Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đầu tư dự án điện gió hơn 1.800 tỷ đồng tại huyện Đăk Glei, Kon Tum
Ngọc Tân - 11/09/2020 16:34
 
Tỉnh Kon Tum yêu cầu trong quá trình triển khai thực hiện, dự án phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên.

UBND tỉnh Kon Tum vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án Nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật - Đăk Glei của Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật có trụ sở chính tại Thôn 4, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Dự án được thực hiện tại các xã Đăk Môn, Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, với diện tích mặt đất sử dụng là 24,55 ha.

Quy mô dự án 50 MW với các hạng mục như trụ gió, đường giao thông nội bộ, đường dây 22kV trên không, đường dây 110kV, trạm biến áp 110kV …

Tổng vốn đầu tư của dự án 1.890 tỷ đồng trong đó vốn góp của Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật là 380 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư của dự án; và vốn vay từ Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Chi nhánh Kon Tum là 1.510 tỷ đồng. Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư.

Về tiến độ, thời gian chuẩn bị đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng dự án bắt đầu từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2020. Thời gian xây dựng dự án từ tháng 12/2020 đến tháng 9/2021. Và thời gian vận hành sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ từ tháng 10/2021 trở đi.

Về công nghệ, dự án dự kiến sử dụng công nghệ Tuabin trục ngang 3 cánh, có hộp số và không hộp số đi kèm với hệ thống điều khiển Pitch. Đây là công nghệ có xuất xứ từ Tây Ban Nha ( hãng GAMESA), trong đó công suất danh định của Turbine là 2,5MW

Theo UBND tỉnh Kon Tum cho biết, dự án sẽ có các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu; ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ cam kết; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai, rừng, môi trường, khoáng sản, lao động, nghĩa vụ tài chính và các quy định khác có liên quan.

Cũng theo UBND tỉnh Kon Tum cho biết, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt chủ trương, nếu nhà đầu tư không hoàn thành các thủ tục tiếp theo theo quy định, không thực hiện dự án hoặc thực hiện chậm tiến độ so với tiến độ của dự án và không có lý do hợp lý, UBND tỉnh Kon Tum sẽ thu hồi chủ trương đầu tư dự án trên và nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về các khoản chi phí đã đầu tư.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật còn phải thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum cũng như thực hiện đúng chế độ báo cáo theo quy định liên quan.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện các bước tiếp theo của dự án, nhà đầu tư cần phối hợp với chính quyền địa phương và các Sở, ban ngành liên quan để đánh giá cụ thể hiện trạng sử dụng đất của dự án, triển khai thực hiện dự án đảm bảo không làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên. Trường hợp cần chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án phải được Chính phủ cho phép theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật có trụ sở chính tại Thôn 4, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Công ty được Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 22/10/2018; thay đổi lần 3, ngày 21/7/2020. Người đại diện pháp luật của công ty này là bà Trần Thị Khánh Mai (SN 1980), có địa chỉ thường trú tại số 27 Nguyễn Đình Chiểu, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Bà Mai vừa là chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc công ty Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật.

Dựa nguồn vốn “người nhà”, Vĩnh Sơn Sông Hinh đầu tư thêm 390 tỷ vào Thượng Kon Tum
Các ngân hàng đã cho Vĩnh Sơn Sông Hinh vay hơn 4.700 tỷ đồng và khó nới thêm hạn mức tín dụng. Nguồn vốn nửa đầu năm bổ sung thêm cho dự án phần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư