Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Đầu tư dự án theo hình thức PPP: Đà Nẵng “toát mồ hôi”
Nhiệt Băng - 31/12/2022 08:15
 
Dù chỉ có vài dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), nhưng Đà Nẵng phải “toát mồ hôi” xử lý thủ tục, loay hoay đưa các dự án này về đích.

Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt “mắc cạn”

Theo UBND TP. Đà Nẵng, PPP là loại hình đang được Thành phố quan tâm thực hiện, nhằm giảm gánh nặng chi phí đầu tư công cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc thu hút và thực hiện đầu tư theo hình thức PPP chưa đạt yêu cầu đề ra.

Tính đến nay, Đà Nẵng có 2 dự án đầu tư theo hình thức PPP do nhà đầu tư quan tâm đề xuất. Dù chỉ có 2 dự án, nhưng tiến trình thực hiện lại vô cùng trầy trật. Đầu tiên là Dự án Nhà xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày theo phương thức BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao), do Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Ecoland, Công ty cổ phần Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Huy Hoàng và Công ty cổ phần Môi trường Huy Hoàng Eco đề xuất thực hiện tại Khu liên hợp chất thải rắn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).

Dự án này đang triển khai thủ tục Báo cáo Nghiên cứu khả thi và còn nhiều công việc phải làm, như tổ chức thẩm định báo cáo, phê duyệt dự án; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán và ký hợp đồng; thủ tục đất đai, xây dựng.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, bên cạnh nguyên nhân khách quan do Covid-19, thì việc lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi của Dự án bị chậm còn do nhiều nguyên nhân khác.

Trước hết, nhà đầu tư đã triển khai lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường và tổ chức tham vấn cộng đồng từ tháng 1/2021, nhưng đến tháng 12/2021, Báo cáo mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Bên cạnh đó, ngày 17/12/2021, nhà đầu tư đề xuất gửi Công văn số 1712/CV-Eco, trong đó đề xuất Thành phố xem xét di dời vị trí và điều chỉnh hình thức tổ chức đầu tư. Nhưng đến tháng 6/2022, nhà đầu tư này mới có báo cáo gửi UBND TP. Đà Nẵng phương án về hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Do vậy, thời gian qua, các sở, ngành có liên quan phải tập trung rà soát, nghiên cứu hiện trạng quy hoạch, đất đai, hạ tầng theo đề xuất nêu trên, báo cáo UBND TP. Đà Nẵng. Việc này đã có ảnh hưởng nhất định đến tiến độ của Dự án.

Liên quan việc trình hồ sơ điều chỉnh quy hoạch theo diện tích đề xuất trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi, theo UBND TP. Đà Nẵng, từ tháng 4/2021, nhà đầu tư đề xuất gửi hồ sơ về Sở Xây dựng, nhưng chưa đảm bảo hồ sơ thành phần liên quan theo quy định (chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt). Sau đó, khi có quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường vào tháng 12/2021, Sở Xây dựng đã tiếp nhận chính thức hồ sơ, triển khai thẩm định quy hoạch. Tuy nhiên, nhà đầu tư đề xuất không giải trình rõ việc đề xuất không bố trí khu chôn lấp tro xỉ trong phần diện tích dự án (kéo dài 8 tháng).

Đề giải quyết vấn đề này, UBND TP. Đà Nẵng đã xem xét phương án quy hoạch chung đối với chất thải sau xử lý tập trung của Thành phố, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh diện tích theo đề xuất của nhà đầu tư đề xuất vào ngày 15/8/2022. Với phần diện tích này, Thành phố yêu cầu nhà đầu tư trúng thầu PPP cần phải xác định rõ trong trường hợp triển khai dự án.

Luật còn nhiều khoảng trống

Cùng với Dự án Nhà xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày, Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bước chất lượng cao tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cũng đang gặp khó.

Chưa có địa phương nào triển khai hình thức PPP đối với lĩnh vực môi trường và y tế, nên không thể học hỏi kinh nghiệm trong quá trình xử lý thủ tục.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, hiện nay, đối với các dự án theo hình thức PPP về xử lý chất thải rắn sinh hoạt và y tế, các bộ chuyên ngành chưa ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn về công nghệ; tiêu chí về lựa chọn nhà đầy tư; hình thức hợp đồng áp dụng cho từng lĩnh vực; mẫu hợp đồng cụ thể cho từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, định mức thuê chuyên gia nước ngoài để thực hiện thẩm tra Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án chưa đáp ứng được mức lương đề nghị của chuyên gia nước ngoài. Do đó, UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, khó có thể thuê được các chuyên gia có chuyên môn sâu để thẩm tra Báo cáo Nghiên cứu khả thi.

Vấn đề nữa là, quy định về quy mô đầu tư đối với các dự án PPP tại Luật PPP năm 2020 quá cao (theo Điều 2, Nghị định số 35/NĐ-CP năm 2021 quy định lĩnh vực giao thông - vận tải có vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên; lĩnh vực lưới điện, nhà máy điện, thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải, hạ tầng công nghệ thông tin có vốn đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên; lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo có vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên), nên khó có thể thu hút được các dự án nhỏ đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, từ khi Luật PPP năm 2020 có hiệu lực đến nay, chưa có địa phương nào trong cả nước triển khai hình thức PPP đối với lĩnh vực môi trường và y tế, nên không thể học hỏi kinh nghiệm trong quá trình xử lý thủ tục.

Do vậy, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ chuyên ngành khẩn trương ban hành đầy đủ các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, thẩm định công nghệ, nội dung đàm phán, mẫu hợp đồng đối với từng lĩnh vực, làm cơ sở để triển khai các thủ tục theo đúng quy định hiện hành; đồng thời xem xét mở rộng thêm nhóm lĩnh vực cần kêu gọi đầu tư và giảm tổng mức đầu tư, nhằm tạo thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP.

Đà Nẵng sẽ triển khai hai dự án giao thông trọng điểm trong năm 2023
TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt sẽ khởi công 2 dự án giao thông trọng điểm, tổng vốn 2.900 tỷ đồng ngay đầu năm 2023, để kịp hoàn thành, đưa vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư