Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đầu tư 34,7 tỷ đồng rà soát, đánh giá Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành
Anh Minh - 12/10/2024 14:02
 
Khoản kinh phí rà soát, đánh giá, khuyến nghị kết quả Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sẽ được lấy từ nguồn hỗ trợ không hoàn lại từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF).
Hướng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Hướng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký quyết định phê duyệt văn kiện phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại thực hiện Hỗ trợ kỹ thuật rà soát, đánh giá, khuyến nghị kết quả Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.

Khoản kinh phí trị giá 34,7 tỷ đồng, tương đương 1,439 triệu USD để hỗ trợ kỹ thuật rà soát, đánh giá, khuyến nghị kết quả Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành sẽ do Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) tài trợ, trong thời gian từ 2024 - 2025.

Mục tiêu của khoản hỗ trợ kỹ thuật này là âng cao chất lượng và tính khả thi của hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành do tư vấn Việt Nam lập, đảm bảo phù hợp với công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và kết nối thuận lợi; nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn và quản lý dự án trong nước trong công tác chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư các đường sắt điện khí hóa mới.

Ngoài việc rà soát, đánh giá, khuyến nghị hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án về dự báo nhu cầu vận tải; tính khả thi, an toàn và hiệu quả; quy mô đầu tư, lộ trình đầu tư; các giải pháp kỹ thuật và phương án tài chính của Dự án, phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ 5 cán bộ, nhân sự Việt Nam nghiên cứu, học tập trong các lĩnh vực liên quan đến đầu tư các tuyến đường sắt tương tự đã, đang được đầu tư xây dựng tại Hàn Quốc như: tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ áp dụng; lập kế hoạch; mô hình quản lý đầu tư, quản lý khai thác, duy tu, bào trì hệ thống đường sắt.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án do liên danh TEDI - TEDIS để xuất, Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sẽ là tuyến đường sắt đô thị vận chuyển nhanh khối lượng lớn (MRT); tốc độ thiết kế tối đa lựa chọn là 120 km/h trên chính tuyến (90 km/h trong hầm); tốc độ vận hành tối đa là 110 km/h trên chính tuyến (80 km/h trong hầm).

Tính tổng cộng, Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài 48,23 km, trong đó chiều dài đoạn đường dẫn vào depot Cẩm Đường là 4,4 km; chiều dài tuyến chính là 41,83 km, trong đó đoạn đi qua TP.HCM là 11,75 km, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai là 30,84 km.

Toàn tuyến có 20 ga (bao gồm cả ga Thủ Thiêm) gồm 16 ga đi trên cao và 4 ga đi ngầm, 2 vị trí depot. Phương tiện sức kéo của tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có tải trọng trục 16T, điện sức kéo 1500 VDC/tiếp điện trên cao; sử dụng đoàn tàu động lực phân tán (EMU).

Trong giai đoạn 2035 - 2045, tuyến sử dụng 9 đoàn tàu 4 toa; giai đoạn 2045 - 2055 sử dụng 28 đoàn tàu 4 toa và giai đoạn sau 2055 sử dụng 31 đoàn tàu 6 toa.

Tổng diện tích đất giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án là 140,11 ha, trong đó diện tích đất ở bị ảnh hưởng là  3,23 ha, diện tích đất quy hoạch giao thông là 71,05 ha, diện tích đất nông nghiệp rừng sản xuất là 27,2 ha và diện tích các loại đất khác là 38,63 ha; số hộ dân bị ảnh hưởng là 302 nhà. Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến (không bao gồm lãi vay) là 84.752 tỷ đồng, tương đương 3,454 tỷ USD, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư là 5.504 tỷ đồng.

Liên danh TEDI - TEDIS đề xuất sử dụng vốn ngân sách Nhà nước kết hợp với vốn hỗ trợ phát triển chính thức để đầu tư Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.

Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sẽ tổ chức triển khai xây dựng từ quý 4/2026 đến năm 2029; tổ chức mua sắm thiết bị, đoàn tàu từ 2028 - 2029; hoàn thành, vận hành thử và khai thác thương mại vào năm 2030.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư