bài toán đoàn kết nước Mỹ, vừa vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19.

Nếu Trump thua trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, phải chăng là do "vận đen" Covid-19 hay còn từ nguyên nhân sâu xa nào khác?

Chẳng ai ra tranh cử muốn thua cuộc. Nói đến về chuyện đảo vận trong mùa bầu cử năm 2020, thì cần nhìn nhận dịch Covid-19, việc kiểm soát dịch bệnh, điều hành và quản lý đất nước ra sao khiến rơi cuộc khủng hoảng kép ở cả hai chiều.

Trước hết, người Mỹ sẽ soi vào trách nhiệm của lãnh đạo đương nhiệm đang điều hành đất nước khi để đất nước rơi vào khủng hoảng kép. Thứ hai, không chỉ ông Trump và cả nước Mỹ cũng chủ quan trước đại dịch Covid-19, một đại dịch mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến khi cùng một lúc lây lan ra khắp nơi và cách lây lan và đối phó với dịch bệnh khác hoàn toàn so với các dịch bệnh trước đây như SARS hay MERS-CoV. Có lẽ đây là lần đầu tiên thế giới phải đóng cửa, phong tỏa cách ly trên diện rộng đến vậy.

Hồ sơ của Trump có những mặt tốt, nhưng điểm rơi bầu cử không thuận?

Giờ còn đang kiểm phiếu và mọi thứ vẫn chỉ là giả định. Nếu Trump thua trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, thì Covid-19 không phải lý do duy nhất và cần có cái nhìn kỹ lưỡng về sau. Nhưng rõ ràng là tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến cuộc khủng hoảng nhiều chiều ở nước Mỹ, thì lúc bầu cử người Mỹ sẽ soi vào tổng thống đương nhiệm. Nhưng nếu cuộc bầu cử được tiến hành lúc bình thường, thì người Mỹ thường sẽ xét đến hồ sơ thành tựu của các ứng viên.

Xét về hồ sơ thành tựu, thì hơn 3,5 năm trước đó, ông Trump đã gặt hái được những thành tựu trong điều hành kinh tế với GDP tăng gần 3%/năm, nhiều tập đoàn, công ty hoạt động sôi động trở lại, thị trường chứng khoán cũng ổn định và tăng cao, thị trường việc làm khởi sắc hay thậm chí có thời điểm tỷ lệ thấp nghiệp thấp kỷ lục trong 50 năm qua.

Đó là những thành tích, hồ sơ tranh cử tốt. Nhưng hồ sơ tốt này lại không rơi vào năm bầu cử trong khi hồ sơ khủng hoảng lại rơi đúng vào năm bầu cử, nên chắc chắn có tác động rất lớn đến thái độ bỏ phiếu của cử tri, bên cạnh những yếu tố khác về đảng phái, phân hóa xã hội.

Mỗi cử tri Mỹ có sự lựa chọn khác nhau, nhưng tỷ lệ chiến thắng sát sao giữa hai ứng viên không phản ánh rằng nước Mỹ nghiêng hẳn về phe Cộng hòa hay Dân chủ, mà rõ ràng có sự phân hóa, mà không phải ứng cử viên đắc cử được lòng tất cả cử tri Mỹ.

Chính sách đối ngoại của Mỹ nhiệm kỳ tới là vấn đề rất được quan tâm. Theo ông, chính sách đó chuyển biến ra sao nếu Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ?

Trong chính sách đối ngoại, trụ cột của nước Mỹ dựa vào lợi ích đất nước và vai trò toàn cầu của Mỹ. Bất cứ ứng viên nào đắc cử tổng thống cũng dựa vào trụ cột này.

Nước Mỹ trong những năm gần đây đã phải định vị lại vị trí vai trò toàn cầu và lợi ích của mình. Đơn cử cho việc này là câu chuyện tái cân bằng. Tái cân bằng là sự điều chỉnh chính sách của nước Mỹ khác đi. Đơn cử, việc đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng là sự điều chỉnh chính sách khác đi, ở đây là câu chuyện chuyển trọng tâm chính sách. Đây cũng là câu chuyện nước Mỹ đang định vị lại.

"Người Mỹ đã tính đến câu chuyện nước Mỹ không thể bao cấp và can thiệp nhiều nơi như trước".

Người Mỹ đã tính đến câu chuyện nước Mỹ không thể bao cấp và can thiệp nhiều nơi như trước. Trên thực tế, câu chuyện này đã xảy ra trước thời Tổng thống Barack Obama.

Nước Mỹ giữ những giá trị căn bản là lợi ích đất nước và vai trò toàn cầu, nhưng nước Mỹ đã và đang trong quá trình điều chỉnh chính sách do bản thân cục diện thế giới đã thay đổi rất nhiều và tương quan của Mỹ với thế giới cũng thay đổi rất nhiều.

Nhìn gần lại, vậy ông Joe Biden sẽ làm gì với chính sách đối ngoại của Mỹ? Ông Biden có 8 năm làm Phó tổng thống thời Obama, có cuộc tranh cử tổng thống năm 2020 đề cấp rất ít đến chính sách đối ngoại.

Nhưng có thể nói rằng chính sách đối ngoại của Biden có thể sẽ nhấn vào 3 điểm rất quan trọng. Thứ nhất là giữ lợi ích sát sườn của nước Mỹ - điều mà bị chi phối bởi lợi ích nước Mỹ và vai trò toàn cầu của Mỹ trong khi cả hai yếu tố này đều đang trong quá trình định vị lại.

Thứ hai, Biden có thể sẽ trở lại ngoại giao truyền thống nhiều hơn, có trật tự và ít bất ngờ hơn; tức là định ra một chiến lược và thực hiện chiến lược đó một cách rõ ràng. Ngoài ra, Biden có thể nhấn mạnh vào hệ giá trị nhiều hơn, không chỉ dân chủ, nhân quyền mà bao gồm cả môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, lao động… Đây là những thứ căn bản của đảng Dân chủ.

Thứ ba, Biden có thể sẽ tăng cường, tái tăng cường hoặc khôi phục quan hệ và tham vấn với các đồng minh như ông từng phát biểu và có lẽ ông Biden sẽ sử dụng đến kênh ngoại giao đa phương nhiều hơn như ông đã từng nói với các đồng minh.

Nhìn vào thực tại, có những điều ông Biden có thể làm ngay được, nhưng có những vấn đề Biden sẽ đối mặt với thách thức nên chưa chắc xoay chuyển được ngay mà phải kế thừa chính sách trước.

Bên cạnh đó, có những vấn đề mà Biden sẽ phải ra tầm nhìn chiến lược mới. Chẳng hạn với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đây là di sản của chính quyền Obama mà khi đó Biden là Phó tổng thống, đồng thời đây cũng là hệ giá trị của đảng Dân chủ.

Trong cuộc tranh cử lần này, ông Biden nhấn mạnh nhiều đến vấn đề biến đổi khí hậu. Cho nên, khả năng Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là rất nhiều.

Ví dụ nữa cho việc kế thừa di sản trước đó là vấn đề Trung Đông. Một Trung Đông hiện đang rất khác khi nhiều nước Ả - Rập, trong đó đi đầu là các nước vùng vịnh, tái lập quan hệ ngoại giao với Israel. Điều này đặt ra cho Biden tình thế dù cho Trung Đông sau này ra sao thì vẫn sẽ thừa kế chính sách cũ, chứ không thể một sớm một chiều thay đổi, vì rất khó thay đổi bởi Israel là đồng minh quan trọng.

Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung sẽ vẫn gia tăng

Thứ 3, Biden, trong khi theo đuổi những cái căn bản của nước Mỹ, cũng sẽ phải tìm ra các cách tiếp cận mới cho cùng mục đích đó, do quan điểm khác đảng Cộng hòa và Trump và cũng do thế giới và nước Mỹ mấy năm qua đã khác. Trước hết là trong quan hệ giữa nước Mỹ với các nước lớn. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đã chuyển quan hệ với các nước lớn từ can dự tích cực sang cạnh tranh chiến lược và coi quan hệ của Mỹ với các nước lớn là đối thủ chiến lược.

Đặc biệt, Mỹ xác định quan hệ với Trung Quốc là cạnh tranh chiến lược, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu của Mỹ. Đây không phải câu chuyện của Donald Trump hay Joe Biden mà là chuyện của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa và của cả nước Mỹ.

"Nếu như ông Donald Trump có đối đầu trực diện hơn trong quan hệ song phương với Trung Quốc, thì chưa biết ông Joe Biden sẽ làm gì. Điều này vẫn là ẩn số".

Nước Mỹ nhận ra sự thua thiệt trước sự vươn lên của Trung Quốc và bản thân Trung Quốc cũng giấu mình chờ thời và vươn lên. Câu chuyện cạnh tranh cả về lợi ích lẫn ngôi vị tạo ra nhận diện khác của nước Mỹ và nhận diện khác đó là của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Cho nên, sắp tới cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung sẽ vẫn gia tăng, nhưng có lẽ cách tiếp cận với sự cạnh tranh chiến lược gia tăng của ông Biden sẽ khác bởi khả năng ông Biden sẽ quay trở lại ngoại giao truyền thống sẽ nhiều hơn. Có thể cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc sẽ gia tăng, nhưng chắc rằng quản trị sẽ tốt hơn và có thể Biden sẽ vận động đồng minh nhiều hơn cho cuộc cạnh tranh này.

Nếu như ông Donald Trump có đối đầu trực diện hơn trong quan hệ song phương với Trung Quốc, thì chưa biết ông Joe Biden sẽ làm gì. Điều này vẫn là ẩn số.

Vấn đề tiếp theo là châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực địa chiến lược và kinh tế cực kỳ quan trọng mà Mỹ không thể bỏ được. Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện vai trò ở khu vực này, đó là lợi ích của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cho dù Trump hay Biden làm tổng thống. Vậy thì tân tổng thống Mỹ sẽ áp dụng chiến lược nào? Nếu đắc cử, chắc Biden không thể áp dụng nguyên văn chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng chắc Biden cũng không thể quay trở lại chiến lược tái cân bằng 4 năm trước đây của ông Obama.

Người Mỹ vẫn cần và chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương, nhưng chiến lược và tiếp cận thế nào thì chưa rõ, nhưng trong lòng chiến lược và cách tiếp cận đó sẽ phải có mấy điểm cốt lõi. Một là, lợi ích nước Mỹ và một trật tự mà nước Mỹ vẫn duy trì được vai trò ở khu vực này. Hai là, với cách nhìn của Biden, có lẽ ông ấy sẽ tăng cường tham vấn với đồng minh và các đối tác, sẽ coi trọng các khuôn khổ và thể chế đa phương trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương hơn. Ba là, Biden sẽ xử lý và tiếp cận cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ sẽ ra sao. Nếu nói về vấn đề Biển Đông, chắc chắn Mỹ vẫn giữ lợi ích hàng đầu và căn bản của nước Mỹ là tự do hàng hải và vai trò của nước Mỹ trong trật tự khu vực, nhưng cách làm ra sao thì chưa rõ.

Có ý kiến cho rằng nếu trở thành tổng thống Mỹ, ông Joe Biden sẽ muốn Mỹ quay lại Hiệp định TPP. Ông nghĩ sao về khả năng này?

Nói về TPP, cần phải nhìn lại mùa bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ở mùa bầu cử đó, dù là Hillary Clinton hay Donald Trump thì số phận TPP đã không còn ở thời điểm đó, bởi dường như hai đảng Dân chủ và Cộng hòa và nội bộ Mỹ không chấp nhận TPP ở thời điểm đó.

Cho nên, cách tiếp cận sắp tới không thể giữ nguyên là TPP cũ trong điều kiện CPTPP hiện nay, còn với cách tiếp cận liên kết kinh tế, tái cân bằng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chắc chắc cũng sẽ phải có cập nhật và tầm nhìn mới.

Với những dự đoán về chính sách đối ngoại của Mỹ như trên, quan hệ Việt - Mỹ sẽ phát triển ra sao trong thời gian tới, theo ông?

Quan hệ Việt - Mỹ trong 25 năm qua có hai đặc điểm lớn. Thứ nhất, trong 25 năm qua quan hệ Việt - Mỹ ngày càng phát triển và đã có những cơ sở rất lớn cho quan hệ song phương cũng như phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Một Việt Nam với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa… thì chắc chắn rất coi trọng quan hệ đối tác với Mỹ, dù Joe Biden hay Donald Trump cầm quyền. Và nước Mỹ cũng vẫn rất coi trọng Việt Nam không chỉ trong quan hệ song phương mà còn nhìn nhận vai trò của Việt Nam trong ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Càng ngày việc đan xen khuôn khổ hợp tác lợi ích giữa hai nước sẽ càng gia tăng. Hơn nữa, trong 25 năm qua, các đời tổng thống từ Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama, Donald Trump và giờ là ai đi nữa, đều đến từ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Điều này cho thấy hai đảng Dân chủ và Cộng hòa có sự song trùng lợi ích trong quan hệ Việt - Mỹ.

Chưa hết, bất kể là Joe Biden hay Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021 thì họ đều có cách tiếp cận và ưu tiên mới. Cho nên hai nước sẽ phải thảo luận đối chiếu những ưu tiên mới và nhân lên những điểm song trùng.

Dù có khác biệt về quản trị, nhưng tôi tin rằng hai nước có nhiều điểm tương đồng hơn là những khác biệt, bởi lẽ những khác biệt trong quan hệ hai nước về vị trí vai trò, địa lý, lịch sử, chính trị - xã hội, thì cả quãng thời gian qua đã chứng kiến việc quản trị khác biệt rất hiệu quả. Cho nên, đan xen lợi ích, tôn trọng và bình đẳng, cộng với những nguyên tắc điều chỉnh quan hệ cũng như thành tựu hợp tác mà hai nước đã xây dựng được, trong đó có nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau và hợp tác cùng có lợi là những điểm lớn trong quan hệ hai nước.

Bầu cử Mỹ: Ông Joe Biden tiến gần đến cánh cửa Nhà Trắng
Ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ tiến gần hơn tới chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sau khi giành chiến thắng tại 2 "chiến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư