Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đánh thuế mua vàng: Cẩn thận tránh thuế chồng thuế
Hà Tâm - 11/07/2024 08:03
 
Trước luồng ý kiến cần đánh thuế mua vàng để người dân “bớt yêu vàng”, các chuyên gia cho rằng, cần phải tính toán một cách có cơ sở, không thể đánh thuế một cách vô tội vạ, tránh “thuế chồng thuế”.

Thuế không phải là chìa khóa vạn năng

Để làm giảm bớt sức hấp dẫn của vàng, hiện nay, nhiều chuyên gia kiến nghị xem xét lại mức đánh thuế vàng cho phù hợp. PGS-TS Nguyễn Thị Mùi đề xuất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.

Theo bà Mùi, giải pháp thuế sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một bộ phận nhà đầu tư, tác động tới tâm lý người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.

Thuế còn là công cụ quản lý đảm bảo tính công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung. Hiện nay, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản... đều được điều tiết bằng thuế thu nhập cá nhân, nên cũng cần tính giải pháp phù hợp với vàng.

Dù vậy, ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, chính sách thuế với vàng hiện nay là vô cùng rõ ràng. Cần cân nhắc khi áp dụng thêm các loại thuế với vàng, bởi thuế không phải là chìa khóa vạn năng.

Thị trường hiện có 2 loại vàng chính, gồm vàng ngoại hối (do NHNN quản lý) và vàng trang sức. Với vàng ngoại hối (do NHNN thực hiện độc quyền nhập khẩu, nhằm tăng dự trữ ngoại hối) đang được áp thuế 0% vì vàng trong trường hợp này là tiền.

Còn với vàng trang sức - ngành kinh doanh có điều kiện - thuế nhập khẩu là dưới 3% và thuế giá trị gia tăng được áp dụng giống như hàng hóa thông thường (10%).

Hiện tại, các cơ sở kinh doanh vàng phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, Luật Thuế giá trị gia tăng quy định đánh thuế giá trị gia tăng vào giá trị tăng thêm do hoạt động sản xuất - kinh doanh, chế tác vàng, với thuế suất 10% nhân với chênh lệch giữa giá bán trừ đi giá mua. Nếu doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận thì sẽ phải đóng cả thuế thu nhập doanh nghiệp.

Với hộ kinh doanh, nếu theo diện nộp thuế khoán thì hội đồng tư vấn thuế, xã, phường cùng chính quyền địa phương xác định mức doanh thu khoán để ấn định mức thuế khoán. Với hộ kinh doanh theo diện kê khai, thì cần đầy đủ chứng từ, hóa đơn và kê khai thuế như doanh nghiệp và nộp thuế bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân với hoạt động kinh doanh và thuế giá trị gia tăng.

"Tôi cho rằng, cách quản lý như vậy là tốt và minh bạch, rõ ràng. Với những hộ kinh doanh nhỏ, mức doanh thu khoán có thể đâu đó còn có vấn đề, chưa phản ánh đúng doanh thu, song ngành thuế đang đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử, qua đó, dữ liệu sẽ chính xác hơn, thu thuế sẽ đúng hơn”, ông Phụng nói.

Đánh thuế người mua vàng là thuế chồng thuế

Cơn sốt vàng diễn ra từ đầu năm đến nay làm dấy lên nỗi lo “vàng hóa” nền kinh tế. Để người dân bớt lao vào nắm giữ vàng vật chất, nhiều chuyên gia đề xuất nên đánh thuế giao dịch vàng, giống như đánh thuế chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng chứng khoán.

Nếu tiếp tục đánh thuế trên tổng giá trị mua vàng của người dân - tức đánh thuế tài sản cá nhân của người dân - là thuế chồng thuế.

- Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng

Dù vậy, nhiều chuyên gia lại cho rằng, cần thận trọng với đề xuất này. Theo ông Nguyễn Văn Phụng, người dân sở hữu vàng như một loại tài sản cá nhân. Thói quen tích trữ vàng, mua vàng làm của hồi môn cho đám cưới đã trở thành tập quán của người dân. Đó là nhu cầu chính đáng. Lâu nay, người dân đem bán vàng cho các cơ sở kinh doanh thu mua, chuyển đổi thành tiền thì không bị đánh thuế.

Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) phân tích, người dân mua vàng về để tích trữ bằng thu nhập của mình, họ đã làm việc và phải nộp thuế rất nhiều lần. Chính sách thuế với vàng hiện nay là đầy đủ. Nếu tiếp tục đánh thuế trên tổng giá trị mua vàng của người dân - tức đánh thuế tài sản cá nhân của người dân - là thuế chồng thuế.

Theo các chuyên gia, đánh thuế - dù với bất kỳ mặt hàng nào - cũng phải có cơ sở kinh tế, phải từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, chứ không thể đánh thuế vô tội vạ.

Trên thực tế, chính sách thuế với vàng hiện nay là tương đối đầy đủ. Vấn đề đặt ra với thị trường vàng lâu nay là tình trạng trốn thuế. Vì vậy, chỉ cần thống kê chính xác và thu thuế đầy đủ là góp phần quản lý chặt chẽ thị trường vàng.

Đáng mừng là, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15/6/2024, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng sẽ bị rút giấy phép. Điều này sẽ tránh được thất thu thuế.

Quan trọng nhất là thông qua công cụ thuế sẽ làm minh bạch được các giao dịch, làm rõ danh tính người mua, người bán, khối lượng giao dịch…, từ đó, chống giao dịch bất hợp pháp, chống rửa tiền. Khi đó, cùng với các công cụ khác, thuế sẽ giúp NHNN quản lý thị trường vàng tốt hơn.

Để người dân bớt “đắm đuối” vào vàng, theo các chuyên gia, cần có giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo giá trị tiền đồng và kích thích sản xuất - kinh doanh phát triển. Có như vậy, dòng tiền sẽ chảy sang sản xuất - kinh doanh và các kênh đầu tư khác, thay vì chảy vào vàng.

Đánh thuế đầu cơ vàng để quản lý thị trường
Trước thực tế thị trường vàng biến động như hiện nay, nhiều chuyên gia đề xuất đánh thuế giao dịch vàng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư