Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Đạt thỏa thuận một phần, Mỹ - Trung mở đường tính chuyện lớn
Lê Quân (Business Insider) - 12/10/2019 12:09
 
Sau nỗ lực đàm phán thương mại cấp cao, Mỹ và Trung Quốc đã đi đến thỏa thuận ở mức chừng mực, tạm thời xoa dịu tranh chấp “cay đắng” giữa hai bên và dọn đường giải quyết các vấn đề lớn hơn vào cuối năm nay.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc được hộ tống bởi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (bìa phải) và Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin vào Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Ảnh: AFP
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc được hộ tống bởi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (bìa phải) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vào Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Ảnh: AFP

"Chúng tôi đã đi đến thỏa thuận giai đoạn 1 rất có giá trị", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với báo giới tại Phòng Bầu dục. Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa được chắp bút, người đứng đầu Nhà Trắng nói thêm.

Sau 2 ngày đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung (ngày 10-11/10), chính quyền Mỹ cho biết sẽ hoãn tăng thuế lên 30% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc như đã dự kiến vào ngày 15/10. Đổi lại, Trung Quốc cam kết tăng cường mua nông sản Mỹ và thay đổi một số quy định tiền tệ.

Thỏa thuận trên cũng bao gồm các điều khoản về bảo vệ sở hữu trí tuệ và công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các vấn đề thương mại khác của Trung Quốc được xác định trong cuộc điều tra theo điều 301 của Đạo luật thương mại Mỹ sẽ được giải quyết ra sao. Trước đó, Mỹ thực hiện điều tra theo điều 301 về cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ.

"Các vấn đề liên quan đến cấu trúc (kinh tế) chưa bao giờ thích hợp đối với đàm phán hai bên, những vấn đề này nên đưa sang giải quyết ở bình diện rộng hơn," bà Mary Lovely, một học giả thương mại tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định.

Thương chiến Mỹ - Trung với các đòn trả đũa thuế quan liên tiếp lên hàng hóa của nhau hơn 1 năm qua đã khiến không ít doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ mắc “kẹt”.

Tác hại của thuế quan thương chiến ngày càng rõ rệt ở Mỹ, dễ thấy nhất là đẩy chi phí tăng lên và phá vỡ chuỗi cung ứng nông nghiệp và sản xuất chế tạo.

Tổng thống Trump từ lâu cho rằng bất kỳ nỗi đau kinh tế nào do chính sách bảo hộ của Mỹ đều xứng đáng nhận được sự nhượng bộ (từ phía Trung Quốc) trong các vấn đề mang tính cấu trúc như trợ cấp quy mô lớn và chuyển giao công nghệ.

"Chính quyền Trump đã có thỏa thuận lớn về đánh cắp sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ", bà Judith Alison Lee, luật sư thương mại quốc tế tại hãng luật Gibson Dunn nhận định.

"Vì vậy, nếu thỏa thuận lần này không đề cập gì về sở hữu trí tuệ, sẽ rất khó để chính quyền Mỹ biến nó thành vấn đề lớn," bà Lee nói thêm.

Thỏa thuận mới đây mà hai bên đạt được trong bối cảnh nhiều lo ngại về cuộc điều tra luận tội đối với Tổng thống Trump. Người đứng đầu Nhà Trằng nhiều lần khẳng định một nền kinh tế mạnh có thể làm suy yếu bất kỳ lời phàn nàn, khiếu nại về việc ông Trump dùng Nhà Trắng để kêu gọi sự giúp đỡ của nước ngoài nhằm phục vụ lợi ích chính trị của mình.

"Làm thế nào để bạn luận tội một Tổng thống tạo ra nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử của nước mình?" ông Trump đăng tải trên Twitter vào cuối tháng trước.

Bất ổn thương chiến Mỹ - Trung kéo chứng khoán châu Á đi xuống
Chứng khoán châu Á quay đầu giảm điểm phiên sáng 9/10 do những bất ổn ngày càng tăng đối với thương chiến Mỹ - Trung.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư