Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Đáng lo khi doanh nghiệp tăng gửi tiền ngân hàng, người dân lại rút tiền đầu tư chứng khoán
T.L - 24/08/2021 11:33
 
Huy động vốn của ngân hàng tăng thấp kỷ lục song riêng tiền gửi của doanh nghiệp lại tăng lên. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là dấu hiệu đáng lo của nền kinh tế.
TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế
TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế

Đáng lo nhất là doanh nghiệp chỉ biết giữ tiền trong ngân hàng

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 6/2021, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 2,94%; tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,1 triệu tỷ đồng, tăng 4,78% so với cuối năm 2020. Diễn biến trên hoàn toàn trái ngược so với bình quân các năm trước, khi tăng trưởng tiền gửi của dân cư thường lớn hơn nhiều so với các tổ chức kinh tế. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn chung của cả hệ thống thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng (6 tháng tăng 5,1%).

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, tiền gửi dân cư giảm nguyên nhân là thu nhập người dân giảm do ảnh hưởng của Covid 19. Thêm vào đó, lãi suất ngân hàng không còn đủ hấp dẫn khiến một bộ phận người dân chuyển tiền nhàn rỗi sang các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng…  

Tuy nhiên, đáng lo hơn cả là tiền gửi của doanh nghiệp tại các ngân hàng tăng cao. Nguyên nhân là do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp không thể mua nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa, phải dừng hoạt động do giãn cách xã hội… Chính vì vậy, tiền bán hàng thu về, tiền vốn phải tạm giữ trong ngân hàng, không thể chuyển thành dòng tiền kinh doanh. Điều này sẽ phần nào ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm nay.

Không nên khuyến khích người dân đầu tư chứng khoán

Theo TS. Đinh Thế Hiển, việc người dân chuyển tiền từ ngân hàng sang chứng khoán, bất động sản... là dấu hiệu đáng lo, tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư lẫn nền kinh tế.

Ví dụ, với kênh đầu tư bất động sản, việc người dân đổ tiền vào kênh này với kì vọng giá lên có điểm tích cực là giúp bất động sản tăng giá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và ngành bất động sản phục hồi, từ đó kích thích nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, nếu người dân và tổ chức tăng một cách thái quá lượng tiền vào kênh bất động sản, gây ra hiện tượng sốt đất thì lại có thể gây tổn hại nền kinh tế, bởi dòng vốn này không được đưa vào kinh doanh tạo việc làm cho người lao động, không đảm bảo an sinh xã hội, thu ngân sách. Thậm chí, việc đầu tư này đến lúc nào đó còn tạo thành nguy cơ “bong bóng” bất động sản.

Về chứng khoán, lượng tài khoản cá nhân đầu tư chứng khoán thời gian qua đã tăng vọt, đây có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán đã phát triển. Tuy vậy, theo chuyên gia này, không nên khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán.

“Điều này nghe có thể “sai sai”, nhưng vấn đề ở đây là phải hướng người dân tham gia đầu tư chứng khoán một cách có tổ chức, bài bản. Vì nhà đầu tư cá nhân sẽ tạo thành các đợt sóng lên - xuống, khiến nguồn vốn vào thị trường dựa theo “lướt sóng” và biến chuyển không tương xứng với thực chất hoạt động của doanh nghiệp. Có doanh nghiệp kinh doanh không tốt, nhưng nhiều cá nhân tham gia vào cổ phiếu của doanh nghiệp đó thì sẽ lên giá, sau đó lại xuống giá nhanh chóng, thiếu bền vững”, TS. Đinh Thế Hiển cho hay.

Theo chuyên gia này, kinh nghiệm về vận hành thị trường tài chính tại các quốc gia phát triển cho thấy, số nhà đầu tư cá nhân tham gia trực tiếp vào giao dịch chứng khoán rất ít. Người dân chủ yếu chuyển vào các kênh đầu tư như quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện, như một cách đóng thêm tiền hưu để được hưởng cuộc sống an nhàn về sau. Quỹ hưu trí tự nguyện này cũng là dạng kinh doanh, giữ tiền hưu trí của người dân để đầu tư vào các kênh an toàn như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, cũng tham gia chứng khoán nhưng là chứng khoán đầu tư có tổ chức.

Hoặc bên cạnh đó, người dân có thể tham gia đầu tư chứng khoán thông qua các quỹ mở, do các nhóm chuyên nghiệp hỗ trợ đầu tư chứng khoán theo các thông tin cụ thể, chính thống. Nhưng ở Việt Nam, các quỹ này chưa phát triển, ít người biết đến nên phần đông cá nhân vẫn tự tham gia đầu tư, nên thiếu tính bền vững, an toàn cho nhà đầu tư cũng như chính thị trường.

Khó hạ lãi suất huy động thêm nữa

Trong bối cảnh tiền gửi dân cư tăng chậm kỷ lục, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là các cơ quan quản lý phải kiểm soát thật tốt lạm phát.

“Lạm phát nếu giữ ở mức dưới 4%, lãi suất ngân hàng ở mức 6-6,5% thì lãi suất tiền gửi thực tế của người dân vẫn luôn thực dương, thay vì đẩy lãi suất lên cao để thu hút tiền gửi. Theo tôi, lãi suất tiền gửi nên ổn định để mức lãi suất cho vay ổn định, giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được thuận lợi, giữ được giá cả hàng hóa không tăng cao, thu nhập người lao động ổn định, giúp cuộc sống của người dân từ đó cũng trở lại bình thường. Việc điều hành này cần dựa vào chính sách tiền tệ để giữ được lạm phát thấp”, TS. Hiển phân tích.

Dù vậy, theo chuyên gia này, cuối năm nay và đầu năm sau, mặt bằng lãi suất sẽ có xu hướng tăng nhẹ.

Bởi sau khi Chính phủ và các địa phương xử lý xong tình hình dịch bệnh, chấm dứt giãn cách xã hội, nhu cầu về dòng tiền và tín dụng sẽ tăng vì doanh nghiệp cần tiền để sản xuất kinh doanh, khiến các ngân hàng phải nhanh chóng thu hút tiền gửi. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi cứ ép ở mức thấp sẽ không tốt cho thu hút tiền gửi. Vì vậy, lãi suất sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ lên, không tiếp tục giảm xuống nữa.

Ngân hàng Nhà nước công khai kết quả giảm lãi suất của từng ngân hàng
Trước phản ánh của nhiều doanh nghiệp về việc giảm lãi suất “chỉ có trên tivi”, NHNN khẳng định sẽ công khai kết quả thực hiện cam kết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư