Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đặt cược với cổ phiếu ngân hàng
Vân Linh - 10/10/2018 09:36
 
Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng khả quan và xu hướng lợi nhuận quý IV luôn cao hơn các quý khác trong năm là những nhân tố được kỳ vọng tác động tích cực lên cổ phiếu “vua”.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn thận trọng, bởi cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa rất lớn.

Thu nhập trên mỗi cổ phiếu tăng cao

Bà Dung Vũ, chuyên gia phân tích của StoxPlus cho biết, trong nửa đầu năm 2018, lĩnh vực ngân hàng đã thu về được 35.524,84 tỷ đồng lợi nhuận ròng, bằng khoảng 64% so với cả năm ngoái, nhờ tiến trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, phát triển hợp tác Bancassurance… Do vậy, cổ phiếu ngân hàng cũng hấp dẫn hơn.

.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang được giới phân tích chứng khoán đánh giá là nhóm đóng vai trò dẫn dắt chính của thị trường, thu hút dòng tiền tốt nhất

Đến tháng 9/2018, cổ phiếu nhóm ngành này đã tăng 22% so với hồi đầu năm. StoxPlus dự báo, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt dù ngân hàng khó có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng kịch trần 17%. Số liệu của FiinPro cho thấy, các nhà phân tích dự báo EPS ngành ngân hàng sẽ tăng 42,1% vào cuối năm 2018, trong khi các nhà băng thận trọng hơn với mức dự báo 35,7%, còn theo tính toán của StoxPlus, con số này là 29,9%.

Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS) cho biết, tính bình quân, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết nửa đầu năm nay đạt 53,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tín dụng tăng trưởng chậm hơn, nhưng thu nhập ngoài lãi tăng mạnh đã giúp các ngân hàng đạt kết quả khả quan. Kỳ vọng nửa cuối năm 2018, theo VPBS, lợi nhuận của ngành tiếp tục tăng trưởng tốt.

Thực tế, cổ phiếu ngành ngân hàng đã ấm lên từ cuối năm 2017 và lan tỏa sức nóng cho đến nay. Việc này đã thôi thúc không ít ngân hàng lên sàn, như VPBank, HDBank, Techcombank, TPBank và sắp tới, OCB niêm yết sàn HoSE; VIB, LienVietPostBank chuyển từ UPCoM sang sàn HoSE.

Vẫn thận trọng khi mua

Lợi nhuận khả quan, cùng các thông tin tích cực đang tác động lên cổ phiếu “vua”.

Trung tâm nghiên cứu BIDV vừa đưa ra bản phân tích cho thấy, tổng nợ xấu của ngân hàng này đã giảm mạnh từ 17,2% năm 2012 còn 6,7% vào cuối quý II/2018. Đó là con số về tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ cơ cấu lại trên tổng dư nợ. Đạt được kết quả này một phần nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý hơn (giai đoạn 2011 - 2017, tăng trưởng tín dụng bình quân là 14,3%/năm, thấp hơn so với mức tăng 34%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010). Các nhà phân tích cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận của BIDV đến từ 3 động lực chính: tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) cải thiện từ mức 3,05% cùng kỳ lên 3,16%; thu nhập ngoài lãi tăng mạnh nhờ ngân hàng tăng thu phí, bán chéo sản phẩm và hoạt động bancasurrance và dự phòng giảm.

Dù hấp dẫn, song cổ phiếu ngân hàng chưa hẳn là sự lựa chọn tối ưu cho mọi nhà đầu tư, nhất là với những người tìm kiếm sự ổn định cao trong danh mục đầu tư

Trong khi đó, một số nhà băng chuẩn bị bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại. Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho Vietcombank tăng vốn điều lệ từ hơn 35.977 tỷ đồng lên trên 39.575 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ tỷ lệ 10% đã được thông qua trước đó. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận về nguyên tắc phương án sáp nhập PGBank vào HDBank. Việc nhận sáp nhập PGBank sẽ giúp room ngoại đang được lấp kín tại HDBank trống ra khoảng 900 tỷ đồng. Điều này sẽ tiếp tục làm tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu HDBank...

Không tránh khỏi những phiên điều chỉnh theo xu hướng thị trường, song nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang được giới phân tích chứng khoán đánh giá là nhóm đóng vai trò dẫn dắt chính của thị trường, thu hút dòng tiền tốt nhất. StoxPlus đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản dẫn dắt thị trường với đóng góp tới 40% vào tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường trong nửa cuối năm 2018. Tuy nhiên, bà Dung Vũ cũng cho rằng, cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa rất lớn trong hệ thống.

Nhà băng kinh doanh hiệu quả thu hút nhà đầu tư mua cổ phiếu. Ngược lại, cổ phiếu ngân hàng kém hiệu quả, nợ xấu cao sẽ khó hút dòng tiền. Mặt khác, áp lực tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng hiện rất lớn. Theo Moody’s, với mức tăng trưởng tín dụng hiện nay, các ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm 7 - 9 tỷ USD để tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 ở mức 11% vào năm 2018 và 2019. Vì thế, dù hấp dẫn, song cổ phiếu ngân hàng chưa hẳn là sự lựa chọn tối ưu cho mọi nhà đầu tư, nhất là với những người tìm kiếm sự ổn định cao trong danh mục đầu tư.

Thận trọng với cổ phiếu “vua” thời đua tăng vốn
Không một nhà băng nào quên trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay, với mục đích nâng cao năng lực tài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư