Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Đất đai và doanh nghiệp
Bảo Duy - 21/09/2022 09:44
 
Tiếp cận đất đai dễ dàng là một trong những điều kiện tiên quyết để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, sự dễ dàng, thuận tiện này còn tăng hiệu quả của các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Các đợt khảo sát doanh nghiệp gần đây đang cho thấy, sau 2 năm chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, doanh nghiệp đang rất cần vốn để sớm hồi phục. Tuy nhiên, cơ hội tiếp cận tín dụng vẫn không dễ, thậm chí đang được cho là khó hơn đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, khi thiếu cả vốn, thị trường và lao động.

Thậm chí, giới chuyên gia kinh tế đang lo ngại rằng, ngay cả khi các nút thắt của gói hỗ trợ lãi suất 2% được gỡ bỏ như cam kết của Ngân hàng Nhà nước, thì dòng vốn cũng khó thông khi các dự án liên quan đến đất đai vẫn vướng rất nhiều thủ tục; các doanh nghiệp vẫn không dễ có được tài sản thế chấp là đất đai và tài sản gắn liền với đất - loại tài sản thường được các tổ chức tín dụng chấp nhận trong các giao dịch giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Thực ra, tiếp cận tín dụng luôn là một trong những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có khoảng 33% doanh nghiệp trả lời khảo sát về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 (tính cả doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và doanh nghiệp FDI) hiện có khoản vay từ các tổ chức tín dụng.

Song đáng chú ý là, trong số 2/3 doanh nghiệp còn lại chưa tiếp cận được tín dụng, thì lý do hàng đầu là do họ không có tài sản thế chấp (chiếm 80% doanh nghiệp). Khó khăn này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đi tìm những nguồn khác như vay từ bạn bè, người thân, hoặc cầm cố, bán tài sản, thậm chí cả nguồn “tín dụng đen”.

Dữ liệu khảo sát PCI cũng cho thấy, tiếp cận đất đai là điều vô cùng khó với doanh nghiệp. Lý do có nhiều, bởi thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều phiền hà; bởi công tác quản lý, quy hoạch đất đai, cung cấp thông tin về đất đai chưa được thực hiện tốt.

Tình trạng chi trả chi phí không chính thức trong giải quyết thủ tục đất đai còn tương đối phổ biến. Nhiều chính quyền địa phương cũng lúng túng trong thực thi chính sách của Nhà nước, đặc biệt là việc xác định giá đền bù đất đai khi có thu hồi đất.

Rõ ràng, việc doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn đồng nghĩa họ có thể có một loại tài sản thế chấp hữu hiệu trong trường hợp muốn vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Ngược lại, nếu không tiếp cận được tín dụng, thì nhiều doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc không thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, bỏ lỡ cơ hội đầu tư cho tài sản mới.

Đây là vòng luẩn quẩn kiềm chế sự phát triển lâu dài của khu vực doanh nghiệp.

Khi bàn về những khó khăn này, nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi việc sửa đổi Luật Đất đai, với kỳ vọng sẽ góp phần gỡ bỏ nhiều nút thắt về thể chế và khung khổ pháp luật. Song, có nhiều việc có thể bắt tay thực hiện ngay, mà không cần phải chờ sửa Luật Đất đai.

Chẳng hạn, việc tăng cường công khai, minh bạch thông tin, hỗ trợ giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp ở cấp chính quyền địa phương, cơ quan thực thi. Việc thực hiện thực chất nỗ lực cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình thủ tục về đất đai, giảm nhũng nhiễu trong thực thi công vụ cũng là giải pháp để doanh nghiệp nhìn thấy được cơ hội an cư, từ đó thúc đẩy các kế hoạch đầu tư mở rộng quy mô.

Và không chỉ là những nỗ lực cải cách trong lĩnh vực đất đai, tín dụng, vì để phục hồi, doanh nghiệp cần môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng trên mọi phương diện.

Cần thay đổi cơ bản chính sách tài chính về đất đai
Tóm tắt kết quả hội thảo chuyên đề hoàn thiện chính sách về đất đai trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư