Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết đang ở mức nguy hiểm ở trẻ em
D.Ngân - 02/11/2022 20:54
 
Các bác sĩ nhi khoa đã đưa ra những dấu hiệu cảnh báo giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ.

Theo bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết Dengue có thể từ không triệu chứng, biểu hiện nhẹ đến nguy kịch. 

Chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi sát diễn biến khi trẻ mắc sốt xuất huyết để đưa đến cơ sở y tế kịp thời

Vì biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu, nên cần theo dõi sát sao, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm (shock) sớm, để nhanh chóng nhập viện, can thiệp sớm giảm nguy cơ tử vong.

Dấu hiệu cảnh báo là quá trình chuyển nặng/ nguy kịch, thường là ở giai đoạn sốt muộn (late febrile) hay còn gọi là giai đoạn hạ sốt.

Khi nhiệt độ giảm xuống bình thường (bệnh nhân hạ sốt/ hết sốt, nhiệt độ < 38 độ C), là thời điểm các dấu hiệu nặng xuất hiện, có thể nguy hiểm đến tính mạng, liên quan đến thoát mạch (dịch/plasma thấm ra khỏi lòng mạch);

Trẻ bị ứ dịch (ở các khoang cơ thể như khoang màng phổi gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng bụng,…), tình trạng suy hô hấp/ khó thở, chảy máu và suy giảm chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể.

Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cần chú ý: Bụng chướng, đau bụng; nôn (ít nhất 3 lần trong 24h): Nôn liên tục, dai dẳng; chảy máu mũi, niêm mạc miệng; nôn máu, phân máu; khó thở, mệt, kích thích, bồn chồn, li bì, da lạnh, ẩm

Nếu có những  dấu hiệu dưới đây, trẻ mắc sốt xuất huyết phải vào viện điều trị gấp: Đau bụng, li bì/ kích thích và nôn liên tục;

Thay đổi đột ngột: Đang sốt cao, trẻ hạ thân nhiệt. Trẻ bắt đầu xuất hiện chảy máu (mũi, miệng, tiểu máu, phân máu) hoặc da niêm mạc xanh tái. Chân tay trẻ lạnh, ẩm. Đau bụng, ấn tức vùng bụng.

Một số chuyên gia khác thì cho hay, hai trường hợp có nguy cơ chuyển biến nặng là trẻ nhỏ và trẻ thừa cân, béo phì.

Với trẻ nhũ nhi, mắc sốt xuất huyết, diễn biến thường khá phức tạp và khó đoán do khả năng đánh giá huyết áp, triệu chứng khó nhận biết. Trẻ không nói được nên biểu hiện như đau mệt, mệt mỏi không xác định được.

Nhóm thừa cân, béo phì thường khó điều trị, nguy cơ chuyển biến nặng rất cao. Không riêng gì sốt xuất huyết, hầu hết người có thể trạng thừa cân, béo phì thường có khả năng chuyển nặng cao hơn khi mắc bệnh.

Cũng theo bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết là bệnh có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà bằng các kiến thức y khoa thông thường như nghỉ ngơi, uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, uống thuốc hạ sốt và chủ động phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm để đi khám, nhập viện điều trị.

Khi điều trị tại nhà, do sốt xuất huyết thường sốt cao (39-40,5 độ), sốt liên tục và dai dẳng, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, người bệnh chỉ uống hạ sốt paracetamol (dùng đúng liều đúng khoảng cách), lưu ý không dùng hạ sốt Ibuprofen.

Ibuprofen hạ sốt mạnh và thời gian tác dụng dài hơn so với Paracetamol, song không được dùng cho trẻ mắc sốt xuất huyết vì có thể gây xuất huyết tiêu hóa.

Một trong biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết đó là cơ thể thiếu/mất dịch, rơi vào tình trạng sốc. Do đó, khi được chẩn đoán là sốt xuất huyết, điều quan trọng đó là bảo đảm đủ cơ thể đủ nước. Có 3 loại đồ uống rất tốt cho hồi phục sốt xuất huyết là: Oresol, sữa, nước hoa quả cung cấp điện giải và multivitamin ( chuối, cam, kiwi, bơ, dừa).

Trong giai đoạn đầu của sốt xuất huyết (pha sốt), trên 70% người bệnh có thể tự theo dõi và chăm sóc ở nhà bằng chế độ dinh dưỡng và uống đủ nước. 

Trong giai đoạn này người bệnh mệt, đau mỏi người và khớp, do vậy được nghỉ ngơi đủ là rất quan trọng. Hãy cố ngủ càng nhiều càng tốt, giúp cơ thể nghỉ ngơi và hồi phục.

Những thực phẩm tốt nhất cho trẻ bị sốt xuất huyết là: Nước tinh khiết, oresol, nước dừa, nước trái cây; sữa, các chế phẩm từ sữa; thực phẩm nhiều đạm (protein): thịt nạc (thịt gà, thịt bò, cá), gan; trứng.

Các thực phẩm phải tránh cho trẻ khi mắc sốt xuất huyết là thực phẩm rán/nhiều dầu mỡ; đồ uống có caffein/có ga như coca/pepsi; thực phẩm mỡ/béo, gia vị cay.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước đã ghi nhận hơn 247.202 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 100 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,7 lần, tử vong tăng 80 trường hợp. Con số này tăng hơn 10.000 ca mắc mới và 2 trường hợp tử vong so với tuần đầu tháng 10/2022.
Hà Nội nỗ lực đẩy lùi dịch sốt xuất huyết
Thành phố Hà Nội sẽ huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia ngăn chặn, đẩy lùi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư