Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Đẩy mạnh cho vay ngay từ đầu năm, kích tăng trưởng tín dụng
Vân Linh - 18/01/2024 08:50
 
Các ngân hàng kỳ vọng, tình hình cho vay tích cực hơn khi kinh tế dần hồi phục, mặt bằng lãi vay thấp, các chính sách bắt đầu phát huy tác dụng, sức hấp thụ vốn nền kinh tế tốt hơn.

Giá vốn ngày càng rẻ

Lãi suất cho vay hiện đã giảm khoảng 2% so với đầu năm 2023. Mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà, tiêu dùng trên thị trường chỉ nhỉnh hơn lãi suất huy động từ 1 - 2%/năm. Lãi suất cho vay mua nhà dao động 5 - 10,5%/năm đang được xem là mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Ngay từ đầu năm 2024, các ngân hàng đã tăng tốc đẩy mạnh các chương trình để kích tăng trưởng tín dụng.

BVBank vừa đưa ra gói tín dụng cho vay mua, sửa chữa nhà đất, tiêu dùng cá nhân, sản xuất - kinh doanh với lãi suất từ 5%/năm. Biên độ điều chỉnh lãi suất cho vay giữa mức lãi suất cố định và thả nổi giảm chỉ còn 2%/năm. Tại ShinhanBank, lãi cho vay nhà ở hiện giảm từ 0,3 - 0,7%/năm so với quý IV/2023, còn 6,8%/năm cố định trong 12 tháng đầu, hay 7,4%/năm cố định trong 24 tháng đầu, hay 8%/năm cố định trong 36 tháng...

Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, nhiều gói lãi suất cho vay ưu đãi những tháng đầu gần như hòa vốn so với lãi suất huy động. Tuy vậy, việc giải ngân vẫn không hề dễ dàng do nhu cầu vay mua bất động sản chưa được nhiều.

Theo ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho vay bán lẻ Ngân hàng Shinhan Việt Nam, việc hỗ trợ khách hàng cũng là giúp chính ngân hàng khi đồng hành cùng người vay ở mức lãi suất thấp nhất có thể. Thậm chí hiện nay, đối với các khoản vay mới, ngân hàng gần như hòa vốn để hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn chung này.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú cho biết, NHNN không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024 và nếu giảm được lãi suất thì phải giảm. Hiện lãi suất cho vay giảm về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Nhiều ngân hàng thương mại nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Nhưng tinh thần chỉ đạo của NHNN là, các ngân hàng vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.

Theo kết quả điều tra của NHNN, các tổ chức tín dụng dự báo, mặt bằng lãi suất huy động - cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2024; huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý I và tăng 12,1% trong cả năm, tương đương mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Có kích thích được tăng trưởng tín dụng?

Cũng theo kết quả điều tra của NHNN, các tổ chức tín dụng kỳ vọng, quý I/2024, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4,4% và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước đó.

Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của BVBank, ông Ngô Minh Sang cho hay, cho vay đang nhộp nhịp trở lại, kể cả với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, khi mặt bằng lãi suất xuống thấp.

Trước đó, 3 quý đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 6,9%, nhưng đến hết năm đạt 13,71%. Như vậy, chỉ trong quý cuối năm, tín dụng tăng đến 6,81%, gần bằng 3 quý đầu năm 2023.

Nếu xét theo số tuyệt đối, đã có hơn 578.300 tỷ đồng được bơm ròng ra nền kinh tế chỉ riêng trong tháng 12/2023, nâng số dư nợ tăng ròng năm 2023 lên hơn 1,63 triệu tỷ đồng. Đáng lưu ý là, mức tăng trưởng này gần như chỉ tập trung vào nửa cuối tháng 12, đặc biệt là trong 10 ngày cuối tháng 12, cho thấy kinh tế đang hồi phục tốt hơn, giúp nhu cầu vay vốn tăng mạnh trở lại.

Với kết quả tích cực của tăng trưởng tín dụng trong tháng cuối năm 2023, NHNN đã nhanh chóng giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng, với hạn mức là 15%. Dư nợ tín dụng toàn ngành cuối năm 2023 ở mức gần 13,56 triệu tỷ đồng, như vậy theo kế hoạch này, sẽ có thêm hơn 2 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế trong năm nay.

Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách Mảng Giao dịch ngoại hối và phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng, lãi suất tiết kiệm đã giảm xuống mức tương đương thời kỳ trước Covid-19, khiến việc cắt giảm thêm khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, xét đến việc tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn mục tiêu đề ra trong năm 2023, khả năng cao sẽ thông qua việc cắt giảm lãi suất cho vay bổ sung để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024.

“Để điều này xảy ra, trước hết, cần có hỗ trợ chính sách để đáp ứng kỳ vọng của các ngân hàng, vốn đang trở nên thận trọng trong việc cho vay khi nợ xấu gia tăng”, ông Pyon Young Hwan nhấn mạnh.

Giao hết room ngay đầu năm, kích tăng trưởng tín dụng
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao hết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư