Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Dầu thực vật Tường An sẽ tham chiến thị trường thực phẩm đóng gói
Phan Hằng - 18/04/2018 15:35
 
Không chỉ sản xuất và kinh doanh dầu ăn, Tường An sẽ liên kết với các đối tác nhằm mở rộng và đa dạng hóa danh mục các sản phẩm thiết yếu, tạo tiền đề để doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh.

Lợi nhuận gấp đôi sau hơn 1 năm 

Giai đoạn 2011 - 2016, Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (mã: TAC) luôn đặt ra kế hoạch lãi ròng 50 tỷ đồng và cổ tức 16%. Kết quả thực hiện mặc dù luôn vượt kế hoạch, nhưng lợi nhuận đạt được cũng chỉ ở mức 64 - 69 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của TAC đã có nhiều chuyển biến tích cực sau khi Tập đoàn KIDO (KDC) nắm quyền kiểm soát từ cuối năm 2016. Hiện nay, KDC sở hữu 65% vốn TAC và sở hữu 51% Tổng công ty cổ phần Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex (VOC) - doanh nghiệp xuất nhập khẩu và phân phối dầu tinh luyện hàng đầu Việt Nam. 

Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An đã thông qua Kế hoạch tăng trưởng năm 2018 với mức lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng.
Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An đã thông qua Kế hoạch tăng trưởng năm 2018 với mức lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng.

Năm 2017, TAC ghi nhận kết quả tăng trưởng gấp đôi so với kết quả thực hiện năm 2016. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 4.338 tỷ đồng, tăng 9%. Trong khi đó, giá vốn tăng thấp hơn (chỉ 5%), nên đã giúp lợi nhuận gộp của Công ty đạt 564 tỷ đồng, tăng mạnh thêm 190 tỷ đồng (tương ứng tăng 50%). Biên lợi nhuận gộp qua đó tăng từ 9% lên 13%, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay của TAC. Lợi nhuận trước thuế cả năm 2017 của TAC đạt 166 tỷ đồng, đạt 101% mục tiêu và tăng gần gấp đôi so với năm 2016. 

Với kết quả tích cực trên, Hội đồng Quản trị TAC đã quyết định trình kế hoạch cổ tức năm 2017, từ 16% lên 24% và đã được Đại hội cổ đông diễn ra ngày 16/4/2018 thông qua.

Theo Ban lãnh đạo TAC, kết quả trên là nhờ sự tích hợp năng lực từ Tập đoàn KIDO, nâng cao hiệu quả về mặt quản trị, mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả nguồn lực, vốn và cơ cấu lại sản phẩm, đặc biệt là tập trung nhiều hơn vào phân khúc dầu ăn cao cấp. Đây cũng là phân khúc được dự báo tăng trưởng mạnh nhất trong ngành dầu ăn, vì người dân ngày càng chú ý hơn tới sức khỏe. 

Chuyển biến mạnh theo hướng tích cực

Tường An là doanh nghiệp có thị phần đứng thứ 2 tại Việt Nam về sản phẩm dầu ăn với độ nhận diện thương hiệu rất cao; sản phẩm dầu ăn Tường An đã đến tay hơn 11 triệu hộ gia đình mỗi năm. Sau khi TAC “về một nhà” với KIDO, cục diện dự báo sẽ tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực hơn cho TAC.  

Các sản phẩm của Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An.
Các sản phẩm của Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An.

KIDO là doanh nghiệp có “con mắt nhà nghề” trong mảng F&B (thực phẩm và đồ uống), am hiểu thị trường Việt Nam và có đội ngũ nghiên cứu thị trường nhiều kinh nghiệm, đã giúp TAC nhanh chóng nắm bắt nhu cầu đang có nhiều thay đổi của người tiêu dùng. Theo đó, TAC sẽ đẩy mạnh quá trình liên kết với các đối tác nhằm mở rộng và đa dạng hóa danh mục và cung cấp các sản phẩm phù hợp. Hiện TAC đã nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm cải tiến như dầu đậu nành mới, dầu Vio gấc và dầu Vio olive; đồng thời phân phối sản phẩm đường tinh luyện dưới thương hiệu Biên Hòa. 

Trong năm 2017, TAC cũng tiến hành tái cấu trúc mô hình hoạt động kinh doanh, trong đó, chuyển chiến lược bán hàng, khuyến khích bán các sản phẩm có biên lợi nhuận cao, đặc biệt là dầu cooking và đậu nành; linh hoạt trong việc đưa ra giá bán để tối ưu hóa lợi nhuận. 

Ngoài ra, sự tích hợp hệ thống kênh phân phối từ Tập đoàn KIDO với 450.000 điểm bán trên toàn quốc, sẽ giúp TAC đẩy mạnh và gia tăng thị phần, đồng thời giúp Công ty dễ dàng đưa các sản phẩm đóng gói vào phân phối nhằm tận dụng lợi thế kênh phân phối rộng khắp. TAC đã bắt đầu phân phối các thực phẩm đóng gói mới từ các đối tác trong và ngoài nước.

Trở thành thành viên của KIDO, TAC không những được hỗ trợ về mặt tài chính, xây dựng lại quy trình, tái cấu trúc danh mục sản phẩm và đào tạo nguồn lực, mà còn được KIDO hỗ trợ về nguyên liệu, ổn định đầu vào, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh về giá. 

Kế hoạch lợi nhuận 250 tỷ đồng trong năm 2018

Với nền tảng đã được tích hợp, thiết lập trong năm 2017, TAC tiếp tục thực hiện định hướng chiến lược mở rộng sang các ngành hàng trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu với mục tiêu “Lấp đầy gian bếp Việt”, trở thành công ty thực phẩm số 1 tại Việt Nam. Kế hoạch tăng trưởng năm 2018, TAC đặt mục tiêu doanh thu 5.100 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận trước thuế tăng mạnh hơn, ở mức 51%, tương đương 250 tỷ đồng; cổ tức dự kiến 24%. Kế hoạch này đã được Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 thông qua.

Dự báo giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ tiêu thụ dầu ăn tại Việt Nam ở mức 8,7% và các sản phẩm dầu ăn có thương hiệu chiếm đến 70% thị phần. Lượng tiêu thụ dầu ăn của người dân Việt Nam hiện khoảng 11,3 kg/năm/người, thấp hơn so với chuẩn WHO (13,5kg/người/năm) và thấp hơn nhiều so với lượng tiêu thụ trung bình tại Thái Lan (13,2kg/người/năm), Malaysia (29,1 kg/người/năm), Ấn Độ (14,9 kg/người/năm), Trung Quốc (24,2 kg/người/năm). Điều này cho thấy, dư địa tăng trưởng của ngành dầu ăn Việt Nam còn rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TAC

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TAC cho biết, cơ sở để thực hiện kế hoạch 2018 của Công ty đến từ ngành thực phẩm đóng gói còn nhiều dư địa tăng trưởng và những cải tiến của TAC trong năm 2017, cùng với việc đa dạng sản phẩm phù hợp với từng vùng miền, mở rộng sang lĩnh vực thực phẩm đóng gói thiết yếu và tiếp tục mở rộng kênh phân phối.

Theo thống kê, các sản phẩm dầu ăn có thương hiệu chiếm đến 70% thị phần tại Việt Nam và được nắm giữ bởi 4 công ty hàng đầu. Điều này cho thấy, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành sẽ vô cùng khốc liệt. Để có thể thâm nhập và đạt mục tiêu dẫn đầu, TAC cần có giải pháp. 

Theo Chủ tịch TAC, hiện thị phần của TAC đang đứng thứ 2 tại Việt Nam trong ngành dầu ăn và được giữ ổn định từ khi gia nhập vào Tập đoàn KIDO. Tuy nhiên, khi có nhiều công ty tham gia, thì miếng bánh thị trường càng bị chia nhỏ. TAC có thể giữ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, nhưng để phát triển mạnh hơn thì vẫn còn nhiều thách thức. 

“Do đó, để mở rộng không gian phát triển, TAC sẽ tham gia vào thị trường thực phẩm đóng gói. Năm 2018, quy mô ngành thực phẩm đóng gói của Việt Nam ước tính khoảng 250.000 tỷ đồng, trong đó, các sản phẩm dầu ăn, nước uống, nước sốt, mì, đường là 175.900 tỷ đồng. Theo đó, đây sẽ là một thị trường rất tiềm năng”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Đặc biệt, năm 2018, TAC sẽ hợp tác với các đối tác có thương hiệu trong và ngoài nước; đẩy mạnh hơn nữa phân khúc cao cấp; đồng thời, mở rộng kênh phân phối thêm 50% điểm bán trong năm 2018 để đưa sản phẩm đi sâu tới từng vùng miền mà trước đây TAC chưa phát triển. Bên cạnh đó, TAC sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thông qua việc tìm kiếm các thị trường mà việc sản xuất hoặc nhập khẩu dầu của họ không có lợi thế cạnh tranh như Việt Nam.

Dầu thực vật Tường An lên kế hoạch trút bỏ hình ảnh “thiếu năng động”
HĐQT Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An cho biết, trong năm 2017, Công ty sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc sản phẩm, nghiên cứu và ra mắt một số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư