Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Đảm bảo cung ứng đủ vắc-xin, tránh tình trạng gián đoạn
D.Ngân - 11/08/2024 14:54
 
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định về việc công bố dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, Thanh Hóa.

Ngày 11/8, UBND tỉnh Thanh Hóa công bố dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn thị trấn Mường Lát.  Theo đó, ngày 5/8, thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc bệnh bạch hầu hầu tại thị trấn Mường Lát, ngành Y tế Thanh Hóa thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, khai báo, báo cáo dịch, tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức cách ly y tế...

Bộ Y tế đề nghị các địa phương cung ứng vắc-xin kịp thời, tránh gián đoạn. Ảnh: Phương Linh

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm: Các cơ sở y tế từ tuyến xã, Bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi và các Bệnh viện tuyến Trung ương kịp thời tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân.

Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi khuẩn bạch hầu theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; đồng thời quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh do vi khuẩn bạch hầu trên địa bàn. Tăng cường chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, điều trị tích cực cho các trường hợp mắc bệnh, không để phát sinh các ổ dịch mới.

Sở Y tế Thanh Hóa có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho Chủ tịch UBND tỉnh về các biện pháp và kết quả phòng, chống dịch bệnh do vi khuẩn bạch hầu.

Để phòng chống dịch bệnh nói chung và bạch hầu nói riêng, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng chống dịch năm 2024, cùng các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh.

Theo đó Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh quốc tế và trong nước; chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, quản lý, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch và vận động tiêm chủng vắc-xin đầy đủ.

Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn;

Tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng chống dịch;

Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai;

Đảm bảo tổ chức tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh;

Cùng đó, xây dựng các sản phẩm, thông điệp truyền thông về các biện pháp phòng bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của từng địa phương; Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, hệ thống truyền thông cơ sở và các đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh, đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh theo mùa;

Tổ chức các hoạt động phòng chống dịch bệnh nhất là bệnh sốt xuất huyết tại hộ gia đình, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng. Triển khai phun hóa chất diệt muỗi tại những vùng có nguy cơ xảy dịch cao;

Tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ; thực hiện tốt truyền thông học đường về phòng, chống dịch và tiêm vắc-xin phòng bệnh và công tác y tế trường học để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh;

Ngoài ra, rà soát, đảm bảo sẵn sàng công tác hậu cần, thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh, tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người mắc bệnh;

Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận các ổ dịch, các địa phương chưa quản lý tốt đối tượng tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Theo đại diện Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo cung ứng đầy đủ vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2024/NĐ-CP ngày 05/2/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; theo đó ngân sách Trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bộ Y tế đã hướng dẫn, chỉ đạo các tỉnh/thành phố và tổng hợp nhu cầu vắc-xin trên cả nước; hoàn thành thủ tục mua sắm 10 loại vắc-xin sản xuất trong nước và chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận khoảng 21 triệu liều trên tổng số 25,5 triệu liều của 12 loại vắc-xin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng từ nguồn thu mua và viện trợ; phân bổ theo kế hoạch cho các địa phương.

Ngày 10/6/2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1596/QĐ-BYT về Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024; căn cứ vào Kế hoạch này, các địa phương và đơn vị xây dựng và triển khai Kế hoạch tiêm chủng để đảm bảo việc cung ứng đầy đủ vắc-xin, tránh tình trạng gián đoạn.

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan để đảm bảo cung ứng đủ vắc-xin, trang thiết bị và vật tư y tế, đồng thời chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai hoạt động tiêm chủng.

[Ảnh] Quy trình tiêm chủng vắc-xin bạch hầu tại SafPo/Potec
Những ngày gần đây, lượng người đi tiêm vắc-xin bạch hầu tăng cao. Các cơ sở tiêm chủng luôn nỗ lực để đảm bảo cung cấp vắc-xin cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư